Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Về đề xuất làm "công viên Lịch sử- Văn hóa- Tâm linh Tô Lịch”: Hoan nghênh nhưng không thể vội vàng

Thứ Hai 21/09/2020 | 11:39 GMT+7

VHO- Liên quan đến đề xuất dự án “Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch” mà Văn Hóa đã đề cập trong bài “Lãng mạn… trên dòng sông lịch sử?” (số 3464, ra ngày 18.9), chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của chuyên gia văn hóa, di sản… chia sẻ những băn khoăn về nội hàm mà dự án cải tạo sông Tô Lịch cần tiếp cận và chọn lựa.

Không ôm đồm, cần chọn được điểm nhấn, nghiên cứu bài bản và cẩn trọng… là những vấn đề hết sức lưu ý.

“Cải tạo không có nghĩa là ôm đồm quá nhiều!”

Tôi vừa được biết những nội dung đề xuất Giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch” qua báo chí. Trước hết phải thấy đây là một ý tưởng cần nhận được sự quan tâm tìm đến sự đồng thuận, đặc biệt từ các chuyên gia về di sản, văn hóa, lịch sử cũng như từ phía công chúng. Tôi hoan nghênh ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch, dòng sông lịch sử gắn với những ký ức và cuộc sống của người dân Hà Nội. Mặt khác, khi được cải tạo, chắc chắn sông Tô Lịch sẽ thoát khỏi tình trạng bị ô nhiễm nặng nề như hiện nay, trở thành không gian có thể tổ chức những sinh hoạt, những không gian công cộng ấn tượng cho Hà Nội.

Tuy nhiên, ngay từ tên gọi của dự án được đề xuất: Cải tạo dòng sông trở thành “Công viên Lịch sử- Văn hóa-Tâm linh Tô Lịch” cũng đặt ra nhiều vấn đề khiến chúng ta không thể vội vàng. Các yếu tố Lịch sử- Văn hóa- Tâm linh đều hàm chứa rất nhiều nội dung cần được nghiên cứu một cách cẩn trọng, bài bản, thấu đáo. Một dự án mang tính cải tạo, thay đổi tính chất của dòng sông lịch sử theo chiều hướng tích cực không có nghĩa nội hàm của nó sẽ ôm đồm quá nhiều mà thiếu những cân nhắc, chọn lựa cần thiết. Đưa nội dung gì, thành tố nào vào dự án cải tạo này cũng đều phải có một quá trình nghiên cứu, bàn thảo một cách nghiêm túc, khoa học, chặt chẽ với sự tham gia của các chuyên gia.

Chẳng hạn, với nội dung xây dựng các lầu thủy đình hoặc hệ thống các tượng đài các vị vua sáng lập nên những triều đại trong lịch sử, khu vực quảng trường và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị anh hùng dân tộc sẽ được xây dựng suốt dọc dòng sông… là một nội dung rất cần cân nhắc, bàn thảo kỹ, và phải đặt ra câu hỏi: “Có phù hợp hay không?”. Sông Tô Lịch chảy trong không gian thành phố, nếu chỉ đặt ra mục đích cải tạo, làm đẹp mà bỏ qua những thành tố quan trọng khác thì không được. Các hoạt động văn hóa tâm linh, tượng đài, và cả những hoạt động văn hóa nghệ thuật… đều cần được tổ chức trong những không gian, bối cảnh hợp lý, gắn với các yếu tố lịch sử và công năng ở từng nơi, từng địa điểm nơi dòng sông chảy qua. Hội Di sản văn hóa Việt Nam sẵn sàng phối hợp để cùng với các chuyên gia di sản, văn hóa, lịch sử, kiến trúc… góp thêm những tiếng nói tin cậy đối với ý tưởng cải tạo không gian dòng sông Tô Lịch.

