Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Những người “bám trụ” Hồ Gươm mùa dịch Covid 19

Thứ Hai 31/08/2020 | 10:04 GMT+7

VHO-Hồ Gươm, nơi mà những ai đến Hà Nội phải đặt chân một lần cho biết, ở đó, cùng với Tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn còn có những con người gắn bó với một cái nghề đã có một thời vàng son: thợ ảnh bờ hồ. Trải qua bao thăng trầm, vẫn còn một số người tiếp tục gắn bó với nghề. Từ đầu năm đến nay, dịch Covid 19 cùng với giãn cách xã hội khiến công việc mưu sinh của họ ngày càng khó khăn hơn.

Nhắc đến một thời vàng son của những năm cuối thế kỷ trước, nhiều người không khỏi ngậm ngùi khi nghề chụp ảnh dạo đã từng giúp không ít người phát tài. Khi đó, máy ảnh khá hiếm, điện thoại cũng chưa có chức năng chụp ảnh, những thợ chụp ảnh nơi đây kiếm sống khá tốt. Những dịp cuối tuần, nghỉ lễ, những người thợ chụp ảnh làm việc từ sáng sớm đến tối mịt. Bác Duy Dũng, một thợ chụp ảnh có thâm niên hơn 30 năm tại Hồ Gươm cho biết, khi chưa có máy ảnh kỹ thuật số, thợ ảnh ở Hồ Gươm đều sử dụng máy cơ, sử dụng phim để chụp cho khách. Tất cả ảnh là chụp “mù”, tráng rửa ảnh ra mới biết ảnh như thế nào. Chụp xong, phải ít nhất vài tiếng sau mới có ảnh. Khách cầm giấy hẹn, đi chơi Hà Nội rồi mới quay lại lấy ảnh. Nhưng lúc đó, khách đông, chủ yếu là khách nơi xa đến, họ háo hức chờ đợi những tấm hình lưu lại kỷ niệm khi đến Thủ đô.

Còn vây giờ, máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại có chức năng chụp hình hầu như nhà nào, người nào cũng có. Họ thích được tự do chụp ảnh theo sở thích cá nhân chứ không còn thích chụp ảnh theo kiểu lưu niệm như ngày trước. Chính vì thế, nghề chụp ảnh dạo ở Hồ Gươm dần mai một. Xã hội càng phát triển, cơ hội kiếm tiền của nghề chụp ảnh thuê càng bị thu nhỏ lại. Tuy nhiên, với một số thợ chụp ảnh ở Hồ Gươm không chỉ đơn thuần là mưu sinh, mà còn là nơi họ đã gắn bó như máu thịt. Họ như những chứng nhân sống cho sự phát triển của Hà Nội, với những đổi thay của thời cuộc. Những người vẫn trụ lại với nghề, bởi họ đã gắn bó quá lâu với nghề, giờ có đổi nghề thì cũng khó thích nghi với tốc độ phát triển quá nhanh của xã hội. Nhưng cũng có một phần mà nhiều người cho rằng đó chính là niềm đam mê, là sở thích. Chính vì thế, những người làm nghề chụp ảnh dạo đó đã góp phần giữ lại một nét riêng cho Hồ Gươm, vẫn còn trong ký ức của nhiều người mỗi lần nhắc về Hà Nội.

Nhắc về nghề, bác Duy Dũng, 64 tuổi, có thâm niên hơn 30 năm chụp ảnh tại Hồ Gươm  nhìn về xa xăm và nhớ về một thời chưa xa nhưng rất đáng tự hào. Bởi trong gia đình của không ít người từ Bắc chí Nam đều có những tấm ảnh do chính những người như bác đã chụp.  Từng làm ở một cơ quan nhà nước, những năm 80 của thế kỷ trước, bác sang Tiệp Khắc lao động hợp tác. Khi trở về Việt Nam, “về một cục” theo chính sách 176, bác học nghề ảnh rồi ra Hồ Gươm hành nghề. Bác Dũng cho biết, năm 2001, Nghiệp đoàn nhiếp ảnh Hoàn Kiếm được thành lập và bác là Phó chủ tịch của Nghiệp đoàn. “Những năm đó, cuộc sống của những người như chúng tôi cũng dễ thở. Người làm nghề cũng đông. Hồi đó, hội viên của Nghiệp đoàn khá đông, có thời điểm lên đến gần trăm người. Đến giờ, nghiệp đoàn này vẫn còn tồn tại, nhưng những người trẻ thì đã chuyển đổi nghề nghiệp, còn khoảng hơn 20 người, chủ yếu có độ tuổi 40 trở lên thì vẫn còn bám trụ với nghề”, bác Duy Dũng tâm sự.

