“Sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước...”

VHO- “Viết ngay tại chiến trường, viết những gì mà họ muốn nói nhất, khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không thể trở về với gia đình, với quê hương họ. Họ viết trong bom đạn, trong chết chóc. Chỉ khi cái chết cận kề thì tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất. Và sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do không hề khiếp sợ và sự dâng hiến trọn vẹn của họ cho đất nước...”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết.

 

“Sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước...” - Anh 1

 Bản thảo Nhật ký thời chiến

Tọa đàm gặp mặt các nhân chứng lịch sử với bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” được tổ chức nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2020) tiếp tục kể hành trình từ những sổ tay di vật - kỷ vật đến bộ sách về những trang nhật ký chiến trường.

Những trang viết trong khói lửa

Hành trình trở về của những sổ tay di vật - kỷ vật đến bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam rất khác nhau. Mỗi tác giả trở về từ chiến trường đều có một số phận riêng biệt và mỗi tác phẩm trước khi đến với bạn đọc đều có một hành trình hàng chục năm với bao tình tiết ly kỳ.

Tọa đàm do NXB Hội Nhà văn, Viện Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc và CLB “Trái tim người lính” phối hợp vừa tổ chức tại Hà Nội. Những câu chuyện cảm động, thấm đầy nước mắt, nhớ nhung... được thể hiện trong từng trang viết và tại đây tiếp tục được các tác giả, thân nhân và nhân chứng lịch sử kể lại. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều khẳng định: “Bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam mang một giá trị lớn lao mà ngay lúc này chúng ta cũng chưa thể nhận ra hết giá trị của những trang nhật ký ấy. Nhiều năm sau chiến tranh Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu chiến tranh của Mỹ đã khẳng định: Phát hiện lớn nhất của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là phát hiện ra nền văn hóa Việt Nam. Bởi thế mà những trang nhật ký của những người lính giải phóng Việt Nam đã trở thành một giá trị vô cùng to lớn làm nên bộ hồ sơ đặc biệt về văn hóa Việt Nam chứ không chỉ là một loại hồ sơ đặc biệt về cuộc chiến tranh giải phóng đất nước...”.

Công chúng không xa lạ với thể loại nhật ký chiến tranh. Sau hai tập nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi Nhật ký Đặng Thùy Trâm, nhận thấy vẫn còn hàng vạn tác phẩm khác vẫn chìm khuất ở đâu đó với bao điều muốn kể lại, nhà văn Đặng Vương Hưng và các đồng nghiệp đã cất công sưu tầm. Gặp gỡ hàng ngàn người, thực hiện hàng ngàn cuộc phỏng vấn, trò chuyện trong quá trình sưu tầm, biên soạn và thực hiện bộ sách, nhà văn, CCB Đặng Vương Hưng chia sẻ, có quá nhiều cảm xúc ẩn chứa sau những trang viết nhòe mờ dấu ấn thời gian. Với bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam, độc giả được biết thêm những tác phẩm ấn tượng như Gửi lại mai sau của Nguyễn Hải Trường, Nhật ký vượt Trường Sơn của Phạm Quang Nghị, Những ngày trong vòng vây của Trần Mai Hạnh, Nhật ký chiến trường của Dương Thị Xuân Quý, Bê trọc của Phạm Việt Long, Nhật ký đi B của Triệu Bôn, Trở về trong giấc mơ của Trần Minh Tiến hoặc Tài hoa ra trận của chàng họa sĩ Hoàng Thượng Lân, Trời xanh không biên giới của Đặng Sỹ Ngọc, Bão lửa cầu vồng của Nguyễn Văn Thân…

“Điều đặc biệt là hơn một nửa tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Nhiều người đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương và vì di chứng chiến tranh nên đã mất sau khi trở về. Ngoài sổ tay nhật ký (bản chính hoặc bản sao) mà thân nhân của các anh, chị đã tin tưởng, trân trọng chuyển cho chúng tôi, còn có cả những di ảnh, di bút của người đã khuất. Đó là những di vật thiêng liêng của nhiều gia đình...”, nhà văn Đặng Vương Hưng xúc động. Phải mất thời gian 16 năm (2004 - 2020), ông và các cộng sự mới hoàn thành công trình tâm huyết này. Ngoài những trang viết phơi phới lạc quan chiến thắng, đây đó trong những trang viết ta còn bắt gặp cả những “Nỗi buồn chiến tranh”, những trang viết thấm đẫm nước mắt. Ta biết được đã có lúc người lính phân vân, thậm chí hoang mang, vì bản năng sống, vì anh có thể đón nhận những điều phũ phàng nhất do chiến tranh mang lại. Thậm chí, đã có phút giây anh nghĩ tới cái chết. Nhưng đó là những tình cảm rất thật của con người.

