Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Tiếp bài "Những “siêu phẩm” về ruộng bậc thang trên đá”: Bản thông điệp thiết kế ruộng của người xưa?

Thứ Tư 02/09/2020 | 09:49 GMT+7

VHO- Sau khi Văn Hoá (số 3456, ra ngày 31.8) có bài “Phát hiện mới về khảo cổ học ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải-Yên Bái: Những “siêu phẩm” về ruộng bậc thang trên đá”, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi trong đó cũng đặt ra câu hỏi: Vậy việc phát hiện bãi đá có hình khắc cổ này có gì khác lạ so với những bãi đá ở Lào Cai, Hà Giang, Sơn La...?

 Phóng viên Văn Hoá đã có cuộc trao đổi với ông Lý Văn Khoa, Phó giám đốc Bảo tàng Yên Bái, trưởng nhóm khảo sát, thám sát khảo cổ tại xã Lao Chải. Ông cho biết:

- Gọi là bãi đá khắc cổ nhưng thực chất là các khối phiến đá sa thạch khắc cổ nằm rải rác cách nhau từ 20m đến 5km, có khối đá chìm, có khối đá nổi trên triền sườn dốc cách các khe suối nhỏ khoảng 30 - 100m. Phần nhiều các khối đá có hình khắc lạ được bà con người H’Mông phát hiện từ khi khai hoang, làm ruộng bậc thang, làm nương rẫy. Có một số khối đá cũng có vết khắc nhưng khi làm nương, đào ruộng bị vướng, bà con đã chất củi đốt các khối đá cho nóng lên ở nhiệt độ cao sau đó dùng nước lạnh đổ vào thì vỡ làm nhiều mảnh cho tiện di chuyển lấy chỗ sản xuất, hay làm nhà. Theo lời những người cư trú ở đây lâu năm, trên các triền núi cao trong rừng thông vẫn còn những khối đá rất lớn cũng có vết khắc cổ tương tự.

Trong đợt điều tra mở rộng này, chúng tôi đã chọn một trục ngang 3km chiều Bắc-Nam có độ dốc thoai thoải. Theo dòng suối nhỏ Mí Háng và Háng Gàng (hai con suối này đều chảy từ Đông sang Tây song song cách nhau khoảng 3km), đãthống kê được 17 khối đá tảng, đá phiến và chọn 6 khối đá có hình khắc tiêu biểu còn nguyên vẹn để nghiên cứu, có thể tích từ 4m3 đến 70m3 đá liền khối (sa thạch).

Những vết khắc trên bề mặt các khối đá đó có điều gì đặc biệt, lần đầu phát hiện, mở ra nhiều khả năng nghiên cứu về phong tục, tập quán của cư dân nơi đây?

- Những khối đá được chọn khắc lên bề mặt thường là những khối đá có mặt phẳng nghiêng, khối có mặt phẳng ngang, khối thì như mai rùa nhưng đều nằm ở vị trí thoáng, có tầm nhìn bao quát xa, rộng. Khối đá có dạng hình tháp, hình trái núi, hình con rùa, hình mặt phẳng nghiêng tất cả đều khắc hình trên các mặt dễ nhìn và dễ quan sát nhất. Đề tài hình khắc khá kỳ công, uốn lượn mềm mại ngang theo mặt lồi, lõm, theo mảng ở mặt phẳng của mặt đá có dạng hình ruộng bậc thang là thể loại đề tài chính trên các khối đá ở nơi đây. Trong đó rất đáng chú ý là có 1 khối đá có hình vẽ minh họa hình bộ phận sinh dục phụ nữ, và phác họa lưỡi rìu, lưỡi thanh đao, lưỡi gươm, dao nhọn, mỏ chim... đường viền nét uốn lượn như thân rồng còn rất rõ nét.

