Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Bảo tàng, di tích hậu Covid-19: Thiết lập trạng thái “bình thường mới”

Thứ Sáu 22/05/2020 | 11:35 GMT+7

VHO- Khi đại dịch Covid-19 tạm lắng và mọi hoạt động đang dần trở lại bình thường thì cũng là lúc nhiều người đặt ra câu hỏi: Phải làm gì để có thể “hồi sinh” một cách nhanh nhất?

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám những ngày đầu tiên trở lại hoạt động

 Những ngày đầu mở cửa trở lại của các bảo tàng, di tích đã cho thấy đây thực sự là vấn đề cấp thiết cần được đặc biệt quan tâm…

Ngày 14.5 đánh dấu sự quay trở lại hoạt động của hàng loạt bảo tàng, di tích trọng điểm trên địa bàn Hà Nội như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn, Di tích Nhà tù Hỏa Lò... Trước đó, các đơn vị như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật... cũng đã mở cửa từ những ngày đầu tháng 5. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, số khách đến các bảo tàng, di tích rất thưa thớt. Đặc biệt, hình ảnh các đoàn khách quốc tế đông người như trước đây đã không còn.

Mở cửa trở lại nhưng luôn sẵn sàng các phương án phòng chống dịch, điều này đồng nghĩa với việc những bảo tàng, di tích phải có phương án để hình thành trạng thái hoạt động “bình thường mới”. Ở di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, việc đảm bảo điều kiện an toàn đón khách tham quan được chuẩn bị chu đáo: Tất cả các khu vực đều được phun khử trùng, vệ sinh sạch sẽ, nước rửa tay diệt khuẩn được đặt cạnh lối đi và trong các nhà vệ sinh, lối vào cổng chính kẻ sẵn các ô sơn trắng cách nhau 1 mét để khách xếp hàng và đo thân nhiệt trước khi vào tham quan. “Chúng tôi đã đón những vị khách đầu tiên sau thời gian dài im lìm đóng cửa. Cuộc sống đã gần như trở lại bình thường tại nơi đây...”, đại diện Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết.

Sau nhiều ngày đóng cửa, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng đã sôi động trở lại với hoạt động trưng bày “Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam” nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người. TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng cho biết, mặc dù đại dịch Covid đã ảnh hưởng đến mọi hoạt động, nhưng với tinh thần nỗ lực vượt qua khó khăn, Bảo tàng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã cùng phối hợp để khẩn trương hoàn thiện các nội dung trưng bày, với nhiều điểm nhấn và hiện vật lần đầu tiên công bố.

Cũng trong tâm thế hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”, triển lãm “Luôn có Bác trong tim” đã được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam khai mạc vào ngày 16.5.2020. Theo ghi nhận của Văn Hóa, tại đây các biện pháp đảm bảo an toàn được thực hiện thường xuyên như đo thân nhiệt, sử dụng nước rửa tay diệt khuẩn và yêu cầu khách đeo khẩu trang thường xuyên trong suốt quá trình tham quan. Đây là hoạt động đầu tiên sau thời gian tạm đóng cửa, nên bên cạnh hình thức trưng bày truyền thống, Bảo tàng còn đăng tải các hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên mạng Internet để mọi người dân dù ở nhà vẫn có thể tìm hiểu, thưởng thức.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là địa chỉ thường xuyên tổ chức triển lãm online trong những ngày giãn cách xã hội nhằm duy trì các hoạt động giới thiệu, quảng bá các tác phẩm mỹ thuật tới công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước. Sau triển lãm nhân kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bảo tàng tiếp tục tổ chức online triển lãm “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”. Theo ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, sự ập đến bất ngờ với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 thực sự đã đặt ra một bài toán khó đối với hoạt động của các bảo tàng, di tích. Đặc biệt, những ngày phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch càng thôi thúc đội ngũ cán bộ, nhân viên Bảo tàng tăng cường hình thức triển lãm trực tuyến để công chúng trong và ngoài nước được thưởng thức những tác phẩm giàu ý nghĩa nhân các dịp kỷ niệm trọng đại của đất nước.

Tăng cường tổ chức các triển lãm trực tuyến, đưa những câu chuyện hiện vật tiêu biểu lên Youtube, facebook, website và các trang mạng xã hội cũng là giải pháp phổ biến để “hồi sức” cho các bảo tàng, di tích hiện nay, khi guồng quay thường nhật vẫn chưa thực sự trở về. Trong đó, giới thiệu câu chuyện hiện vật trên Youtube là lựa chọn của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với thông điệp: “Đóng cửa các bảo tàng không đồng nghĩa với ngừng hoạt động. Nếu bạn không thể đến với chúng tôi thì chúng tôi sẽ đưa Bảo tàng đến với bạn. Tất cả những gì bạn cần làm là bật điện thoại, chọn kênh Youtube của Bảo tàng và thưởng thức những clip mà bạn muốn xem”.

Bảo tàng Hồ Chí Minh sau thời gian tạm đóng cửa cũng đã quay lại phục vụ công chúng qua hai cuộc triển lãm được tổ chức nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với các biện pháp tuyên truyền phòng chống dịch được đặc biệt chú trọng. Bên cạnh hình thức trưng bày tại chỗ, trên trang web của Bảo tàng, công chúng có thể tiếp cận thuận lợi và đa dạng hơn với các hình ảnh, tư liệu phong phú về Bác Hồ.

Có thể thấy, các bảo tàng, di tích đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho guồng quay thường nhật. Phản hồi hoạt động đánh giá của UNESCO tại Hà Nội về tác động của đại dịch, các bảo tàng đều chia sẻ về những giải pháp duy trì kết nối với công chúng, phổ biến là thông qua mở bộ sưu tập online, bảo tàng ảo… Theo TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, trưng bày online, Bảo tàng tương tác ảo 3D không chỉ là hoạt động để ứng phó với Covid-19 mà còn là xu hướng tất yếu trong thời buổi cách mạng 4.0 hiện nay.

 BẢO ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top