Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phục hồi, tôn tạo di tích Văn Miếu Vinh, gần 20 năm vẫn nằm trên giấy (Bài 2): Đâu là khúc mắc khiến dự án bị "treo"

Thứ Hai 07/09/2020 | 08:59 GMT+7

VHO- Từ những phế tích rất tiêu điều của Văn Miếu Vinh, chúng tôi tìm đến các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An để mong được giải đáp những khúc mắc, rằng vì sao dự án “Phục hồi, tôn tạo di tích Văn Miếu Vinh” từ năm 2004 đến nay vẫn bị “treo” trên giấy.

 Bản vẽ quy hoạch tổng thể Văn Miếu Vinh đã được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt trước năm 2015

Ngày 4.9, tại UBND TP Vinh, ông Nguyễn Hữu Trung, Trưởng phòng VHTT thành phố cung cấp cho chúng tôi một số văn bản của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo việc thực hiện dự án phục hồi, tôn tạo di tích Văn Miếu Vinh.

“Phải nắm lại, trình lại”

Ông Trung nói: “Nghệ An là đất học. Có thể xem Văn Miếu Vinh là một trong những cái nôi của đất học xứ Nghệ, là một điểm hội tụ và toả sáng có giá trị về tri thức nguồn cội, một thương hiệu của xứ Nghệ xưa và nay”.

Ông Trung cũng đề cập những hoạt động trong 20 năm thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hoá. Hoặc triển khai thực hiện Quyết định 827 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển TP Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hoá khu vực Bắc Trung Bộ đến năm 2003 theo tinh thần Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về Nghệ An… Ông Trung gợi mở ý nghĩa của những hoạt động này để bộc lộ một nuối tiếc, “giá như Văn Miếu Vinh đã được khôi phục sớm thì sẽ ghi dấu ấn rõ nét cho thành phố trong lĩnh vực văn hoá, xã hội”. Ông nói như một câu hỏi đầy trăn trở: “Vì sao lại để dự án phục hồi, tôn tạo di tich Văn Miếu Vinh im ắng như vậy? Phải kiên quyết chứ”.

Cũng theo ông Trung, chủ trương về việc phục hồi, tôn tạo di tích này có từ khá lâu rồi. Vì thế, tháng 1.2004, UBND tỉnh mới có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, tỷ lệ 1/500. Tháng 5.2004 UBND tỉnh có tiếp quyết định số 2056/QĐ-UBND cho phép thành lập dự án đầu tư xây dựng công trình. Tổng mức đầu tư là 196 tỉ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ hỗ trợ của Trung ương, nguồn vượt thu của ngân sách tỉnh, UBND TP Vinh và nguồn xã hội hoá được huy động hợp pháp. Chúng tôi hỏi, vậy dự án “mắc” ở đâu? Ông Trung nói như thốt lên: “Vì không có vốn. Vả lại việc giải phóng mặt bằng (GPMB) 14 hộ dân (chiếm 20% diện tích trong tổng số 6.700 m2 của dự án) bị ảnh hưởng bởi dự án cũng không dễ dàng gì”. Ông Trung khẳng định: “Tất nhiên còn một lí do quan trọng nữa là sự vào cuộc chưa quyết liệt”.

Ông Trung nêu một dẫn chứng: Năm 2015, Ban quản lý dự án Đầu tư & Xây dựng TP Vinh báo cáo UBND tỉnh bằng văn bản về “Tình hình thực hiện và đề xuất giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện dự án Phục hồi, tôn tạo di tích Văn Miếu Vinh”. Theo báo cáo này, tháng 1.2013, UBND tỉnh có quyết định thay đổi chủ đầu tư dự án từ Sở VHTTDL sang UBND TP Vinh. Nhưng do không được bố trí vốn nên phải dừng triển khai dự án. Riêng về mặt bằng để di dời 14 hộ dân thì UBND TP Vinh đã khảo sát, lập quy hoạch chi tiết xây dựng, tái định cư tại phường Quán Bàu, sẽ khởi công xây dựng trong quý I năm 2016 nhưng sau đó bị lỡ nhịp cho đến nay. Trong lúc đó, 80% diện tích đất dự án của Công ty CP In Nghệ An cũng đã được UBND TP Vinh công bố quy hoạch Văn phòng và giới thiệu sản phẩm của công ty trong khu đất của Nhà xuất bản Nghệ An, mặt đường Lê Hồng Phong thuộc phường Hưng Bình. Khu vực sản xuất in ấn bố trí tại Khu công nghiệp nhỏ Hưng Đông. Nhưng cho đến nay dự án đang bị “treo” nên chưa rõ định hướng sắp tới như thế nào. Trong danh mục đầu tư công giai đoạn 2016-2020 không có tên dự án này. Vì thế, phế tích Văn Miếu Vinh vẫn nằm trơ như một dấu hỏi trên vùng đất ồn ã tiếng máy in và khu nhà xưởng hết sức tạm bợ.

