Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Để kinh tế ban đêm là cơ hội lớn của ngành Du lịch (Bài cuối): Sản phẩm phải đặc sắc để hút khách

Thứ Tư 23/09/2020 | 11:03 GMT+7

VHO- Để ngành Du lịch về đêm phát triển, Chính phủ giao Bộ VHTTDL nghiên cứu, đề xuất những sản phẩm, dịch vụ đặc sắc để thu hút du khách. Những sản phẩm và dịch vụ này phải dựa trên nhu cầu thực tế của khách du lịch chứ không phải tư duy của nhà quản lý.

 Hội An (Quảng Nam) là một trong những điểm du lịch về đêm hấp dẫn ở Việt Nam

Sản phẩm phải phù hợp

Trong số 8 nhiệm vụ của Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, Thủ tướng giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm trên địa bàn một số trung tâm du lịch, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương và nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch đến từ các thị trường mục tiêu.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA Travel cho rằng: “Muốn phát triển kinh tế ban đêm, phục vụ khách du lịch, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, trải nghiệm cuộc sống của người dân phải có những nghiên cứu kỹ về các thị trường khách. Tùy từng thị trường khách có những thị hiếu và yêu cầu khác nhau, hoặc nghiên cứu về các yếu tố độ tuổi, giới tính, nhu cầu trải nghiệm, độ dài ngày khách, mức chi tiêu, tâm lý của khách, mức tăng trưởng trung bình….”

Việt Nam cũng từng xây những chương trình nghệ thuật truyền thống đặc sắc, chương trình nghệ thuật thực cảnh hoành tráng như Ấn tượng Hội An hoặc Tinh hoa Bắc Bộ. Tuy nhiên, lượng khách thưởng thức những loại hình, chương trình nghệ thuật này cũng không được như mong muốn. Có lẽ là chúng ta chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa ngành Du lịch và các ngành khác; Chưa khai thác hết tiềm năng; Chưa thật sự tìm hiểu xem khách thích gì và muốn xem gì ở Việt Nam khi họ không có nhiều đêm lưu lại một thành phố nào đó. Tôi từng rất hứng thú khi được nghe nhạc giao hưởng ở thành Vienna (Áo), tại một quán cà phê sang trọng và ấm cúng chứ không phải trong một nhà hát hoành tráng. Lang thang cả đêm ở những quảng trường nước Italia, ném 2 đồng xu (một cho tình yêu và một cho mong ước quay trở lại lần 2) ở đài phun nước Trevi, Roma; Mua sắm trên con phố Via del Corso với điểm cuối là quảng trường Piazza del Popolo. Khám phá trung tâm Pompidou khổng lồ và dùng bữa tối, thưởng thức bia ở quán bar trên khu phố cổ tuyệt đẹp Marais… mới thấy khách du lịch cả trong và ngoài nước đều có nhu cầu tham gia các hoạt động kinh tế ban đêm ở nơi họ đến.

Cần sự phối hợp đồng bộ

TS Lưu Thanh Tâm, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM cho rằng: “Ngành Du lịch và các địa phương trọng điểm du lịch cần có đề án chuyên đề về vấn đề phát triển kinh tế ban đêm. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tháo gỡ những chính sách bất cập làm hạn chế phát triển du lịch về đêm như quy định về giờ giấc kinh doanh. Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương nên tổ chức, quy hoạch lại các khu vực du lịch, ưu tiên phát triển kinh tế ban đêm, cụ thể hóa chính sách phát triển kinh tế về đêm thì mong muốn mới trở thành hiện thực”.

