Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Thi “Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020”: Phô diễn tinh hoa âm nhạc truyền thống

Thứ Tư 23/09/2020 | 10:23 GMT+7

VHO- Cuộc thi “Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020” do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) phối hợp tổ chức diễn ra từ ngày 21 - 23.9 tại Nhạc viện TP.HCM với sự tham gia của 10 đơn vị nghệ thuật khu vực phía Nam. Các đơn vị đã mang tới những tiết mục đặc sắc, đa dạng về thể loại và hình thức thể hiện, đặc biệt là mang đậm nét văn hóa đặc trưng Nam Bộ.

Tiết mục độc tấu đàn nguyệt của Nhạc viện TP.HCM

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã dự lễ khai mạc, tặng hoa chúc mừng Hội đồng giám khảo và động viên các đơn vị dự thi.

Là dịp để sát hạch công tác đào tạo, biểu diễn

Cuộc thi năm nay thu hút hơn 650 nghệ sĩ, diễn viên thuộc 35 đơn vị trong cả nước tham dự. Tại điểm thi TP.HCM, có 10 đơn vị nghệ thuật thuộc các tỉnh, thành phố gồm Nhạc viện TP.HCM; Nhà hát Ca múa nhạc (CMN) Dân tộc Bông Sen TP.HCM; Đoàn CMN Dân tộc tỉnh Bình Phước; Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Đồng Nai; Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh; Khoa Kịch hát Dân tộc Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM; Nhà hát CMN Biển Xanh tỉnh Bình Thuận; Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang; Trung tâm VHNT tỉnh Long An và Nhà hát Cao Văn Lầu tỉnh Bạc Liêu.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng BTC nhấn mạnh: “Cuộc thi “Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020” là hoạt động nghề nghiệp nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc dân gian Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là dịp để các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các đơn vị nghệ thuật, các giảng viên, học sinh, sinh viên đang giảng dạy, học tập chuyên ngành nhạc cụ dân tộc tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật thể hiện khả năng cá nhân; giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật; bảo tồn, gìn giữ, phát huy những tinh hoa âm nhạc truyền thống, từ đó rút ra những bài học về công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển tài năng và tìm ra những phương thức hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy các loại hình âm nhạc truyền thống phát triển trong thời kỳ mới”.

 

 Tiết mục độc tấu đàn Tranh của Trường trung cấp Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai Ảnh: THÙY TRANG

Theo BTC, dự kiến ban đầu cuộc thi sẽ diễn ra tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nhưng do tình hình Covid-19, để đảm bảo phòng, chống dịch, Bộ VHTTDL đã quyết định tổ chức thi tại 5 địa điểm: TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk); TP.HCM; TP Thanh Hóa (Thanh Hóa); TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) và Thủ đô Hà Nội. Đến thời điểm này, cuộc thi đã diễn ra tại hai điểm là TP Buôn Ma Thuột và TP.HCM. Sau khi thi tại 5 địa điểm nói trên, Hội đồng giám khảo sẽ chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất để trao giải thưởng vào tối 4.10 tại Nhà hát Chèo Việt Nam (Hà Nội). Cuộc thi được phát trực tiếp trên kênh Youtube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam.

Các đoàn nghệ thuật đã mang đến cuộc thi những sắc màu đa dạng qua từng tiết mục được đầu tư chỉn chu, nghiêm túc, thể hiện được nét đặc trưng riêng biệt của từng đơn vị. Nhạc viện TP.HCM là đơn vị mở màn tại điểm thi TP.HCM với 11 tác phẩm thuộc các thể loại: Độc tấu sáo trúc, độc tấu đàn nguyệt, độc tấu đàn bầu, độc tấu đàn tranh và hòa tấu dàn nhạc. PGS.TS Bùi Thiên Hoàng Quân, Giám đốc Trung tâm Biểu diễn âm nhạc - Nhạc viện TP.HCM cho biết, đến với cuộc thi, Nhạc viện TP đã đầu tư kỹ lưỡng về nội dung tiết mục, hình thức biểu diễn và lực lượng tham gia với 35 thí sinh là học sinh, sinh viên và giảng viên. “Tôi cho rằng cuộc thi là một sân chơi thật sự có giá trị, là dịp để chúng ta cùng sát hạch công tác bảo tồn và phát huy dòng âm nhạc dân tộc, sát hạch công tác đào tạo, biểu diễn để dòng âm nhạc dân tộc có thể phát triển mạnh mẽ hơn, lan tỏa sâu rộng hơn trong lòng công chúng”, PGS.TS Bùi Thiên Hoàng Quân chia sẻ và cho biết thêm, việc chia thành 4 bảng sẽ giúp cho việc “so tài” giữa các đơn vị nghệ thuật có sự công bằng và chặt chẽ hơn, từ đó kết quả cuộc thi cũng sẽ khách quan hơn.

