Kiên Giang mở lớp kỹ năng cho người truyền dạy Đờn ca tài tử

VHO- Sáng 6.7, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Kiên Giang khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng cho người truyền dạy Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Tham gia lớp học có 60 học viên đến từ 15 huyện, thành phố trong tỉnh.

Kiên Giang mở lớp kỹ năng cho người truyền dạy Đờn ca tài tử - Anh 1

Tiết mục ĐCTT chào mừng khai giảng lớp học

Lớp học nằm trong chương trình Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2018-2020” đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang phê duyệt. Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT của tỉnh Kiên Giang; đồng thời nhân rộng phong trào ĐCTT ở khắp các huyện, thành phố trong tỉnh, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; tạo điều kiện để các nghệ nhân trong tỉnh có dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; phát hiện những nhân tố mới để nâng cao chất lượng, phát triển sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của tỉnh và phục vụ tốt đời sống tinh thần của nhân dân.

Lớp học kéo dài một tháng, tham gia truyền dạy có Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên - Giảng viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh; Thạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Khải - Giảng viên Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh; nghệ sĩ Kim Loan - Giảng viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh. Các học viên tham gia lớp tập huấn được cung cấp những kiến thức về ĐCTT, phương pháp truyền dạy dân gian... sau khóa học các học viên sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học. 

Vào tháng 9 năm 2020, Hội thị ĐCTT tỉnh Kiên Giang lần thứ 2 sẽ được tổ chức, đây là ngày hội của những người mộ điệu nghệ thuật ĐCTT trong tỉnh để cùng hòa mình vào những giai điệu ngọt ngào, trầm bổng, sâu lắng của cung điệu tài tử, một nét văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc Phương Nam.

Kiên Giang mở lớp kỹ năng cho người truyền dạy Đờn ca tài tử - Anh 2

Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên - Giảng viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi khai giảng lớp học

Đến nay, Kiên Giang được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” (NNƯT) cho 05 cá nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, có 03 người thuộc loại hình nghệ thuật ĐCTT gồm: NNƯT Lê Văn Chiểu, NNƯT Nguyễn Hoàng Vũ, NNƯT Nguyễn Văn Nhỏ; loại hình nghệ thuật Khmer có 02 người gồm: NNƯT Danh Bê, NNƯT Danh Tiền.

Với nhiều hoạt động động sổi nổi trong những năm qua, phong trào hoạt động ĐCTT của tỉnh Kiên Giang đã và đang tích cực thực hiện tốt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2018-2020”, để cùng với các tỉnh, thành có nghệ thuật ĐCTT bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận.

THẾ HẠNH

Ý kiến bạn đọc