Đơn cử như khối đá số 05 (có ký hiệu HTrL-MRTS -2020) có hình mai rùa, ở khu nương nhà ông Sú Chế Nhù (bản Hú Trù Lình) có chiều cao 1,80m, chiều dài: 2,70m và rộng 2,60m. Khối đá này toàn thân được khắc dày đặc phủ kín, lặp đi lặp lại đề tài hình “ruộng bậc thang” công phu nhất. Bản khắc trên khối đá này được chúng tôi nhận định là “siêu phẩm” ruộng bậc thang trên đá, chưa thấy xuất hiện ở đâu. Điều này cho thấy những chủ nhân của hình khắc này đã cố ý hoạ lại ruộng bậc thang để người đời sau nhận biết? Hiện nay khối đá được gia đình ông Nhù bảo vệ nguyên vẹn và nguyên trạng.

So với những bãi đá cổ ở Lào Cai, Hà Giang hay ở Sơn La thì các khối đá cổ ở đây có điều gì tạo nên sự khác biệt?

- Những người già ở đây nói rằng, từ khi sinh ra và lớn lên đã thấy và không biết những vết khắc đó đã có từ bao giờ. Qua khảo sát, thám sát cho thấy các hình chạm khắc ở đây nổi bật duy nhất là đề tài “hình ruộng bậc thang” và không hề giống với các điểm đã phát hiện ở Lào Cai, Sơn La, Hà Giang và Lai Châu. Tuy các vết họa khắc lặp đi lặp lại trên các khối đá lớn còn rất đơn giản, nhưng có thể thấy sự kỳ công về đường nét của đề tài được thể hiện rất rõ ràng. Tại đây chúng tôi cũng đã thám sát nghiên cứu, kiểm tra dọc ta luy của những con đường, sát triền núi để tìm vết tích ruộng bậc thang cổ, song đây là loại thổ nhưỡng ba zan xốp, đá hóa thổ, mưa xuống hay trượt nên rất khó nhận dạng dấu tích của các tầng đất đã từng sản xuất.

Theo chúng tôi đây không phải là ký hiệu cột mốc, và càng không phải là họa địa đồ cổ mà nhiều người từng phán đoán, mà chỉ có thể nhận định là “Bản thông điệp thiết kế ruộng bậc thang của người xưa hoặc họa lại ruộng bậc thang trên đá” của người bản địa, khi người bản địa ở đây cảm nhận được vẻ đẹp của ruộng bậc thang chính mình tạo nên mà họa lại. Từ thực tế so sánh các mối quan hệ giữa các bức họa khắc trên đá rất giống ruộng bậc thang hiện tại người H’Mông đang định cư canh tác và mở rộng tầng tầng lớp lớp các ruộng bậc thang, họa vào tự nhiên thành một danh thắng đẹp. Hiểu theo hướng nghiên cứu như vậy thì mới nhận thấy được những bản thông điệp kể trên và dĩ nhiên rất cần các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, giải mã làm rõ xác thực cả niên đại và lĩnh vực dân tộc học cho bãi đá khắc cổ ở nơi đây, cùng các ý nghĩa khác.

Cho đến thời điểm này chúng ta đã xác định được niên đại của những hình khắc vẽ trên các khối đá cổ ấy chưa, và chủ nhân của nó là ai?

- Đây là vấn đề chưa thể khẳng định được, tuy nhiên căn cứ vào những tài liệu nghiên cứu trước đó có thể tạm nhận định bước đầu: Cho đến nay vẫn chưa đủ tài liệu để nói rằng, trước đó đã có cư dân dân tộc H’Mông sinh sống ở trên vùng núi cao này. Nhưng có thể khẳng định, người H’Mông không phải là tộc người có truyền thống trồng lúa nước mà chỉ có truyền thống trồng lúa cạn (nương rẫy), và chính tộc người này đã phát minh ra nghề làm ruộng bậc thang để tồn tại định cư là có thật. Họ tự hào về nghề mới phát minh và đã họa vào đá để lưu lại cho đời sau chăng?

Tuy vậy, những hình khắc, chạm trên các khối đá này có lẽ chỉ có tuổi đời cách đây chỉ khoảng 300 đến 450 năm mà thôi. Điều này vẫn cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ trong thời gian tới.

LÂM SƠN (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top