Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Nghệ nhân áo dài Lan Hương: Mặc Áo dài chuẩn thiết kế sẽ không thấy bất tiện

Thứ Hai 14/09/2020 | 11:14 GMT+7

VHO- Cần có một cách nhìn tích cực về việc Sở VHTT Thừa Thiên Huế phát động cán bộ, nhân viên mặc Áo dài đến công sở vào thứ Hai đầu tháng, động thái này thể hiện trách nhiệm và nỗ lực của một cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa với chủ trương bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống.

 Nghệ nhân Áo dài Lan Hương tại Triển lãm “Áo dài và hoa” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức trong năm 2020 nhằm tôn vinh chiếc Áo dài Việt Nam

 “Kể cả là Áo dài ngũ thân của nam giới cũng sẽ không hề vướng víu nếu như người mặc nhận thức đầy đủ về giá trị của Áo dài và chiếc áo được thiết kế một cách chuẩn chỉ, đúng quy chuẩn”, đó là khẳng định của nghệ nhân Áo dài Lan Hương với Văn Hóa trong cuộc trò chuyện về vấn đề đang được dư luận quan tâm thời gian vừa qua.

Thừa Thiên Huế vừa phát động toàn bộ cán bộ, nhân viên mặc Áo dài, trong đó nam giới mặc Áo dài ngũ thân truyền thống đến công sở vào mỗi thứ Hai đầu tháng. Việc này ngay lập tức đã tạo ra nhiều luồng dư luận vừa thuận, vừa trái chiều, xin nghệ nhân cho biết quan điểm của bà?

- Việt Nam đang triển khai lập hồ sơ Áo dài, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2020, các cơ quan, ban, ngành cùng các NTK đều nỗ lực để quảng bá cho Áo dài truyền thống của Việt Nam. Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số kế hoạch chưa thể làm được theo đúng tiến độ, nếu không sẽ có nhiều hoạt động được tổ chức để đưa tà Áo dài đi sâu hơn nữa vào đời sống. Việc làm tiên phong của Sở VHTT Thừa Thiên Huế đã thể hiện rất rõ ý thức trách nhiệm trong việc khẳng định, tôn vinh Áo dài. Tôi cho rằng đây là một động thái rất tích cực, đáng được dư luận xã hội đồng cảm, thấu hiểu, quan tâm. Chúng ta cần thấy sự tích cực trong việc nói và làm của người Huế. Họ luôn biết vận dụng những ưu thế và bản sắc của văn hóa truyền thống để quảng bá thương hiệu và hình ảnh của địa phương.

Là người chuyên thiết kế Áo dài, bà nghĩ sao trước ý kiến: trang phục Áo dài truyền thống, đặc biệt là Áo dài ngũ thân dành cho nam giới, khi mặc thường sẽ gây vướng víu, bất tiện?

- Tôi cho rằng sự bất tiện ở đây phụ thuộc vào nhận thức của mỗi con người về giá trị và cốt lõi bản chất của tà Áo dài. Là một NTK chuyên cho Áo dài, tôi khẳng định Áo dài nam hay nữ truyền thống của Việt Nam được thiết kế rất “vi diệu”, ai mặc vào cũng đều có thể hoạt động và làm mọi việc dễ dàng, không hề khó khăn. Nhiều người cho rằng đàn ông mặc Áo dài ngũ thân là rất bất tiện, nhưng họ có biết đàn ông Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước đã mặc Áo dài chứ đâu chỉ có hôm nay mới mặc? Đẹp hay không đẹp, vướng hay không vướng, tiện lợi hay bất tiện là do chính quan điểm và nhận thức của người mặc. Nếu nhận thức đúng đắn, chúng ta sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Áo dài cũng là thời trang, vì vậy có người thích và cũng có người không thích. Bản thân tôi đi dự rất nhiều chương trình ngoại giao về văn hóa quốc tế và đã gặp những trang phục truyền thống của nước bạn, chỉ mặc sao cho đúng đã rất kỳ công, hơn thế, còn gây khó khăn cho vấn đề di chuyển, cử động. Nếu để nói về công năng sử dụng thì hoàn toàn không có, nhưng nhiều người vẫn mặc vì đó là trang phục đại diện cho nền văn hóa của quốc gia họ. Trong khi đó, trang phục Áo dài của Việt Nam được rất nhiều người nước ngoài yêu thích, đánh giá cao và thậm chí họ mặc nó vào những dịp quan trọng.

Theo bà, Áo dài có phù hợp để làm đồng phục ở nơi công sở hay không?

- Nếu đã coi Áo dài là đồng phục đi làm thì phải tính tới các yếu tố như đồng sắc, đồng màu, họa tiết trang trí để trở thành biểu tượng cho từng ngành nghề riêng như văn hóa, giáo dục, ngân hàng, hàng không, du lịch… Tôi rất mong có một quy định chặt chẽ cho việc thiết kế Áo dài để các NTK phải tuyệt đối tuân thủ các quy chuẩn về hình hài, vóc dáng. Ví dụ như những nguyên tắc thiết kế trên cổ, trên tay cũng như độ dài của tà áo phải phù hợp để tạo nên sự đồng bộ trong thiết kế. Tôi rất ủng hộ một số ngành nghề quy định cán bộ, nhân viên mặc Áo dài thường xuyên trong giao dịch hằng ngày. Là một NTK, tôi khẳng định Áo dài là một sản phẩm thời trang giúp cho con người đẹp hơn, tự tin hơn và hoàn toàn có thể hoạt động thoải mái.

Bà có cho rằng sẽ có nhiều địa phương học tập theo cách làm của Sở VHTT Thừa Thiên Huế hay không?

- Việc tổ chức để đưa Áo dài vào làm thời trang nơi công sở tuỳ thuộc vào chủ trương cũng như tập tục về văn hóa của từng tỉnh, thành phố. Huế đang xây dựng Kinh đô Áo dài Việt Nam và vì vậy, việc cổ xuý người dân mặc Áo dài để tạo bản sắc riêng cho địa phương là điều hoàn toàn dễ hiểu. Biết đâu ở các tỉnh, thành khác như Ninh Thuận họ lại thích mặc trang phục dân tộc Chăm; Hà Nội lại nghĩ ra một thiết kế trang phục mang phong thái người Tràng An… Trang phục nơi công sở và ở từng cơ quan, từng ngành nghề là do mỗi nơi tự quyết định và lựa chọn. Nhưng riêng với việc mặc Áo dài truyền thống thì khác. Hiện nay, rất nhiều người đã chọn mặc Áo dài vào các ngày lễ tết, cưới hỏi hay lễ hội... Tôi cho rằng sẽ vô cùng ấn tượng nếu như những dịp quan trọng như ngoại giao quốc tế hay khai mạc một hội nghị mang tầm cỡ quốc gia thì tất cả các quan chức của Việt Nam sẽ mặc Áo dài, điều này thể hiện sự nâng niu giá trị của trang phục truyền thống. Chúng tôi mong chờ tới ngày Áo dài được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, để có đầy đủ hơn lý do được công nhận là Quốc phục. 

 THUÝ HIỀN (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top