Thực hiện nghi lễ có tính bạo lực trong lễ hội​​​​​​​: Sẽ phạt nặng hành vi

VHO- Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đang được Bộ VHTTDL lấy ý kiến đã đưa ra quy định nhiều mức xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm.

Thực hiện nghi lễ có tính bạo lực trong lễ hội​​​​​​​: Sẽ phạt nặng hành vi - Anh 1

 Những hành vi thực hiện nghi lễ có tính bạo lực sẽ bị xử phạt Ảnh minh họa: TRẦN HUẤN

Trong đó, có nhiều quy định được đưa ra nhằm chấn chỉnh những bất cập trong quản lý và tổ chức lễ hội như phạt tiền đối với các hành vi nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội; lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi; tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội...

Đặc biệt, dự thảo quy định mức xử phạt nặng đối với hành vi thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc.

Tại dự thảo Tờ trình, Bộ VHTTDL nêu rõ, một trong những bất cập trong công tác thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo thời gian qua là một số hành vi vi phạm có mức phạt tiền chưa tương xứng, dẫn đến tình trạng chủ thể hành vi sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm vì lợi nhuận mang lại nhiều hơn số tiền bị xử phạt như hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi chỉ có khung phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng; hoặc các hành vi quảng cáo những mặt hàng mà pháp luật cấm không được quảng cáo, hành vi vi phạm quy định cấm trong lĩnh vực di sản văn hóa, quảng cáo...

Lễ hội là một trong những lĩnh vực văn hóa luôn biến động, hàm chứa nhiều yếu tố nhạy cảm và thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng trong xã hội. Để đưa những hoạt động thuộc lĩnh vực này đi vào nề nếp, dự thảo Nghị định sẽ đưa ra mức xử phạt điều chỉnh các hành vi vi phạm. Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương, những quy định tại dự thảo Nghị định nói chung và ở lĩnh vực lễ hội nói riêng được xây dựng trên cơ sở rà soát cụ thể các hành vi vi phạm, đưa ra mức xử phạt phù hợp với thực tế. Có những hành vi vi phạm nếu đưa ra mức phạt cao quá sẽ không thực hiện được, hoặc thấp quá sẽ không có tính răn đe, do vậy cần rà soát kỹ càng để nâng cao tính khả thi khi Nghị định chính thức được ban hành.

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm về tổ chức lễ hội được dự thảo tại điều 17, mục 3, chương II. Theo đó, các hành vi vi phạm khá phổ biến từ trước đến nay tại nhiều lễ hội như thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định sẽ bị phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền từ 200- 500 ngàn đồng. Các hành vi ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ; nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội; xả rác bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường; mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa; đổi tiền có chênh lệnh giá; không báo cáo bằng văn bản kết quả tổ chức lễ hội đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; chèo kéo người tham dự lễ hội... sẽ được quy định mức phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng.

Theo các nhà quản lý, đây là những hành vi vi phạm khá phổ biến trong hoạt động lễ hội, được rà soát và đưa vào dự thảo Nghị định với những mức xử phạt cụ thể, có tính chất răn đe. Bên cạnh đó, dự thảo đưa ra mức phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với các hành vi: Không thành lập BTC lễ hội theo quy định; bán vé, thu tiền tham dự lễ hội; không có nhà vệ sinh hoặc có nhà vệ sinh nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định trong khu vực lễ hội, di tích; không tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội trên hệ thống loa phát thanh hoặc bảng, biển và các hình thức tuyên truyền khác; không thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người tham gia lễ hội; không niêm yết hoặc bán cao hơn giá niêm yết các dịch vụ, hàng hóa tại khu vực lễ hội.

Phạt tiền từ 3- 5 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi; tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội. Phạt tiền từ 5- 10 triệu đồng đối với hành vi: Phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam; ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội; tổ chức hoạt động mê tín dị đoan. Phạt tiền từ 10- 15 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lễ hội theo quy định phải thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không thông báo; tổ chức lễ hội sai lệch với nội dung đã đăng kí hoặc nội dung đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đáng chú ý, mức xử phạt cao nhất với các hành vi vi phạm ở lĩnh vực lễ hội: Phạt tiền từ 15- 20 triệu đồng được đưa ra đối với hành vi thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam. Theo các cơ quan quản lý nhà nước về lễ hội, đây là quy định quan trọng nhằm chấn chỉnh những hiện tượng tiêu cực trong quản lý và tổ chức lễ hội tại một số địa phương. Báo chí, mạng xã hội những năm qua cũng đã tốn không ít giấy mực để phản ánh, lên án những biểu hiện tiêu cực này như tại các lễ hội chọi trâu không là lễ hội truyền thống nhưng đậm tính bạo lực; các lễ hội cướp phết, cướp chiếu, giằng bông... với đầy rẫy các hình ảnh phản cảm, gây bức xúc trong cộng đồng.

Ngoài ra, mức phạt 15- 20 triệu đồng cũng được dự thảo áp dụng đối với các hành vi: Tổ chức lễ hội theo quy định phải đăng kí mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tổ chức lễ hội truyền thống không đúng với bản chất, ý nghĩa lịch sử, văn hóa; không tạm dừng tổ chức lễ hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

 HÀ PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc