Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Liên tiếp xảy ra những vụ đuối nước ở trẻ em: Chưa một ai bị truy cứu trách nhiệm!

Thứ Tư 16/09/2020 | 10:24 GMT+7

VHO- Trao đổi với Văn Hóa vào hôm qua 15.9, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, hằng năm xảy ra không biết bao nhiêu vụ trẻ em tử vong do đuối nước, nhưng dường như chưa có một cá nhân, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm, hoặc bị đưa ra truy cứu trách nhiệm.

Xung quanh hồ nước từ việc làm công trình để lại khiến 5 trẻ xuống tắm đuối nước dẫn đến tử vong không hề có biển cảnh báo tại xã Văn Giáo (Tịnh Biên – An Giang) Ảnh: B.ĐẨU

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong do đuối nước tại Việt Nam ở mức cao so với nhiều quốc gia khác.

Chi phí đầu tư thấp nhưng sao địa phương không làm?

Mới đây nhất, vụ đuối nước đầy thương tâm xảy ra tại xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên (An Giang) làm tử vong 5 trẻ em tuổi từ 2 - 13 khiến cho dư luận bàng hoàng, và không thôi câu hỏi cứ mãi day dứt: Đến khi nào tai nạn đuối nước đối với trẻ em ở nước ta mới được đẩy lùi? Và đến khi nào Việt Nam mới tụt hạng khi hiện vẫn là quốc gia có số trẻ dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước đứng hàng đầu khu vực Đông Nam Á, thứ hai trên thế giới và cao gấp 10 lần các nước phát triển?

Trao đổi với phóng viên Văn Hóa vào hôm qua 15.9, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, những năm gần đây tỷ lệ trẻ em Việt Nam đuối nước có xu hướng giảm nhưng vẫn rất chậm và thấp, vẫn ở tỷ lệ cao so với nhiều nước trên thế giới. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 16.5.2016 về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em; tiếp tục được nhắc lại tại Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 26.5.2020 về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, ngoài ra còn một hệ thống quy định pháp luật cũng như nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban quốc gia về trẻ em, Bộ LĐ,TB&XH..., nhưng việc phòng chống tai nạn này vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, tai nạn thương tích ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ em do đó sự quan tâm của chính quyền địa phương là rất quan trọng. Quan tâm không chỉ bằng lời nói mà phải hành động bằng việc tăng cường truyền thông giáo dục đến từng gia đình, trường lớp, cộng đồng. Đồng thời, đầu tư bằng ngân sách địa phương để sửa chữa, nâng cấp hạ tầng giao thông, đặc biệt là khu vực cổng trường, khu vui chơi công cộng mà có trẻ em, rồi đầu tư cho các hệ thống thiết bị bể bơi, dạy kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em.

“Tai nạn đuối nước cùng với tai nạn giao thông là hai nguyên nhân gây thương vong lớn nhất cho trẻ em. Do đó địa phương cần quan tâm đầu tư về hạ tầng, xây dựng các bể bơi, kể cả bể bơi thông minh, đầu tư huấn luyện viên, giáo viên triển khai các lớp dạy bơi, hướng dẫn an toàn trong môi trường nước cho các đối tượng trẻ em. Thực chất khoản đầu tư này không quá tốn kém nhưng địa phương có đầu tư hay không. Ví dụ, hiện nay chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em mà Cục Trẻ em đang phối hợp các tổ chức quốc tế triển khai đã tính toán toàn bộ chi phí để dạy kỹ năng an toàn và dạy bơi trung bình là 30 USD/ trẻ (tương đương khoảng 700.000 đồng- PV). Đầu tư không quá tốn kém mà cứu được sinh mạng, bảo vệ sức khỏe cho rất nhiều trẻ em là việc phải làm”, ông Nam nhấn mạnh.

 Xã Cẩm Hải (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) đặt mục tiêu 100% trẻ em có kỹ năng an toàn khi xuống nước Ảnh: BẢO LONG

Địa phương thờ ơ vì chưa có ai phải chịu xử lý trách nhiệm?