Bảo tồn, phát huy âm nhạc trong đồng bào dân tộc thiểu số

Đoàn CMN Dân tộc tỉnh Bình Phước đem đến cuộc thi sắc màu âm nhạc dân tộc Stiêng

Theo các đơn vị, cuộc thi là sự kiện văn hóa quan trọng, góp phần tôn vinh, bảo tồn, phát huy các giá trị âm nhạc dân tộc, đặc biệt là âm nhạc trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là cơ hội để các nghệ sĩ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong lao động nghệ thuật.

Nhạc sĩ Kim Quang, Đoàn CMN Dân tộc tỉnh Bình Phước phấn khởi cho biết, đây là lần đầu tiên đoàn tham gia một cuộc thi chuyên nghiệp có quy mô toàn quốc về nhạc cụ dân tộc. “Đến với cuộc thi, các nghệ sĩ của chúng tôi đã tập luyện liên tục suốt mấy tháng để có các tiết mục đặc trưng của đồng bào dân tộc Stiêng. Đoàn đã mời những nghệ nhân am hiểu sâu rộng về âm nhạc đến để hướng dẫn, điều chỉnh các nhạc cụ cho phù hợp khi biểu diễn…”, nhạc sĩ Kim Quang cho hay. Theo đó, 14 nghệ sĩ của Đoàn CMN Dân tộc tỉnh Bình Phước đã mang đến các tiết mục độc tấu, hòa tấu với chủ đề “Tiếng lòng Stiêng”, được công chúng và các nghệ sĩ, nghệ nhân đánh giá cao. “Cuộc thi đã nâng tầm văn hóa, nâng tầm nhạc cụ dân tộc, giúp các đơn vị cải thiện những mặt còn hạn chế để dần hoàn thiện hơn trong công tác đào tạo, biểu diễn. Qua cuộc thi, các nghệ sĩ, diễn viên thấy được những mặt mạnh, mặt yếu của mình để phát huy, khắc phục, nâng cao tay nghề, khả năng biểu diễn. Nhưng quan trọng nhất, từ đây, âm nhạc của các dân tộc thiểu số như Stiêng, Khmer được lan tỏa, được đầu tư nhiều hơn, tránh nguy cơ mai một”, nghệ sĩ Kim Quang chia sẻ.

 

Tiết mục của Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, tỉnh Trà Vinh

Tương tự, là đơn vị lần đầu tiên tham gia cuộc thi, NSƯT Thạch Sung, Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh) chia sẻ chân tình, khi nhận được thông báo của BTC, Đoàn đã chọn ra các tiết mục đặc trưng nhất của âm nhạc dân tộc Khmer để giới thiệu với công chúng. Theo đó, 20 diễn viên, nghệ sĩ của Đoàn đã mang đến cuộc thi các tiết mục đặc sắc như: Độc tấu Vang tiếng đàn Khưm, độc tấu nhạc cụ Điệu khúc Roneat Ek, hòa tấu Giai điệu Dù kê Ba Sắc, hòa tấu nhạc ngũ âm Âm vang Pinpeat ngày hội… Chương trình biểu diễn của Đoàn đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của người xem.

Theo PGS.TS Bùi Thiên Hoàng Quân, cuộc thi nào cũng khó tránh được những bất cập và những mặt còn hạn chế. Là người tham gia sát sao cuộc thi trong 10 năm qua, ông cho rằng “chỉ nên quy định thời gian tối thiểu cho mỗi tiết mục, chứ không nên khống chế thời gian tối đa. Ở cuộc thi năm nay, mỗi tiết mục chỉ có không quá 7 phút (độc tấu từ 4-7 phút, hòa tấu từ 5-7 phút) sẽ phần nào làm hạn chế khả năng sáng tạo. Bởi vì có nghệ sĩ muốn xây dựng những tác phẩm lớn thì phải cần thời gian dài đủ tầm mới thể hiện hết tư tưởng, giá trị nghệ thuật, nếu không thì đó chỉ là những tiểu phẩm… Cá nhân tôi thấy chỉ cần khắc phục hạn chế nhỏ này, còn lại các mặt khác thì tôi rất đồng tình và đánh giá cao”.

 

  Cuộc thi đã nâng tầm văn hóa, nâng tầm nhạc cụ dân tộc, giúp các đơn vị cải thiện những mặt còn hạn chế để dần hoàn thiện hơn trong công tác đào tạo, biểu diễn. Nhưng quan trọng nhất, từ đây, âm nhạc của các dân tộc thiểu số như Stiêng, Khmer được lan tỏa, được đầu tư nhiều hơn, tránh nguy cơ bị mai một.

(Nhạc sĩ KIM QUANG, ĐOÀN CMN Dân tộc Bình Phước)

 THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top