Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Về đề xuất làm "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch”: JVE trích dẫn Báo Văn Hóa không đầy đủ là để có lợi cho mình?

Thứ Tư 23/09/2020 | 11:12 GMT+7

VHO-  Sau những ý kiến của nhiều chuyên gia và dư luận trong những ngày qua xung quanh nội dung giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch”, sáng qua 22.9, Công ty CP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (Công ty JVE), đơn vị đề xuất giải pháp này đã tổ chức gặp mặt để chia sẻ thông tin với các báo chí.

 Ông Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại buổi gặp mặt

Có điều đáng chú ý là, trong tập “Tài liệu” cung cấp thông tin gửi báo chí, Công ty JVE đã trích dẫn lại một số ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu đăng trên Văn Hóa mà chưa được phép, và sự trích dẫn đó lại không đầy đủ, gây nên nhiều cách hiểu…

Mong muốn hồi sinh “dòng sông chết”

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị JVE Group cho biết, ngày 16.9 vừa qua, Công ty JVE đã gửi đến các cơ quan báo chí thông cáo về đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch”. Ngay sau đó, nội dung này đã nhận được sự quan tâm từ phía các nhà khoa học, các chuyên gia và đặc biệt là báo chí, dư luận xã hội.

Tuy nhiên, thông cáo báo chí chưa phản ánh đầy đủ nội dung mà các nhà khoa học, chuyên gia, dư luận xã hội quan tâm. Vì vậy, buổi gặp mặt này được tổ chức nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác nhất những thông tin liên quan đến dự án. JVE cũng mời thêm các vị khách cùng tham gia buổi gặp: GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam), Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam; GS.TS.NGND Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. “Nghiên cứu và xây dựng quy hoạch “Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch” là đề án ý nghĩa cho sự phát triển của Hà Nội, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản”. Chúng tôi trân trọng các ý kiến, gồm cả các ý kiến trái chiều trong tình trạng chưa có đầy đủ thông tin về dự án của các nhà khoa học, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực...”, ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ. Chủ tịch JVE Group cũng khẳng định, đây không phải là một dự án đề JVE làm giàu, kiếm lợi nhuận. Mục tiêu của dự án là giúp hồi sinh và khẳng định vị thế của dòng sông đã gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Tại buổi gặp mặt có sự tham gia của hàng chục cơ quan báo chí, truyền hình, JVE đã cung cấp, giải đáp các thông tin liên quan đến dự án, trong đó có những vấn đề mà Văn Hóa đã đề cập: Ý kiến về vấn đề gắn chữ “Tâm linh” trong tên dự án; ý kiến về vấn đề xây dựng cảnh quan như Lầu Thủy đình (Lầu Vọng nguyệt) trên sông; cải tạo cần phải đặt trong một quy hoạch tổng thể, gắn liền với các thành phần, nhân tố liên quan; bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; phát triển du lịch hay các vấn đề liên quan đến việc cải tạo, xử lý ô nhiễm môi trường trên sông Tô Lịch... “Tên gọi dự án bao hàm rất nhiều ý nghĩa: “Công viên Lịch sử- Văn hóa- Tâm linh Tô Lịch”, chỉ một sơ sẩy nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến tổng thể dự án cũng như đối với thiện chí hỗ trợ chúng ta từ phía Nhật Bản”, ông Tuấn Anh nói.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh chia sẻ, ông tin tưởng dự án sẽ mang đến những thay đổi lớn lao, đặc biệt về cải tạo môi trường vốn ô nhiễm nặng nề lâu nay ở sông Tô Lịch, con sông lịch sử chảy trong thành phố. “Tôi cho rằng dự án cần được ủng hộ để khi được triển khai sẽ tạo ra một điểm nhấn cảnh quan đô thị cho Hà Nội. Đặc biệt, để giúp một dòng sông đã chết được sống trở lại...”, GS Đặng Huy Huỳnh nói.

 Phối cảnh một đoạn sông do JVE cung cấp

Hãy sòng phẳng khi cung cấp thông tin!