Bác Duy Dũng trầm ngâm nhớ về thời hoàng kim của nghề

Từ đầu năm đến nay, do dịch Covid 19, giãn cách xã hội, cuộc sống của những thợ chụp ảnh nơi đây gặp muôn vàn khó khăn. Không có tiền, không  được ra đường, họ tằn tiện cuộc sống, gắng gượng qua ngày. Đầu tháng 5, khi hết giãn cách xã hội, cuộc sống trở lại bình thường, những thợ chụp ảnh Bờ hồ lại tiếp tục ra đường mưu sinh.  Bác Duy Dũng cho biết, nghề chụp ảnh dạo giống như “đi câu”, ngày được năm bảy kiểu, ngày thì ngồi không. Những năm trước, người chăm chỉ, cần mẫn và may mắn thì tháng kiếm được 4-5 triệu đồng. Sau khi hết giãn cách xã hội đầu tháng 5, thợ chụp ảnh may mắn thì cũng chỉ kiếm được vài ba triệu một tháng. Mấy ngày trước, TP. Hà Nội lại ra thông báo tiếp tục dừng hoạt động của phố đi bộ Hồ Gươm, những thợ chụp ảnh như bác Dũng lại lâm vào cảnh ngồi ngóng khách. Cũng như thói quen hơn 30 năm về trước, sáng nào bác Dũng cũng vẫn đi từ chợ Mơ lên đây hành nghề. “Biết là vắng khách, nhưng ở nhà thì còn ốm thêm. Lên đây không khí trong lành, đi bộ một vài vòng quanh hồ cũng thấy khỏe ra. Có khách thì có thêm tí tiền, không có khách thì có sức khỏe. Kể cả khoảng chục ngày trước chưa dừng hoạt động của phố đi bộ, khu vực này cũng không có khách bởi xung quanh Hồ Gươm đang lát lại vỉa hè. Không có khách nhưng nơi đây dường như là máu, là thịt của tôi. Một ngày không được nhìn Hồ Gươm là trong người thấy khó ở.”, bác Dũng chia sẻ.

Ở khu vực cổng đền Ngọc Sơn, nơi bác Dũng hành nghề, cũng có khá đông thợ chụp ảnh là nữ. Tuy nhiên, khi được hỏi, những người này đều tránh né trả lời. Đa số họ đều từ 40 tuổi trở lên, bám vỉa hè, bám Hồ Gươm ít nhất vài chục năm, tuổi thanh xuân của họ cũng gắn với nghề, với cái hồ này. “Chị em làm nghề có lợi thế hơn cánh nam giới. Bởi khách chụp ảnh ở đây chủ yếu là phụ nữ, nhất là phụ nữ ở các tỉnh xa, chứ đàn ông mấy ai thích đứng làm dáng để chụp ảnh đâu. Mỗi người một duyên với khách nên mọi người làm nghề nơi đây cũng rất đoàn kết, bảo ban nhau trong cuộc sống.”, bác Dũng nói. Khi được hỏi, các chị ở đây đều e ngại khi nói về nghề. Đơn giản với các chị chỉ là cuộc sống mưu sinh. Họ cần mẫn nắng gió nơi này chỉ để kiếm thêm thu nhập vun vén cho gia đình nhỏ của mình.

Trong khi đó, cũng như bác Duy Dũng, với bác Minh Hiếu, nghề chụp ảnh ở Hồ Gươm đã ngấm sâu vào máu từ thời trai trẻ đến giờ. Làm đủ thứ nghề, đến năm 1981, bác Hiếu chính thức cầm máy ảnh ra hành nghề ở đây. Hơn 40 năm cầm máy, chụp cho không biết bao nhiêu người, những biến đổi của Hồ Gươm vẫn in sâu trong tâm trí bác. 77 tuổi, 4 con, 7 cháu, 3 chắt, cuộc sống không giàu sang nhưng cũng không quá vất vả bởi vợ chồng bác vẫn có lương hưu. Tuy nhiên, ngày ngày bác vẫn đi xe đạp khoảng 1km từ nhà ra phía đối diện vườn hoa Lý Thái Tổ. Tiền kiếm được hay không không quan trọng. Điều cốt yếu với bác Hiếu là được mỗi ngày ra chỗ quen thuộc, được gặp nhiều người. Kiếm được tiền thì tốt, không có cũng vẫn vui. “Cái nghề, cũng là cái nghiệp. Nó vận vào mình. Khi có việc gì không ra được chỗ này, thấy bồn chồn bứt rứt. Người đang mệt mỏi, được ra hồ là thấy thơi thới ngay. Thế mới lạ.”, bác Hiếu nói. Chính vì thế, hai bác cho biết nhiều người dù  không còn làm nghề nữa, nhưng thỉnh thoảng vẫn ra hồ. Một là để gặp lại những đồng nghiệp, và điều quan trọng là để được nhìn thấy Hồ Gươm.

Bác Minh Hiếu, dù tuổi cao nhưng ngày nào cũng ra Hồ Gươm bởi niềm đam mê với nghề và tinh yêu vô bờ bến với Hà Nội

Ngồi ở ghế đá trước cổng đền Ngọc Sơn, bác Dũng cũng như nhiều thợ chụp ảnh Bờ hồ mong rằng dịch bệnh sớm qua, cuộc sống trở lại bình thường, họ lại được chụp ảnh cho khách. Những ngày này, khu vực phố đi bộ Hồ Gươm dừng hoạt động, cho dù không có vị khách nào hỏi đến, cho dù phải lang thang, vạ vật cả ngày, họ vẫn ra Hồ Gươm. Dẫu biết rằng nghề chụp ảnh dạo đã mai một, lượng khách ngày càng thưa vắng dần, nhưng với họ, những người không theo kịp sự đổi thay của thời cuộc, đã dành nhiều chục năm trời, kể cả tuổi thanh xuân để bám nghề bởi họ vẫn còn trĩu nặng sự đam mê với cái nghề đặc biệt này.

HOÀNG ANH

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top