Không chỉ đề cập vấn đề về sự đầu tư và công tác phòng ngừa, người đứng đầu cơ quan bảo vệ trẻ em cho rằng cần phải làm mạnh và làm quyết liệt trong việc xử lý đúng trách nhiệm, đúng người, đơn vị có liên quan khi để xảy ra các vụ tai nạn thương tích, gây tử vong cho trẻ em theo đúng tinh thần của Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nam cho rằng, nhiều vụ việc trẻ tử vong do đuối nước, ngã tại chung cư... xảy ra, nhưng dường như rất ít vụ được xử lý đến nơi đến chốn, truy trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp để xảy ra những vụ tai nạn như vậy. Gần đây, vụ việc một học sinh trèo cây ở Hải Dương và bị điện giật gây tử vong đã được UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo thanh tra, nhưng kết quả thanh tra còn chậm và chưa rõ ràng, chưa chỉ rõ trách nhiệm của những đơn vị liên quan, hay chưa xác định được chế tài xử lý. “Như vậy là có làm nhưng cần phải làm một cách cách rốt ráo và dứt khoát hơn”, ông Nam nói. Mỗi khi có tai nạn xảy ra, Cục Trẻ em đều có văn bản yêu cầu Sở LĐ,TB&XH phối hợp với chính quyền, cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra, làm rõ. Hoạt động này được yêu cầu không chỉ đơn thuần là đến thăm hỏi động viên, hỗ trợ gia đình kinh phí để làm ma chay lo hậu sự cho trẻ, mà địa phương phải nắm bắt ngay nguyên nhân để có những biện pháp phòng ngừa, không để tai nạn thương tích cho trẻ em tái diễn.

Chẳng hạn, điều tra trẻ đó có được học bơi hay không, có được học kỹ năng an toàn dưới nước không; khu vực sông, hồ nước đó đã được chính quyền sở tại cắm biển cảnh báo chưa; gia đình có thường xuyên giám sát, nhắc nhở trẻ về các nguy cơ đuối nước không... Tất cả những vụ việc phải được đánh giá và đưa ra nguyên nhân sau đó địa phương lập tức khắc phục ngay để làm sao giảm thiểu những tai nạn thương tích cho trẻ em. “Tuy nhiên, trong báo cáo của các địa phương gửi về cho Cục Trẻ em và Bộ LĐ,TB&XH thì phần lớn vẫn còn rất chung chung, chỉ đưa tên, tuổi, thời gian, địa điểm xảy ra vụ việc; lãnh đạo địa phương đã xuống thăm hỏi động viên... Điều này cũng cần nhưng chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm”, ông Nam chỉ rõ. “Có thể do chưa có một vụ việc nào được xử lý đến cùng, thể hiện tính răn đe nên người ta vẫn tỏ ra thờ ơ trong khi công cụ pháp lý phải được sử dụng một cách tối đa. Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh là phải xử lý nghiêm tất cả những hành vi vi phạm quyền trẻ em, hành vi xâm hại trẻ em dẫn đến thương vong, tai nạn thương tích cho trẻ em đều phải truy cứu trách nhiệm.

Các vụ liên quan đến tử vong của trẻ em đều có dấu hiệu hình sự, cần phải điều tra xác minh xem mức độ chịu trách nhiệm của cá nhân, tập thể đến đâu. Nếu vi phạm hành chính thì xử lý hành chính, còn nếu vi phạm hình sự thì phải xử lý hình sự chứ”, Cục trưởng Đặng Hoa Nam bày tỏ. 

 Có thể do chưa có một vụ việc nào được xử lý đến cùng, thể hiện tính răn đe nên người ta vẫn tỏ ra thờ ơ trong khi công cụ pháp lý phải được sử dụng một cách tối đa. Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh là phải xử lý nghiêm tất cả những hành vi vi phạm quyền trẻ em, hành vi xâm hại trẻ em dẫn đến thương vong, tai nạn thương tích cho trẻ em đều phải truy cứu trách nhiệm.

Các vụ liên quan đến tử vong của trẻ em đều có dấu hiệu hình sự, cần phải điều tra xác minh xem mức độ chịu trách nhiệm của cá nhân, tập thể đến đâu. Nếu vi phạm hành chính thì xử lý hành chính, còn nếu vi phạm hình sự thì phải xử lý hình sự chứ.

(Ông ĐẶNG HOA NAM, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ,TB&XH)

 

Làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương

Hôm qua 15.9, Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã phát đi văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em. Theo đó, trong thời gian vừa qua, tại một số địa phương đã liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước gây tử vong cho trẻ em. Đặc biệt, ngày 13.9, một vụ đuối nước thương tâm xảy ra tại xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên (An Giang) làm tử vong 5 trẻ em từ 2 - 13 tuổi. Trước tình hình trên, Bộ LĐ,TB&XH, cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về trẻ em đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói chung đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em.

Văn bản đề nghị: Rà soát, phát hiện kịp thời các đồ dùng, công trình chứa nước, các khu vực hố nước, hồ ao, sông ngòi, vùng nước sâu, nguy hiểm thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ đồng phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em, cụ thể như làm nắp đậy, rào chắn, đặt biển cảnh báo, phân công lực lượng cảnh giới. Tiếp tục hướng dẫn triển khai, kiểm tra việc thực hiện xây dựng Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em. Đặc biệt, văn bản còn nhấn mạnh: Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước cho trẻ em; về giao thông đường bộ, đường thủy. Chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương đối với các vụ việc gây tử vong trẻ em do tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước. Xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm quyền trẻ em.

 QUỲNH HOA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top