Liên quan đến đề xuất cải tạo dòng sông Tô Lịch, Văn Hóa đã đăng tải hai bài viết trong hai số báo gần đây, trong đó có nêu nhiều ý kiến từ các chuyên gia di sản, khảo cổ, văn hóa, lịch sử... Nhất quán trong các ý kiến này là quan điểm hoan nghênh dự án cải tạo sông Tô Lịch, nhưng cũng khuyến cáo sự cẩn trọng với các yếu tố nội hàm bên trong “Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch” mà đề xuất nói trên hướng đến.

Tuy nhiên, tại buổi gặp mặt ngày 22.9, Văn Hóa tiếp tục nhận thấy có những vấn đề chưa được Công ty JVE giải đáp thỏa đáng, thậm chí còn gây nên những hồ nghi mới. Ví dụ, về một nội dung mà chúng tôi đã nêu rõ trên Văn Hóa là: Liệu có phù hợp hay không khi dự án đề xuất sẽ xây dựng một loạt tượng đài dọc hai bên bờ sông? Công ty JVE lý giải: “Đương nhiên, không ai đặt tượng đài ở dòng sông mà chưa được xử lý triệt để mùi hôi thối ô nhiễm mà Dự án sẽ xử lý triệt để tất cả các nguồn ô nhiễm cả bên trong và bên ngoài sông Tô Lịch, từ đó làm sống lại và hồi sinh dòng sông mà trước kia các Vua, quan vẫn thường vãn cảnh, sau đó mới đặt các tượng đài”. Chủ tịch Nguyễn Tuấn Anh “giải đáp” thêm: “Hà cớ gì, thế hệ chúng ta cải tạo được sông Tô Lịch thành “Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch” đẹp như vậy mà chỉ mình chúng ta hưởng? Sao chúng ta không nghĩ rằng, cần dựng Tượng đài các vị vua đã sáng lập ra các triều đại từ thời Hùng Vương, An Dương Vương..., Lý, Trần, Lê, Nguyễn... cùng các Tượng đài các Anh hùng dân tộc từ ngàn đời nay đã có công đánh thắng giặc ngoại xâm, gìn giữ mảnh đất thiêng liêng hình chữ S cho muôn đời con cháu mai sau như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo..., rồi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở thời đại Hồ Chí Minh - Thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc”.

Xin thưa rằng, trên thực tế, liên quan đến sự xuất hiện của mỗi công trình tượng đài là hàng loạt vấn đề về quy hoạch, cảnh quan, kiến trúc và các yếu tố lịch sử, văn hóa, mỹ thuật... Hơn nữa, ở đây, đề xuất nêu ý tưởng làm tượng đài các vị vua sáng lập nên các triều đại trong lịch sử, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị anh hùng dân tộc suốt dọc con sông. Như vậy có quá ôm đồm và giản đơn khi tư duy và đưa ra ý tưởng hay không? Về vấn đề này, các chuyên gia văn hóa, lịch sử đã trả lời rất rõ trong các bài viết mà Văn Hóa phản ánh. Cũng liên quan đến những ý kiến chuyên gia trên Văn Hóa, trong tài liệu cung cấp cho báo chí ngày 22.9, JVE đã trích dẫn lại một số nội dung trong các phát biểu này. Ví dụ, phần giải đáp ý kiến về xây dựng cảnh quan như “Lầu Thủy đình” (Lầu Vọng nguyệt) trên sông, đơn vị này trích lại phát biểu của Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam Tống Trung Tín trên Văn Hóa, như sau: “Có thể nói đây là một ý tưởng rất hay nhưng cũng đầy lãng mạn. Làm sống lại dòng sông cổ Tô Lịch là điều tuyệt vời vì mấy thập kỷ qua chúng ta hằng mong đợi. Nếu việc đề xuất biến con sông cổ này thành “Công viên Lịch sử- Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch” thành hiện thực, Hà Nội sẽ hấp dẫn và mộng mơ hơn. Một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nhật Bản cũng đã làm được những dự án như thế, và thực sự trở thành điểm du lịch cực kỳ hấp dẫn”.

