Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Bảo tàng ảo:  Buộc phải chuyển mình trước công nghệ

Thứ Hai 07/09/2020 | 09:07 GMT+7

VHO- Chưa bao giờ hệ thống bảo tàng ở nước ta lại rơi vào tình cảnh yên ắng đến như vậy, khi liên tục có những đợt sóng dịch Covid-19 ập đến, bủa vây. Cũng trong bối cảnh đó, công chúng bước đầu nhìn thấy những “cựa quậy”, chuyển mình của số ít bảo tàng tìm mọi cách đưa tư liệu, hiện vật đến gần với người xem.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã ứng dụng công nghệ tương tác 3D để giới thiệu trưng bày chuyên đề Di sản văn hoá Phật giáo Việt Nam

Bảo tàng tương tác ảo đã không còn là hình dung xa vời nữa. Thế nhưng, để thực sự là một hình thái phổ biến, dần tạo thói quen tìm đến các bảo tàng bằng con đường “ảo”, dường như vẫn là bài toán khó.

“Ảo hóa” các trưng bày

Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiên phong triển khai hoạt động bảo tàng ảo từ nhiều năm nay. Không phải đến khi có dịch Covid-19, bảo tàng này mới nghĩ đến hình thức giới thiệu trưng bày ảo. TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng chia sẻ, trên cơ sở xác định hiện đại hóa thông qua ứng dụng công nghệ trong trưng bày, giới thiệu là một xu hướng tất yếu của các bảo tàng hiện đại, nhiều triển lãm, bộ sưu tập đã được bảo tàng đưa đến với công chúng dưới hình thức ảo. Hiện đại hóa trưng bày hay giới thiệu trưng bày không chỉ là phương thức online mà còn là các phương thức số hóa, điện tử hóa các hoạt động.

Những tác động tiêu cực từ đại dịch đối với hoạt động truyền thống tại các bảo tàng đã thấy rõ. Ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, sau một thời gian giãn cách xã hội, bảo tàng mở cửa trở lại nhưng lượng khách cũng rất đìu hiu, vắng vẻ. Thực trạng này còn khiến các hoạt động dịch vụ phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng cũng… đóng cửa.

Nhưng ở chiều ngược lại, số ít bảo tàng thấy một bộ phận công chúng bắt đầu quen với thao tác sử dụng công nghệ, điện thoại, máy tính để truy cập và thưởng lãm những cuộc trưng bày online, tương tác ảo. Nhiều cuộc triển lãm không cần phải đi đến tận nơi, chỉ ngồi một chỗ vẫn có thể nhìn ngắm, nghiên cứu về các hiện vật trưng bày trong bảo tàng. Rõ ràng, giữa những guồng quay tất bật, thời đại 4.0 mở ra một cánh cửa mới, thu hẹp khoảng cách giữa các hiện vật trong bảo tàng với người dân. Nắng mưa hay giông bão, chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể hiện lên trước mắt những kho báu di sản, những cuộc triển lãm chuyên đề, có thuyết minh, âm thanh phụ trợ khiến chuyến tham quan trở nên vô cùng sống động. Nắm bắt lợi thế này, cách nay hơn năm năm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã ứng dụng công nghệ tương tác 3D để giới thiệu 2 trưng bày chuyên đề: Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam và Đèn cổ Việt Nam.

“Bảo tàng nhận được những phản hồi tích cực về sự phù hợp với xu hướng phát triển của bảo tàng hiện đại. Đặc biệt là phần tương tác, tìm hiểu giá trị những hiện vật tiêu biểu mà thông thường khi tham quan trưng bày bảo tàng, khách tham quan sẽ bị hạn chế trong việc quan sát kỹ các chi tiết hoa văn, hoặc nội dung giới thiệu sâu, phong phú về hiện vật…”, TS Nguyễn Văn Đoàn nói. Trên thực tế, nhiều du khách thấy rằng xem trưng bày ảo dễ hiểu, chi tiết và đầy đủ thông tin hơn tham quan trưng bày thật. Như khi quan sát trống đồng Ngọc Lũ trong tủ kính tại trưng bày thực của Bảo tàng, khách không thể cảm thụ được hết những giá trị của bảo vật quốc gia này, nhưng khi tham quan trên trưng bày tương tác ảo 3D, du khách lại có thể quan sát được các chi tiết hoa văn trang trí, các thông tin chi tiết về hiện vật và tự tương tác các nội dung tham quan mong muốn.

