Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phát huy giá trị những phế tích biệt thự do Pháp xây dựng tại núi Ba Vì: “Đầu tư thái quá cũng không đúng, để yên cũng không được”

Thứ Sáu 11/09/2020 | 11:35 GMT+7

VHO- Buổi tọa đàm “Phát huy giá trị phế tích Pháp tại núi Ba Vì” vừa được Hội Kiến trúc sư Việt Nam (KTS) chủ trì tổ chức thu hút hơn 150 chuyên gia đầu ngành về kiến trúc, di sản, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử... để cùng bàn thảo về những giải pháp xung quanh câu chuyện ứng xử với những công trình phế tích đang bị “ngủ quên” tại núi Ba Vì (Hà Nội).

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu tham gia buổi tọa đàm

 Một lần nữa, bài toán giữa bảo tồn và phát triển lại được đặt ra, và nói như KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam: “Đầu tư thái quá cũng không đúng, để yên cũng không được. Tìm ra phương án và đường đi là nhiệm vụ hôm nay của chúng ta”.

Tìm lại “Cuộc sống Suối Hoa”

Lần đầu tiên, buổi tọa đàm công bố những di sản tư liệu về một thị trấn sầm uất, một khu nghỉ dưỡng mà người Pháp đã kỳ công xây dựng trên núi Ba Vì, tại những độ cao 400m, 600m, 1.000m, từ nguồn lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. Những tài liệu này cho thấy nơi đây không chỉ mang trong mình những giá trị tài nguyên rừng sẵn có, vị trí địa lý và điều kiện khí hậu thuận lợi, thảm thực vật đa dạng và phong phú mà còn chứa đựng cả một đời sống văn hóa, lịch sử, giá trị tâm linh cách đây gần 100 năm. Sự tồn tại của thị trấn đó được minh chứng bởi cả trăm nền phế tích vẫn còn nguyên lớp tường đổ nát, rêu phong hoang phế, nằm rải rác giữa núi Ba Vì.

KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam khẳng định, Vườn quốc gia Ba Vì là một tài nguyên quý hiếm, mang trong mình nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, nhất là sự tồn tại của khoảng 200 phế tích của một khu đô thị và nghỉ dưỡng đã được hình thành trên 80 năm. Các công trình văn hóa, tâm linh như Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh vua, Tháp Báo Thiên, Đền Thượng trên đỉnh núi Tản Viên cùng với các địa danh Ao Vua, Khoang Xanh, K9, Suối Tiên ở chân núi làm cho toàn bộ khu vực này trở thành khu du lịch đa dạng, hấp dẫn.

Mang lại câu chuyện về hành trình tìm lại ký ức “Cuộc sống Suối Hoa” trên độ cao cote 1.000 của núi Ba Vì của họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ, con trai cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc kể rằng ông Ngọc đã mua đất, xây nhà và đưa gia đình sinh sống trên núi cao Ba Vì từ năm 1944 đến 1948. Dịch giả Trịnh Lữ nhớ lại: “Mới đầu là một nhà lá chừng 50 mét vuông nền để ở tạm. Sau là nhà xây 200 mét vuông nền, bằng cả bê tông, gạch, đá, mái lớp ván gỗ thông phủ nhựa đường. Năm 1944, thời cuộc không yên, việc xây nhà trên núi cao khó khăn về mọi mặt; phải là người rất quyết tâm và yêu Ba Vì lắm mới có thể vượt qua những khó khăn ấy. Với chúng tôi, ký ức về cuộc sống trên Nhà Ba Vì là những câu chuyện bất tận...”

 Trưng bày nhiều hồ sơ bản vẽ quy hoạch kiến trúc do người Pháp xây dựng tại núi Ba Vì

 “Đánh thức” giấc ngủ dài của hàng trăm phế tích

Thời gian qua, Văn Hóa đã đăng tải loạt bài: “Chuyện kỳ thú trên núi Ba Vì”. Nhà báo Chu Thu Hằng, Tổng Biên tập Báo Văn Hóa viết: Khi xây dựng quy hoạch khu nghỉ dưỡng trên núi Ba Vì, người Pháp tuân thủ nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường tự nhiên. Điều này được thể hiện trong nhiều văn bản liên quan đến quy hoạch và quá trình xây dựng khu nghỉ dưỡng tại núi Ba Vì gần 100 năm trước. Được đặt trong lòng thiên nhiên hoang sơ, những phế tích rêu phong đang bị thời gian phá hủy. Và những ý tưởng đánh thức phế tích đã được đặt ra.