Tuy nhiên, phần trích dẫn này của JVE không hề dẫn nguồn của Văn Hóa và cũng chưa được Văn Hóa đồng ý. Chưa kể, cách trích dẫn không đầy đủ như trên khiến người tiếp nhận thông tin sẽ hiểu phiến diện ý kiến của chuyên gia. Ở đây, PGS.TS Tống Trung Tín còn cho rằng, từ đề xuất đến triển khai thực hiện là chặng đường rất dài, và liệu rồi có thể triển khai được không. “Nhìn qua những phác thảo phối cảnh của đề xuất trên báo chí tôi thấy lung linh và lãng mạn quá. Là người dân tôi cũng tự hỏi đến bao giờ được như vậy, hay tung lên sau đó lại chìm nghỉm như nhiều dự án khác. Bên cạnh đó, qua clip của đề xuất này tôi thấy các tác giả dường như hơi tham quá, cái gì cũng muốn đưa vào khiến cho không gian, cảnh quan lịch sử, văn hoá trở nên quá đậm đặc. Biến sông Tô Lịch thành con sông di sản hay bảo tàng di sản cũng được nhưng cần phải tiết chế, chọn lọc, nhất là về công trình kiến trúc, tượng đài...”.

Thế nhưng, thật đáng băn khoăn khi những ý kiến này không hề được cung cấp một cách toàn diện cho báo chí. Bên cạnh đó, ý kiến đồng thuận chủ trương của PGS.TS Đặng Văn Bài trên Văn Hóa cũng được trích dẫn: “Ý tưởng này nên ủng hộ, nhưng khi triển khai cần nghiên cứu kỹ lưỡng”. Ông cho biết, qua tiếp xúc với ý tưởng đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử- Văn hóa- Tâm linh Tô Lịch”, nhìn tổng thể chúng ta nên ủng hộ vì khi dự án này được thực hiện sẽ góp phần cải tạo môi trường sinh thái của Thủ đô, không kéo dài tình trạng ô nhiễm. Phải thừa nhận rằng con sông này đang có xu hướng bị “cống hóa”, mặt khác lại đang trong tình trạng bị ô nhiễm nặng nề, vấn đề đặt ra là làm thế nào để nó trong lành trở lại. Cho nên, hướng đi cải tạo này là đúng và cần được ủng hộ.

Và phần “tuy nhiên”, nêu lên những băn khoăn của chuyên gia này về những khuyến cáo đối với dự án thì cũng không thấy trong tài liệu gửi báo chí của JVE.

Như vậy, phải đặt một dấu hỏi về cách trích dẫn từ phía đơn vị đề xuất ý tưởng. Đây có phải một cách “lách”, “mượn” uy tín các chuyên gia để đưa những thông tin có lợi cho mình? Cách đưa tin phiến diện và không đầy đủ khiến chúng tôi hoài nghi khi Công ty JVE cho rằng mình sẵn sàng lắng nghe các ý kiến, kể cả trái chiều về dự án. Thiết nghĩ, với một dự án có mục đích tích cực thì tất cả mọi phía đều cần có sự hợp tác sòng phẳng, kể cả cách đánh giá, nhìn nhận và đưa những thông tin đến công chúng. Báo Văn Hóa từ đầu đã nhất quán quan điểm ủng hộ đề xuất của dự án mà JVE đưa ra. Có điều, để đi đến bước thực hiện và thực hiện khả thi lại là cả một quá trình, đòi hỏi sự cẩn trọng, nghiêm túc đến ngặt nghèo. 

  Liên quan đến một nội dung khác mà Văn Hóa cũng đã đăng tải: “Đơn vị thực hiện cần lựa chọn đội ngũ các chuyên gia am tường để tham vấn ngay từ đầu, tránh để tình trạng xây dựng lên rồi không đúng...”, theo đại diện Công ty JVE, liên quan đến vấn đề tham vấn yếu tố về lịch sử, cảnh quan kiến trúc, công ty này sẽ mời các cơ quan, ban, ngành như Bộ VHTTDL, Hội KHLS VN, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội..., các GS, nhà khoa học, nhà sử học có liên quan..., các Hội Kiến trúc sư, nhà nghiên cứu về di sản, khảo cổ để tham vấn xin ý kiến đúng về các kiến trúc, di sản của thời kỳ lịch sử đó...

PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top