Nếu đọc Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong, nhật ký Những ngày trong vòng vây của Trần Mai Hạnh, Nhật ký chiến trường của Dương Thị Xuân Quý, Nhật ký Bê trọc của Phạm Việt Long, Nhật ký đi B của Triệu Bôn..., chúng ta sẽ thấy các tác giả đều là những phóng viên chiến trường, nhật ký đều được viết trong nửa cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 tại chiến trường miền Nam. Nhưng mỗi người một góc nhìn, bổ sung cho nhau, phản ánh sự thật ác liệt đến trần trụi. “Những trang viết đầy máu lửa ấy, bao năm rồi vẫn như nóng hổi hơi thở chiến trường, bởi sự sống và cái chết là ranh giới quá mỏng manh, mà nhiều trong số các anh chị đã không thể trở về...”, nhà văn Đặng Vương Hưng viết.

Viết về tình yêu trong chiến tranh

CCB Trương Công Đạo, Giám đốc Quỹ Mãi mãi Tuổi 20 bộc bạch, mặc dù để xuất bản bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” là một sự kỳ công không gì có thể đong đếm, nhưng so với tầm vóc vĩ đại của cuộc chiến, thế hệ hôm nay vẫn mong muốn tiếp tục nối dài những câu chuyện về một thời hoa lửa hào hùng đó. Hầu hết những người có nhật ký trong bộ sách này là những văn nghệ sĩ, trí thức, chiến sĩ QĐND, CAND trực tiếp sống và chiến đấu thời kháng chiến chống Mỹ và một phần của chiến tranh bảo vệ biên giới. Theo nhà văn Đặng Vương Hưng, hi vọng ở những tập sau của bộ sách còn có cả nhật ký của những người thuộc “phía bên kia” chiến tuyến, để góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh.

Giữa thời đại 4.0, những trang nhật ký viết tay lại càng có giá trị hơn. Giữa sự im lặng của những con chữ và từ những trang giấy mỏng manh đã cũ kỹ và ố vàng vì thời gian, người đọc sẽ nhận ra khí phách Việt Nam trong quá khứ hào hùng và cả trách nhiệm với những người đã hi sinh, cống hiến và thời đại chúng ta đang sống. Tại buổi tọa đàm, nhằm tiếp tục thực hiện bộ sách “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam”, phát hiện những câu chuyện hay, những mối tình đẹp, lãng mạn và cảm động, CLB Trái tim người lính - Một diễn đàn của các cựu chiến binh trên mạng xã hội Facebook và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam công bố Cuộc vận động sưu tầm kỷ vật, thư và nhật ký, được viết trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và biển đảo của Tổ quốc. Cuộc thi viết và kể chuyện “Tình yêu trong chiến tranh” cũng đã được phát động.

Các kỷ vật, thư, nhật ký, hình ảnh… sưu tầm, hiến tặng phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; sẽ được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận, lưu giữ, bảo quản lâu dài, khai thác phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày, tuyên truyền, phát huy giá trị. Thể loại tác phẩm cuộc thi viết và kể chuyện “Tình yêu trong chiến tranh” gồm: Bút ký, ký sự; ghi chép; kỉ niệm sâu sắc, là người thật, việc thật. Dung lượng mỗi bài viết không quá 3.000 chữ, kèm ảnh nhân vật, sự kiện hoặc clip kể chuyện (dài không quá 30 phút). Thời gian nhận và đăng bài từ nay cho đến hết ngày 30.3.2021. Địa chỉ nhận và đăng tải bài, clip: Nhóm facebook “Trái tim người lính” và ghi rõ tác phẩm dự thi “Tình yêu trong chiến tranh” dướt tít bài. Lễ tổng kết Cuộc thi vào cuối quý 1.2022. Những bài viết hay nhất về “Tình yêu trong chiến tranh” sẽ được biên soạn vào cuốn sách nhiều tác giả mang tên “Trái tim người lính” nhiều tập, dự kiến tập 1 sẽ được xuất bản đầu năm 2021.

Những lá thư và nhật ký được viết trong thời gian chiến tranh bảo vệ biên giới và biển đảo của Tổ quốc, sẽ được tuyển chọn, bổ sung vào những tập tiếp theo của bộ sách “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam” do nhà văn Đặng Vương Hưng chủ biên.

 THU TRANG

Ý kiến bạn đọc