Chúng tôi mang những khúc mắc này đến ông Trần Ngọc Tú, Chủ tịch UBND TP Vinh. Ông Tú nói: “Có nhiều dự án tồn đọng 20 năm nhưng gần đây mới được giải quyết đấy. Riêng Văn Miếu Vinh, chúng tôi phải tập hợp toàn bộ hồ sơ để nghiên cứu lại. Xem trước đây họ đã làm đầy đủ chưa, đúng quy trình chưa. Xem có quyết định tạm dừng dự án không. Từ đó thành phố đề xuất lên tỉnh. Nghĩa là phải xem lại, trình lại cho chuẩn mực để có động lực mới, khởi động trở lại”. Ông Tú cẩn trọng nói tiếp: “UBND TP Vinh sẽ đề xuất với UBND tỉnh hướng xử lý như thế nào cho tốt nhất, nhanh nhất từ bố trí ngân sách đến GPMB và xây dựng cơ bản. Có thể phải làm theo lộ trình từng năm. Năm nào GPMB, di dời tái định cư. Năm nào xây dựng. Tất cả đều phải tuỳ thuộc vào nguồn vốn. Sở dĩ thành phố phải trình lại để tỉnh quan tâm đặc biệt trong kế hoạch dự trù ngân sách cho Văn Miếu Vinh”.

Chúng tôi nhắc tới “sự cố” vì sao quy hoạch tái định cư cho 14 hộ dân ở phường Quán Bàu đã được TP Vinh công bố nhưng sau đó bị loại bỏ. Ông Tú nói: “Phải nghiên cứu lại quy hoạch ở Quán Bàu”. Trò chuyện thêm về dự án này, ông Tú bộc bạch: “Tôi về đảm nhiệm chức vụ này cuối năm 2019 và nghe tâm tư, nguyện vọng của nhiều cán bộ lão thành mong muốn khôi phục lại Văn Miếu Vinh vì đây là một di tích rất có ý nghĩa sâu nặng tới phong trào hiếu học của người dân xứ Nghệ”.

 Mặt tiền Công ty CP In Nghệ An trên đất Văn Miếu Vinh, bên đường Trần Phú và đường Văn Thánh đang cho thuê

“Văn Miếu Vinh là vị trí ưu tiên số 1”

Giám đốc Sở VHTT Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh có những góc nhìn riêng về dự án đang bị “treo” này. Theo bà Hạnh, ngoài mốc năm 2004 UBND tỉnh quyết định phê duyệt quy hoạch dự án thì năm 2007 Sở tổ chức cuộc hội thảo về việc phục dựng Văn Miếu Vinh. Từ đó đến năm 2010, Sở tiến hành nhiều cuộc họp để bàn về việc phục dựng này. Khi đang là chủ đầu tư dự án (trước 2013), sau các cuộc bàn thảo kỹ lưỡng, Sở đã mời tư vấn vẽ thiết kế xong rồi. Nhưng khi đang cao trào thì phải dừng lại vì nguồn vốn cấp cho dự án bị “tắc”.

Bà Hạnh nói: “Tuy vậy, Sở VHTT vẫn nóng lòng theo dõi và tương tác kịp thời tất cả những vấn đề liên quan để dự án có thể được khởi động trở lại nhanh nhất. Mới đây, Sở KH&ĐT Nghệ An yêu cầu tổng hợp danh sách và xếp theo thứ tự ưu tiên các dự án liên quan đến văn hoá cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, chúng tôi ưu tiên đưa công trình Văn Miếu Vinh lên vị trí số 1”. Ngoài những việc làm này, Sở VHTT cũng đã có những trao đổi về ý nghĩa thiết thực việc phục dựng di tích văn hoá, lịch sử Văn Miếu Vinh tại các diễn đàn liên quan, đặc biệt với UBND TP Vinh là đơn vị chủ đầu tư. 

 

 Văn Miếu Vinh chưa được xếp hạng

Chúng tôi ngạc nhiên khi Giám đốc Sở VHTT Nghệ An cho biết “di tích lịch sử, văn hoá Văn Miếu Vinh đến nay vẫn chưa được xếp hạng”. Theo GĐ Sở VHTT Nghệ An, sở dĩ chưa được xếp hạng cho di tích này là do chưa có “phôi” (đất đai) rõ ràng cho di tích khi trong tổng số 6.700 m2 của Văn Miếu Vinh đang do Công ty CP In Nghệ An quản lý. Trong diện tích này có 20% diện tích 14 hộ dân đang cư trú, dự án chưa triển khai nên chưa giải phóng mặt bằng được.

 

VŨ TOÀN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top