Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút khách du lịch

Thứ Bảy 19/09/2020 | 16:35 GMT+7

VHO- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại lễ kỷ niệm 10 năm đi vào hoạt động của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (19.9.2010 – 19.9.2020) vào sáng nay 19.9 tại Hà Nội. Cùng dự buổi lễ có Phó Chủ tịch Ủy Ban TƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại lễ kỷ niệm

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trịnh Ngọc Chung, quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết: “Kể từ khi được thành lập và khởi công xây dựng năm 1999 đến 19.9.2010, Làng chính thức được khai trương, đi vào hoạt động với phương châm vừa vận hành khai thác cục bộ, vừa xây dựng. Ngay sau khi khai trương, ngoài việc tiếp tục bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, Làng luôn chú trọng công tác khai thác, vận hành khu các làng dân tộc bằng việc tổ chức các hoạt động VHTTDL đa dạng, phong phú với sự tham gia của đồng bào các dân tộc. Đồng thời, “Ngôi nhà chung” tiếp tục được đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình theo kế hoạch”.

Với chủ trương để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình, từ cuối năm 2015, hoạt động tại Làng đã có sự chuyển biến sâu sắc. Đó là việc tổ chức đưa đồng bào DTTS về sinh sống. Tính đến nay, đã có hàng nghìn lượt đồng bào các dân tộc về tổ chức nhiều hoạt động tại Làng. Trong đó, 16 cộng đồng các dân tộc đang sinh sống, tham gia hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam gồm Tày, Dao, Mông, Nùng, Thái, Mường, Ê Đê, Khmer… đến từ các tỉnh, thành phố Thái Nguyên, Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng…

Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung báo cáo tình hình hoạt động của Làng 10 năm qua

Những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ban Quản lý đã khắc phục những khó khăn, cùng đồng bào các dân tộc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả. Có thể nói, Làng là địa chỉ tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước khi đến với Thủ đô Hà Nội; là địa điểm lý tưởng để các đơn vị, cá nhân tổ chức các hoạt động dã ngoại, ngoại khóa, vừa vui chơi giải trí, vừa tìm hiểu văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, du khách còn có cơ hội được tiếp cận gần hơn với đồng bào DTTS, tham gia trải nghiệm văn hóa do chính đồng bào hướng dẫn.

Chương trình nghệ thuật tại buổi lễ

Cũng chính sự đa dạng, phong phú trong việc tổ chức các hoạt động, hoàn thiện cơ sở cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ nên lượng khách đến đây tăng lên đáng kể hàng năm. Trung bình mỗi năm, Làng đón trên 500.000 lượt khách tham quan. Dự kiến đến năm 2030, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ đón khoảng 5 đến 7 triệu lượt khách tham quan.

Đánh giá cao những nỗ lực của Làng Văn hóa trong quá trình phát triển, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nêu rõ 10 năm qua, mặc dù còn nhiều thách thức song với sự quan tâm của các Ban, Bộ, ngành TƯ, Làng đã bám sát mục tiêu xây dựng để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao và đạt nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể đến thời điểm hiện tại, Ban Quản lý đã thực hiện đầu tư hoàn thiện khá đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung và cơ bản xây dựng xong khu các làng dân tộc. Việc khai thác, vận hành khu này từng bước đi vào nề nếp, hiệu quả. Hoạt động tái hiện các lễ hội đặc sắc, trình diễn nghề thủ công truyền thống được tổ chức thường xuyên đã đem lại nét văn hóa riêng, tạo sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước…

Phó Chủ tịch Ủy Ban TƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tham quan triển lãm trong khuôn khổ lễ kỷ niệm

Bên cạnh đó, bằng các hoạt động đặc sắc, nhất là 3 sự kiện lớn thường niên Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Tuần Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam, Làng đã thu hút và đón hơn 4 triệu du khách trong nước và quốc tế, từng bước thực hiện hóa mục tiêu trở thành khu du lịch quốc gia trong thời gian tới.

Đồng bào các DTTS cùng chung vui

Để phát huy những giá trị đã đạt được và tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam, thu hút các dự án đầu tư ngoài ngân sách, phát triển dịch vụ du lịch, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam thời gian tới cần tiếp tục quán triệt nghiêm túc mục tiêu xây dựng và phát triển. Biến nơi đây trở thành trung tâm văn hóa, du lịch xứng tầm quốc gia, khu vực với những nét độc đáo, riêng có.

Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế phối hợp với các địa phương trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa để chăm lo đời sống cho cộng đồng DTTS sinh sống tại Làng. Lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con để có sự động viên kịp thời, khích lệ đồng bào chung tay xây dựng “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

“Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới để thu hút ngày càng nhiều du khách trên cơ sở khai thác hiệu quả các tài sản, cơ sở vật chất, hạ tầng hiện có”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.

Cũng tại buổi lễ, các đại biểu tham dự đã cắt băng khai trương cụm dịch vụ phục vụ khách du lịch tại khu vực cổng A. Đây là cụm dịch vụ nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của khách tham quan cũng như tăng cường quảng bá đặc sản của đồng bào các DTTS.

Lễ Sen Dolta được thực hiện tại không gian chùa Khmer của Làng

Chuỗi các hoạt động khác như triển lãm ảnh Hành trình phát triển 10 năm của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; hoạt động của đồng bào các dân tộc phía Bắc tại không gian làng dân tộc Thái; hoạt động của đồng bào các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên tại không gian làng dân tộc Bana; Lễ Sen Dolta cũng đã được tổ chức trong sáng nay và thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

ĐÌNH TOÁN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top