(PGS.TS ĐỖ VĂN TRỤ, Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam)

“Sai lệch về văn hóa, lịch sử, tâm linh sẽ vô cùng nguy hiểm”

Trước tiên, chúng ta cần hoan nghênh vì một công ty liên doanh với nước ngoài lại quan tâm đến việc cải tạo sông Tô Lịch để biến nó thành một địa chỉ đáng đến tại Hà Nội. Điều này xuất phát từ mong muốn đóng góp gì đó cho môi trường và văn hóa Việt Nam. Nhưng vì họ còn chưa hiểu hết được văn hóa Việt Nam hay những giá trị của di sản truyền thống cho nên sẽ còn rất nhiều vấn đề cần bàn thảo, tính toán mới có thể thực thi công trình cải tạo lớn này.

Để làm một công trình có ý nghĩa văn hóa, lịch sử, tâm linh sâu sắc, tôi nghĩ rằng từ ý tưởng để xây dựng thành một đề án tốt là cả một vấn đề. Thiết nghĩ, trong việc này cần có sự hợp sức từ các cơ quan hữu quan, các nhà nghiên cứu, chuyên gia…, với những đóng góp mang tính xây dựng. Đơn vị làm dự án cần phải lắng nghe và có những nghiên cứu cẩn trọng. Rõ ràng một việc làm như thế không đơn giản. Tôi đánh giá cao ý nghĩa tích cực khi dự án hướng đến mục tiêu cải tạo, giúp cải thiện môi trường sinh thái hiện đang bị ô nhiễm của sông Tô Lịch, tuy nhiên để biến nó thành một công viên Văn hóa, Lịch sử, Tâm linh thì phải nghiên cứu rất chi tiết, xem rằng có thể đưa vào cái gì, vào không gian nào…

Đi vào chi tiết cụ thể, khó có thể sớm nói chuyện đúng - sai, hoặc phù hợp hay không. Vì không đơn giản là dự án đó cần phải làm thế nào mà quan trọng là nó cần được nhìn nhận một cách tổng thể, toàn diện. Các yếu tố văn hóa, lịch sử, tâm linh đều là những yếu tố được cộng đồng và nhân loại coi trọng, quan tâm. Vấn đề ở chỗ, sẽ khai thác như thế nào. Nếu không nghiên cứu cẩn trọng mà tùy tiện gắn vào những ý nghĩa văn hóa, tâm linh, lịch sử thì sẽ rất nguy hiểm. Tô Lịch là dòng sông mang ý nghĩa lịch sử, gắn với đời sống Hà Nội, cho nên những gì mong muốn gắn với nó đều phải cân nhắc, lắng nghe những đóng góp.

Chẳng hạn, ý tưởng xây dựng các lầu thủy đình để người dân có thể trải nghiệm các dịch vụ du lịch văn hóa tâm linh cũng cần phải nâng lên đặt xuống. Sông Tô Lịch hiện nay thì không thể là nơi ngắm cảnh được, nhưng về lâu dài, khi cải tạo tổng thể thì cũng có thể xem đó là một ý tưởng khác lạ. Thế nhưng, khi chưa đảm bảo các yếu tố tổng thể, đồng bộ thì đừng vội vàng, tránh dựng lên dẫn đến những sai lệch đáng tiếc. Sai lệch về văn hóa, lịch sử, tâm linh sẽ vô cùng nguy hiểm. Về tượng đài càng cần phải băn khoăn hơn. Gắn với tượng đài là các yếu tố không gian, ý nghĩa công trình… Không thể cứ chăm chăm các yếu tố hoành tráng, quy mô là được, nhất là việc dựng tượng các vị vua trong lịch sử, tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh hay các danh nhân lịch sử.

