Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Geisha vật lộn trong dịch Covid-19

Thứ Sáu 24/07/2020 | 10:48 GMT+7

VHO- Trong bối cảnh vẫn đang tiềm tàng khả năng lây nhiễm bệnh dịch Covid-19 tại Nhật Bản, các Geisha đang vật lộn từng ngày để duy trì nghề nghiệp khi vừa phải kiếm sống, vừa phải thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19 được đưa ra bởi Chính phủ Nhật Bản.

Nghệ thuật Geisha gặp nhiều khó khăn trong dịch Covid-19

Số buổi biểu diễn giảm 95%

Ikuko (80 tuổi), người “Chị Đại” tại Akasaka, Tokyo – khu vực sinh sống và biểu diễn của các Geisha chia sẻ vào năm 1964 (năm đầu tiên Tokyo tổ chức Thế vận hội), bà đã đến thủ đô Nhật Bản để thử tìm vận may của mình. Thế nhưng, bà đang lo sợ cho nghề nghiệp có lịch sử phát triển hàng thế kỷ, bị đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đối với các Geisha. Ikuko kể rằng khi bà mới đến Akasaka, có tới hơn 400 Geisha hoạt động, vì số lượng quá đông nên bà không thể nhớ nổi tên ai, nhưng hiện giờ, thời gian đã thay đổi mọi thứ, những ngày này chỉ còn 20 Geisha vẫn đang hành nghề và thậm chí không có thêm một ai muốn ghi danh học việc.

Nổi tiếng là những cô gái có biệt tài nói chuyện dí dỏm, vẻ đẹp và kỹ năng biểu diễn nghệ thuật truyền thống, nhưng tiếc thay số lượng các Geisha đang giảm dần sau nhiều năm. Thêm vào đó, trước tình hình đại dịch Covid-19 bùng phát, Ikuko cùng với các đồng nghiệp của mình đã không thể tiếp tục công việc trong nhiều tháng khi Chính phủ Nhật Bản thông báo tình trạng khẩn cấp. Hiện giờ, dù đã trở lại với công việc, các Geisha vẫn phải đảm bảo những biện pháp phòng dịch gây cản trở không ít đến việc biểu diễn. Trong bối cảnh hạn chế liên quan đến bệnh dịch Covid-19, mọi người dân Nhật Bản đều có xu hướng phải thắt chặt chi tiêu. Và chắc hẳn với tình hình này, ít ai muốn dành hàng giờ đồng hồ để giải trí trong các phòng với không gian kín, nơi biểu diễn của các Geisha.

Số lượng các buổi biểu diễn Geisha đã giảm 95% so với trước đây. Không những thế, các Geisha phải tuân thủ các quy định mới, như không được rót đồ uống cho khách hay không được chạm vào người họ, duy trì khoảng cách xa tối thiểu 2m, thậm chí không được phép bắt tay. Việc đeo khẩu trang là một trở ngại lớn đối với các Geisha, vì họ luôn phải đeo một bộ tóc giả phức tạp trên đầu trong các buổi biểu diễn. Ikuko tâm sự khi đang trong một bộ kimono bằng lụa đen có hoa văn họa tiết, chỉ khi ngồi gần, ta mới có thể trò chuyện bằng cái tâm, bằng cảm hứng sâu thẳm bên trong. Vì thế cho nên, khi phải ngồi cách xa ít nhất 2m, chẳng thể nào trò chuyện đúng nghĩa như trước kia.

Thu nhập bằng con số không

Đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến mỗi Geisha mà còn tác động xấu đến nhiều người hoạt động trong các môn nghệ thuật biểu diễn truyền thống khác, như “jiutamai” – một điệu nhảy của phụ nữ từ thời cổ đại, cũng như các nghệ sĩ trang điểm, nhà tạo mẫu tóc giả và thợ may trang phục kimono cũng đều phải thừa nhận rằng Covid-19 đang làm xáo trộn công việc của họ, khiến mọi thứ trong cuộc sống trở nên vô cùng khó khăn.

Mitsunaga Kanda – nghệ sĩ trang điểm có thâm niên hàng thập kỷ từng làm việc với các Geisha và vũ công chia sẻ rằng: “Các buổi trang điểm của tôi bị hủy triền miên”. Kanda nói thêm khi đang đeo khẩu trang và bắt đầu trang điểm cho vũ công Tokijyo Hanasaki: “Chúng tôi chỉ chạm vào da, vào mặt họ mặc dù không được nói chuyện nhưng chúng tôi vẫn rất thân thiết với nhau, cho đến tận bây giờ, chúng tôi mới nhận ra được điều này”.

Mặc dù cố đô Kyoto mới là địa danh nổi tiếng nhất về nghệ thuật Geisha, nhưng nghề này cũng rất phát triển ở Tokyo, trong đó có 6 quận có các Geisha sinh sống và làm việc. Không phải ai cũng biết, quá trình học nghề và mua trang phục truyền thống kimono luôn luôn rất tốn kém và thu nhập của các nghệ sĩ Geisha phụ thuộc nhiều vào sự nổi tiếng. Những kỹ năng như trò chuyện dí dỏm khiến những Geisha nhiều tuổi như bà Ikuko trở nên nổi tiếng và điều này chỉ có được khi nỗ lực rèn giũa trong thời gian dài. Ikuko nói rằng, thu nhập của bà giờ đây giảm xuống bằng con số không, bà may mắn khi còn một chút dành dụm, nhưng còn những nghệ sĩ trẻ sẽ rất khó khăn, mặc dù Hiệp hội Geisha giúp họ tiền thuê nhà ở. Mọi nghệ sĩ Geisha đều thuộc diện người làm nghề tự do nên có thể xin trợ cấp 1 triệu yên từ Chính phủ và bà Ikuko tin rằng đa số đều đã xin trợ cấp.

Mayu, một nghệ sĩ Geisha 47 tuổi chia sẻ bà cực kỳ lo lắng và chỉ biết ngắm nhìn chiếc kimono của mình, suy tư về làn sóng bệnh dịch thứ hai. Còn Shota Asada, chủ nhà hàng sang trọng, nơi cung cấp các tiết mục biểu diễn Geisha nói rằng chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì để giữ gìn nét văn hóa này. 

 BÌNH PHƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top