Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Web drama: Khu vườn còn nhiều “cỏ dại”

Thứ Sáu 04/09/2020 | 16:37 GMT+7

VHO- Thị trường web drama thời gian gần đây đã trở thành mảnh đất vàng để các nghệ sĩ khai thác, sáng tạo và tiếp cận công chúng, bởi trong thời buổi dịch bệnh, nhiều người đã chọn màn hình nhỏ để làm phương tiện giải trí. Tuy nhiên, theo nhận định khách quan, trên mảnh đất ấy dường như cỏ dại vẫn nhiều hơn hoa thơm, để tìm kiếm được những bộ phim hay, ấn tượng vẫn thật sự khó khăn.

Web drama “Bố già” gây được sự chú ý của khán giả

 Không phủ nhận rằng việc các nghệ sĩ tận dụng triệt để web drama để tiếp cận công chúng trong bối cảnh hiện tại là cách làm phù hợp. Đặc biệt, thị trường web drama có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã góp phần làm nên sự “chuyển mình” cho loại hình giải trí này. Thời gian trước đây, không ít sản phẩm web drama bị khán giả nhận xét làm theo kiểu nghiệp dư, ít có sự đầu tư về nội dung mà chủ yếu “chọc cười” khán giả bằng những “miếng hài nhảm”. Trong đó, phần đông là nghệ sĩ trẻ chưa có tên tuổi tham gia làm web drama và đối tượng xem phần lớn cũng là khán giả nhỏ tuổi. Nhưng thời gian gần đây, nhiều tác phẩm có chất lượng liên tục ra mắt với sự đầu tư chỉn chu hơn, thì web drama đã thực sự tạo được hiệu ứng tốt, gây thiện cảm với khán giả. Đề tài của web drama không còn gói gọn trong những tình huống chọc cười nhạt nhẽo hay hầm hố theo kiểu “xã hội đen” mà được mở rộng hơn như khai thác về tình cảm gia đình, lối sống, ứng xử, văn hóa tâm linh, ẩm thực truyền thống, cổ trang hoặc đời sống tâm lý…

Tính đến nay, sau chưa đầy một năm, đã có hàng loạt web drama tạo được sự chú ý của khán giả, điển hình là Bố già của Trấn Thành; Đại kê chạy đi của NSND Hồng Vân; Nhà trọ có quá trời phòng phần 2 của Nam Thư; Thằng khờ 3 của Quách Ngọc Tuyên; Kẻ săn tin của Minh Hằng hay Yêu lại từ đầu của Việt Hương. Trước đó, nhiều sản phẩm web drama dài tập khác cũng làm “khuynh đảo” nền tảng này như Thập tam muội của Thu Trang; Vi Cá tiền truyện của Quách Ngọc Tuyên; Ai chết giơ tay của Huỳnh Lập; Hiếu bến tàu của Hồ Quang Hiếu; Về quê ăn tết của Việt Hương; Thầy giáo Nam của Lâm Chấn Khang hay Tay buôn, buông tay, Ghe bẹo ghẹo ai? của Võ Đăng Khoa…

 Minh Hằng trong “Kẻ săn tin”

Theo đánh giá của khán giả, trong các web drama nói trên, chỉ có vài phim như Bố già, Đặc vụ thời gian, Kẻ săn tin, Nhà trọ có quá trời phòng, Ai chết giơ tay, Thập tam muội là được sự đầu tư kỹ lưỡng về kịch bản, tình tiết và thiết kế sản xuất so với mặt bằng web drama nói chung, đồng thời quy tụ dàn diễn viên có tên tuổi, tuy nhiên cũng vẫn còn khá nhiều sạn, như: Bố già có nhiều tình tiết “hài nhây” hoặc còn sa đà vào việc mua nước mắt người xem; Đặc vụ thời gian khá dễ dãi trong nhiều tình huống; Thập tam muội mang màu sắc chợ búa, giang hồ; Nhà trọ có quá trời phòng quá nhiều cảnh quảng cáo; Kẻ săn tin được đầu tư lớn về kinh phí và các cảnh quay hoành tráng nhưng có phần cường điệu phi thực tế...

Do đặc thù chiếu mạng, web drama không nằm ngoài cuộc đua lượt “view” trên YouTube. Việc cần thu hút lượt xem dẫn đến một số gương mặt xuất hiện dày đặc như Lê Giang, Lê Dương Bảo Lâm, Duy Khánh, Huỳnh Lập, Quang Trung... Thế nhưng, do chạy show cùng lúc nhiều phim với cùng một lối diễn nên khán giả đã bắt đầu có sự nhàm chán đối với những diễn viên này. Bên cạnh đó, việc quảng cáo quá lộ liễu cũng khiến người xem cảm thấy khó chịu vì bị đứt quãng cảm xúc. Những tình huống hài trong nhiều phim bị làm lố hoặc kém duyên dẫn đến bộ phim vừa nhạt vừa cũ…

Có thể nói, web drama đang hứa hẹn một thị trường đầy tiềm năng dành cho nghệ sĩ. Với nền tảng công nghệ mới này, việc nghệ sĩ đưa tác phẩm tiếp cận với khán giả dễ dàng hơn bao giờ hết bởi quá trình công chiếu trên nền tảng mạng khá dễ dàng, khâu kiểm duyệt không gắt gao. Thế nhưng, để trụ được và tạo sự chú ý (chưa bàn đến chất lượng nghệ thuật) thì nghệ sĩ cần có sự đầu tư nhất định về cả công sức và tiền bạc. Cần xác định đối tượng khán giả mà tác phẩm hướng đến để chọn những đề tài phù hợp với nhu cầu thưởng thức, trong đó tập trung khai thác những đề tài gần gũi, chân thật, tránh hài lố và chọc cười nhảm nhí, bởi người nghệ sĩ ngoài làm thỏa mãn nhu cầu giải trí của khán giả thì còn có nhiệm vụ định hướng thị hiếu cho công chúng. 

 TÙNG THƯ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top