(TS NGUYỄN VIẾT CHỨC, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)

“Ý tưởng phải đi kèm với giải pháp hiện thực hóa”

Trước hết chúng ta cần nhận thấy đây là ý tưởng hay, có tầm nhìn và giải quyết được nhiều vấn đề gắn với dòng sông Tô Lịch, đó là chuyện môi trường ô nhiễm lâu nay, là việc tạo dựng một điểm đến du lịch, là việc giải quyết bài toán có thu nhập từ sản phẩm du lịch này... Nhưng, ý tưởng mới chỉ là ý tưởng, mà ý tưởng đến hiện thực nhiều khi xa vời như từ mặt đất đến Mặt trăng. Nếu không nghĩ ra giải pháp để hiện thực hóa ý tưởng thì sẽ không thể thực hiện được.

Để thực hiện, đầu tiên cần lựa chọn những điểm nhấn. Trên cả dòng sông dài đó có thể làm được đến đâu thì lựa chọn những nội dung quan trọng nhất để thực thi, không dàn trải. Nói đến tâm linh thì đòi hỏi phải có không gian thiêng chứ không phải thích gì làm nấy, không thể tùy tiện. Không phải thích một ngôi chùa thì xây dựng lên rồi thổi hồn vào là được. Mỗi không gian thiêng đều hình thành trong thời gian, lịch sử cụ thể, có cội nguồn gốc gác. Vì thế, ở đây đòi hỏi những nghiên cứu rất công phu từ các nhà khoa học, khảo cổ, văn hóa, di sản… Thứ nữa, cũng cần có sự phối hợp của các nhà nghiên cứu kinh tế đánh giá nguồn thu từ du lịch như thế nào, nếu xem mục đích hướng đến ở nơi này là một sản phẩm du lịch.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu văn hóa cần vào cuộc đánh giá xem những di sản gì có thể làm sống lại, phục hồi những gì, tổ chức sự kiện gì phù hợp. Các nhà sử học, khảo cổ học phải xác định được vị trí thiêng, không gian của dòng sông như thế nào, định vị con sông này trong lịch sử xa xưa. Các chuyên gia du lịch, kinh tế đánh giá khả năng, sức hút của sản phẩm; cảnh quan môi trường cũng phải hấp dẫn, phối cảnh phù hợp… Việc đưa vào các loại hình văn hóa nghệ thuật cũng vậy, bởi có những loại hình chỉ thích hợp với một không gian riêng của nó. Ví dụ, nghệ thuật hát cửa đình thì phải ở cửa đình, không thể mang ra biểu diễn ở sân khấu được. Hầu đồng cũng không thể đưa ra không gian công cộng… Việc đề xuất đưa ra nội dung dựng nhiều tượng đài cũng phải rất thận trọng. Tượng đài phải gắn với các không gian thật chứ không phải cứ xây ào ào dọc dòng sông mà thiếu những tính toán phù hợp…

Nói như vậy để thấy, việc hiện thực hóa ý tưởng táo bạo này phải có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía. Chúng ta chưa vội đánh giá bởi ý tưởng thì vẫn chỉ là ý tưởng, quan trọng là khi thực hiện với nội hàm mà đề án đưa ra. Phải có bản thiết kế kỹ thuật chi tiết, xây dựng cụ thể các giải pháp để thực hiện…, và nhất định không thể viển vông, bay bổng. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học mới có thể chọn lựa các nội dung, sự kiện phù hợp với việc tái hiện những không gian lịch sử của sông Tô Lịch. Điều tôi luôn muốn nhấn mạnh là phải căn cứ vào gốc gác, lịch sử của dòng sông, vào nhu cầu của người dân… Bởi nếu không có sự kiện lịch sử thì không thể tạo tính thiêng, yếu tố tâm linh đưa vào sẽ chẳng giải quyết gì.

Như vậy, không nên vội vàng mà hãy chia ra từng giai đoạn, vừa thực hiện vừa rút kinh nghiệm cho những giai đoạn tiếp sau. Tôi nghĩ rằng các chuyên gia Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp tiếng nói cho tính khả thi và từng bước đi của dự án.

(TS TRẦN HỮU SƠN, nguyên Phó chủ tịch Hội Văn hóa dân gian VN)

 PHƯƠNG ANH (lược ghi)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top