Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Huế cần sớm bảo tồn đình làng

Thứ Sáu 18/09/2020 | 10:40 GMT+7

VHO- Bên cạnh hệ thống nhà rường cổ đặc trưng, Huế còn “sở hữu” nhiều công trình văn hóa cộng đồng vô giá, trong đó phải kể đến rất nhiều đình làng cổ đã được công nhận là di tích. Tuy nhiên, hiện nay không ít ngôi đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, hư hại và có nguy cơ đổ sụp nhiều hạng mục. Việc sớm quyết định tu bổ, bảo tồn hệ thống thiết chế văn hóa truyền thống này là điều cấp bách và đang được cộng đồng địa phương quan tâm.

 Di tích đình làng An Cựu bị xuống cấp nghiêm trọng dễ dẫn đến đổ sụp

 Từ nhiều năm qua, ngành văn hóa TP Huế đã thực hiện khá thuận lợi việc trùng tu, bảo tồn các nhà vườn truyền thống đặc trưng của xứ Huế. Tuy nhiên, điều trăn trở vẫn là nhiều di tích trên địa bàn chưa được quan tâm, đầu tư tu bổ, tôn tạo...

Đình làng An Cựu (kiệt 33 An Dương Vương, TP Huế) đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh từ năm 2008, bởi nơi đây từng là địa điểm diễn ra những hoạt động quan trọng trong công cuộc đấu tranh cách mạng của quân và dân ta. Ngôi đình được xây dựng theo kiểu truyền thống độc đáo và được đánh giá cao về nghệ thuật kiến trúc.

Ông Trương Sáu, Ban đại diện làng An Cựu thông tin: “Làng An Cựu có lịch sử hơn 700 năm và các bậc tiền nhân đã sớm xây dựng ngôi đình này để làm nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng quan trọng của làng xã. Qua nhiều chuyển biến của lịch sử, công trình đã có thay đổi, điều chỉnh, tu sửa nhưng vẫn giữ gìn được những chi tiết chính đặc trưng. Từ những năm 1930, đình làng An Cựu là địa điểm hoạt động cách mạng. Trải qua thời gian, chiến tranh cũng như thiên tai, loạn lạc, di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ đổ sập. Chúng tôi và những người dân làng An Cựu luôn mong muốn các cấp quan tâm để sớm tu bổ, giữ gìn di sản quý báu của ông cha để lại; phát huy giá trị văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng”.

Nhiều năm nay, tại đình làng An Cựu chỉ thực hiện các nghi lễ cúng tế quan trọng, và hạn chế các hoạt động văn hóa cộng đồng bởi toàn bộ hệ thống mái đã hư hại, nhiều đoạn ngói bị trụt và võng xuống; các cấu kiện gỗ phần nhiều đã mục ruỗng; vách tường bị thấm dột, rêu mốc, mục nát và bong tróc từng mảng lớn; nghi môn và tường thành nứt vỡ; nhà tăng Tả, Hữu hư hỏng đã lâu và trở thành phế tích.

Không chỉ đình làng An Cựu, nhiều di tích đình làng khác trên địa bàn TP Huế cũng đang lâm vào cảnh tương tự từ nhiều năm qua, như đình làng Dương Xuân Hạ, đình làng Kim Long, đình Phú Hòa, đình Phú Xuân… Bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng phòng VHTT thành phố Huế cho biết: “UBND tỉnh phân công cho UBND TP Huế quản lý trực tiếp 8/18 di tích cấp quốc gia và 10/17 di tích cấp tỉnh trên địa bàn. Qua khảo sát, hiện có 12 di tích (5 di tích cấp quốc gia và 7 di tích cấp tỉnh) đã hư hại, xuống cấp trên 50%, cần được tu bổ và tôn tạo kịp thời để tránh nguy cơ đổ sụp”.

Mới đây, khi UBND TP Huế quyết định chủ trương cho trùng tu, bảo tồn 3 di tích đình làng nổi tiếng trên địa bàn khiến người dân quan tâm, ủng hộ, vui mừng. Các dự án có kinh phí gần 18 tỉ đồng, bao gồm: đình làng An Cựu với kinh phí gần 9,8 tỉ đồng; đình làng Dương Xuân Hạ (phường Thủy Xuân) với 2,67 tỉ đồng và đình làng Kim Long (phường Kim Long) với kinh phí 5,46 tỉ đồng.

Cả 3 công trình di tích đình làng nói trên sẽ được hạ giải toàn bộ, đánh giá mức độ hư hỏng để gia cố, phục hồi lại theo thiết kế và nguyên trạng. Loại gỗ nhóm 2 (kiền kiền) sẽ được lựa chọn để phục hồi cho hệ khung, hệ mái của các công trình di tích; kết hợp với bảo quản gỗ bằng thuốc chống mối mọt và sơn quang truyền thống. Phần móng di tích sẽ được giữ nguyên, cạo tẩy rêu mốc và lớp vữa trát bong tróc, tháo dỡ và phục hồi gia cố nền. Phục hồi hệ thống tường bao bằng gạch đặc vữa TH#75 đối với những phần tường bao mất liên kết, mất khả năng chịu lực…

“Việc trùng tu kịp thời các đình làng nhằm bảo tồn, phục hồi để di tích được khang trang, bền vững; giữ gìn các công trình có giá trị kiến trúc, giá trị văn hóa lịch sử, nhằm giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau cũng như đáp ứng nhu cầu và mong muốn của các tầng lớp nhân dân, bảo đảm việc tổ chức các hoạt động tín ngưỡng truyền thống của cộng đồng dân cư làng xã trong các dịp lễ, tết của dân tộc được tôn nghiêm và an toàn. Đồng thời, góp phần triển khai, cụ thể hóa quan điểm xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thành TP trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, bà Phạm Thị Quỳnh Dao nhấn mạnh. 

SƠN THÙY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top