Chắc chắn khi phát triển kinh tế ban đêm sẽ phải đối mặt với những vấn đề phát sinh về an ninh trật tự, môi trường… Vì thế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đánh giá các loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch về đêm, phát triển thêm các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa, gắn liền với thế mạnh địa phương, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế cùng với việc đảm bảo an ninh an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm; Phòng chống dịch bệnh, cháy nổ; Hạn chế tối đa việc ô nhiễm môi trường, ô nhiễm ánh sáng, ô nhiễm tiếng ồn…

Đánh giá một số mô hình, cách thức quản lý, phát triển kinh tế ban đêm tại một số thành phố, quốc gia có quy mô, bản sắc văn hóa tương đồng với Việt Nam và tâm lý của khách du lịch, ông Cao Quốc Chung, Phó giám đốc Vidotour Travel cho rằng: “Ngành Du lịch cần có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể về các mô hình, sản phẩm phát triển kinh tế ban đêm để có thể có những giải pháp cho phù hợp. Tùy từng điều kiện, các địa phương có thể xây dựng Cẩm nang hướng dẫn về phát triển kinh tế ban đêm hoặc xây dựng khung pháp lý để hướng dẫn các nhà quản lý ở địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và các bên có liên quan tham gia hoạt động đêm, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế ban đêm phát triển, hạn chế rủi ro”.

Ông Chung cũng cho rằng ẩm thực Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có nhiều điểm độc đáo. Hiện nay, rất nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài muốn tham gia tour ẩm thực (food tour) ở Việt Nam. Báo The Guardian (Anh) cũng đã đưa Hà Nội vào danh sách thống kê 20 thành phố có food tour hấp dẫn nhất thế giới. Vì thế, để các sản phẩm kinh tế ban đêm thực sự hấp dẫn, thu hút được khách du lịch và người dân, cần phải tập trung quy hoạch, có kế hoạch phát triển. Ở đó, quy tụ các món ăn ngon, đặc trưng là thương hiệu của ẩm thực Việt Nam chứ không phải đồ đông lạnh, thịt xiên nướng… Bên cạnh đó, nghệ thuật truyền thống cũng phải có cách tiếp cận khách tốt hơn. Có thể không biểu diễn trong nhà hát nữa mà mang ra ngoài đường phố, ở những vị trí thuận lợi. Địa phương hưởng lợi từ các hoạt động kinh tế ban đêm sẽ có những chi phí cho các xuất diễn, tạo động lực cho nghệ sĩ tiếp tục lao động, sáng tạo nghệ thuật. Ở các chợ đêm, phố đi bộ cũng phải quy hoạch, quy định cụ thể hàng hóa như thế nào mới đủ chất lượng, tiêu chuẩn để bán chứ không phải như hiện nay chủ yếu là quầy hàng xén, bán hàng kém chất lượng, hàng chợ. Đặc biệt là phải đầu tư những gian hàng sản xuất tại chỗ để khách trải nghiệm, giới thiệu và bán các hàng thủ công mỹ nghệ, dân gian… Đồng thời, quy định hoạt động và quản lý hoạt động vào ban đêm của các loại hình chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, chuyên doanh.

Muốn khai thác kinh tế ban đêm một cách hiệu quả, các Bộ Công thương, VHTTDL, Công an và các địa phương phải có cơ chế phối hợp rõ ràng để đảm bảo an ninh an toàn, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu, thị hiếu của khách, đổi mới tư duy quản lý trong nền kinh tế thị trường… Ngành Du lịch cũng cần chủ động trong việc nghiên cứu, đề xuất mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc để phục vụ du khách. 

 Văn phòng Chính phủ vừa có văn văn bản số 7772/VPCP-KGVX giao Bộ VHTTDL nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành địa phương liên quan đề xuất giải pháp phù hợp để phát triển kinh tế ban đêm, đặc biệt là chú trọng việc cần có những đặc sản để thu hút khách du lịch.

Trước đó báo chí phản ánh: Theo chuyên gia, du lịch ban ngày chỉ chiếm 30%, còn 70% doanh thu dịch vụ ở khung giờ tối đến đêm. Ngành Du lịch đêm phát triển phụ thuộc vào nhu cầu thực tế của du khách, rất cần có dịch vụ đặc sắc để thu hút khách. H.N

 THÚY HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top