Cũng theo nhà báo Chu Thu Hằng, những bước đi đầu tiên trong dự án bảo tồn và khai thác các phế tích cũ tại Ba Vì được giới khoa học nhìn nhận là đúng hướng. Đó là giữ lại được các dấu tích của dự án nguyên bản của người Pháp, đồng thời khai thác đúng với mục tiêu quy hoạch ban đầu của nó là phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng. Theo Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I Trần Thị Mai Hương, đến năm 1944, nhiều công trình đã được xây dựng ở đây, các hoạt động khai thác du lịch và nghỉ dưỡng đã hình thành. Tuy nhiên, nhiều công trình còn dang dở từ sau năm 1945. Sau nhiều năm, các công trình hầu như không còn hoặc chỉ còn lại dấu tích ở nơi đây. “Các dấu tích mà hiện nay đang được coi là phế tích trên đỉnh Ba Vì là một trong những di sản cần được trân trọng và phát huy giá trị cho các thế hệ, không thể để chúng mãi là các phế tích, không để Ba Vì bị bỏ quên”, bà Hương nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia đã đưa ra giải pháp đề xuất khai thác để làm sống dậy các nền phế tích kết hợp với thảm thực vật trong Vườn quốc gia Ba Vì nhằm phục vụ du lịch, giáo dục trực quan sinh động. GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam nhấn mạnh quan điểm bảo tồn trên cơ sở phát triển bền vững, mức độ can thiệp cẩn trọng để giữ gìn tài nguyên. Hội KTS cho rằng, cần phân khu chức năng và tạo sự liên kết tổng thể từ độ cao 400 mét đến trên 1000 mét. Việc xây dựng công trình mới bên cạnh những phế tích và cảnh quan được bảo tồn trên núi Ba Vì có thể áp dụng, bởi nơi đây còn nhiều khoảng trống có thể chuyển đổi chức năng một cách hợp lý.

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ quan điểm bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn: “Giải quyết câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển hay khai thác hợp lý tiềm năng của Ba Vì chắc chắn là một bài toán khó. Tuy nhiên, trên thế giới bài toán này đã có lời giải rất phổ biến và hiệu quả. Họ đã phát triển, cải tạo các phế tích cũ để thu hút cộng đồng đến hưởng thụ và tìm hiểu trực quan những dấu ấn của lịch sử, văn hóa...”. Cũng theo ông Quốc, đó là cách làm thiết thực để quá khứ không còn chỉ nằm trên giấy. Phương thức này đồng thời tạo nguồn kinh phí để bù đắp phần nào cho việc duy trì và bảo vệ các di tích vốn rất eo hẹp. KTS Nguyễn Tấn Vạn cho rằng, nếu ai đã đến và thấy những phế tích trong Vườn quốc gia Ba Vì thì đều biết đó là một câu chuyện cần được cảm nhận để làm giàu thêm giá trị của lịch sử, môi trường, cảnh quan mà chúng ta đang hưởng thụ. Việc phát huy và khai thác nó làm thức tỉnh nó để phục vụ cộng đồng là hướng đi cần thiết.

KTS Lê Thành Vinh nhận định: “Quan điểm cơ bản trong ứng xử với các phế tích kiến trúc và rộng hơn là với phức hợp cảnh quan di sản vùng núi Ba Vì cần được xác định là: Đánh thức, bảo tồn và phát triển tiếp nối không gian văn hóa đặc trưng của khu vực này. Coi phế tích là một nhân tố quan trọng, xác định các mức độ can thiệp khác nhau, phù hợp với vị trí, đặc điểm, ý nghĩa và tình trạng của từng phế tích và cảnh quan khu vực. Vừa bảo tồn, tôn tạo vừa phát huy giá trị và đáp ứng các nhu cầu văn hóa, xã hội đương đại và tương lai, trong sự điều tiết hợp lý và chặt chẽ”. Theo lưu ý của PGS.TS Đặng Văn Bài, các hoạt động kinh tế - xã hội được tiến hành khi “đánh thức” những phế tích tại đây đều phải chú trọng hai mục tiêu hàng đầu là bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về môi trường thiên nhiên. “Với nhận thức như vậy, việc bảo tồn và phát huy cảnh quan văn hóa - phế tích kiến trúc biệt thự Pháp phải góp phần xây dựng lối sống thuận theo tự nhiên, tương thích với thiên nhiên...”, theo PGS Đặng Văn Bài. 

 Để khai thác tài nguyên của Vườn quốc gia Ba Vì, gắn liền với bảo vệ rừng, tôn tạo, giữ gìn di sản văn hóa, cảnh quan và phế tích để lại, tọa đàm coi trọng và nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm, năng lực, kinh nghiệm và cả đạo đức của nhà đầu tư. Ở đây cần nhà đầu tư thông minh, có tâm, có tầm, không lấy lợi nhuận làm mục tiêu mà lấy hiệu quả và sự bền vững của dự án làm đích.

(Chủ tịch Hội KTS Việt Nam NGUYỄN TẤN VẠN)

HOÀNG VY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top