Nằm trong xu hướng này, nhiều địa chỉ thời gian qua đã ra mắt công chúng những cuộc triển lãm nhiều sức hút trên mạng như Trung tâm Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long ra mắt người xem triển lãm trực tuyến ảo 360 độ “Di tích cách mạng nhà và hầm D67”; chùm tác phẩm nghệ thuật tạo hình đặc sắc về đề tài kháng chiến chống Mỹ được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu trực tuyến trên website; các triển lãm 3D của Bảo tàng Hồ Chí Minh hay triển lãm trực tuyến “Thống nhất non sông” sử dụng công nghệ tham quan ảo do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức…

 Trưng bày ảo của Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Bảo tàng không thể… đứng im

Ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, ngoài một số triển lãm 3D được bảo tàng thực hiện trong thời gian gần đây thì hệ thống các trưng bày phục vụ khách tham quan vẫn chủ yếu theo phương thức truyền thống. Bối cảnh dịch Covid-19 khiến lượng du khách thưa vắng, hoạt động của bảo tàng gặp nhiều khó khăn. Lãnh đạo Bộ VHTTDL tại buổi làm việc mới đây cũng đã lưu ý Bảo tàng nên tập trung nghiên cứu, xây dựng đề án số hóa hoạt động bảo tàng, bao gồm các trưng bày hướng đến công chúng.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia sau phản hồi tích cực của công chúng đã tiếp tục lập kế hoạch và xây dựng nội dung giới thiệu hệ thống trưng bày thường trực. Khi truy cập vào website của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, khách tham quan sẽ thấy hiện lên nội dung “Tham quan 3D”. Tại đây, bảo tàng đã xây dựng bốn nội dung tham quan trực tuyến là Việt Nam thời tiền sử, Văn hóa Đông Sơn, Triều Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần và Óc Eo - Phù Nam. Tuy nhiên, theo TS Đoàn, trong số khoảng hơn 9 triệu lượt truy cập trang website/năm (năm 2019) của bảo tàng thì đến nay, bảo tàng cũng chưa có công cụ để đánh giá lượt truy cập cũng như đánh giá mức độ khai thác của công chúng đối với Bảo tàng ảo 3D này. Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng nhận định, nói như vậy không có nghĩa Bảo tàng tương tác ảo 3D có thể thay thế được bảo tàng thực. Bởi trên thực tế, được trực quan ngắm nhìn hiện vật gốc sẽ mang lại tình cảm, cảm xúc lịch sử thật sự. “Đó cũng chính là sự hấp dẫn và lý do mà các bảo tàng tiếp tục được ra đời, phát triển và không ngừng thu hút công chúng. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ sẽ góp phần quan trọng tăng cường phát huy giá trị trưng bày, hiện vật rộng rãi, nhanh và hiệu quả hơn…”, ông Đoàn khẳng định.

Trên thực tế, các đơn vị bắt tay vào thực hiện xây dựng bảo tàng “ảo” tại Việt Nam rất ít ỏi. Trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão, khá khó hiểu khi đa số bảo tàng trong nước vẫn duy trì hình thức trưng bày thực tế như nhiều thập kỷ đã qua. Đơn cử, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho đến nay vẫn chưa áp dụng công nghệ trên website của bảo tàng để giúp du khách tham quan các hoạt động và hiện vật từ xa. Được biết, xu hướng thực hiện bảo tàng “ảo” 3D đã được đơn vị nắm bắt và xây dựng dự án. Tuy nhiên, đại diện Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ sự thận trọng và muốn đánh giá hiệu quả thực sự của mô hình bảo tàng “ảo” dựa trên nền tảng phát triển của công nghệ. Từ đó sẽ đề xuất các hướng khai thác cho phù hợp với thực tế hoạt động.

Đối chiếu như thế để thấy rằng bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay đang đặt ra yêu cầu các Bảo tàng không thể tiếp tục đứng im. Khó khăn về kinh phí, con người… cũng sẽ có thể vượt qua, nếu như ở những thiết chế văn hóa đặc thù này đều có sự thay đổi tư duy, nắm bắt thực tế để quyết tâm vặn mình, chuyển động. 

 

 Bảo tàng nhận được những phản hồi tích cực về sự phù hợp với xu hướng phát triển của bảo tàng hiện đại. Đặc biệt là phần tương tác, tìm hiểu giá trị những hiện vật tiêu biểu mà thông thường khi tham quan trưng bày bảo tàng, khách tham quan sẽ bị hạn chế trong việc quan sát kỹ các chi tiết hoa văn, hoặc nội dung giới thiệu sâu, phong phú về hiện vật…

(TS NGUYỄN VĂN ĐOÀN, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia

 

PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top