Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Du lịch làng nghề ven biển Bắc Bộ: Vì sao vẫn chưa cất cánh ?

Thứ Sáu 29/01/2021 | 11:17 GMT+7

VHO- Khu vực ven biển Bắc Bộ có rất nhiều làng nghề truyền thống, nhưng do chưa được quan tâm đúng mức nên du lịch gắn với làng nghề vẫn còn ở dạng tiềm năng, manh mún, chưa đem lại kết quả thiết thực cho việc cải thiện sinh kế của người dân.

 Làng chài trên biển là một trong những sản phẩm du lịch làng nghề độc đáo thu hút khách Ảnh: MINH THUẦN

 Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) xác định, việc làm rõ nguyên nhân và xây dựng phương hướng, giải pháp nhằm phát triển du lịch làng nghề ở ven biển Bắc Bộ là vấn đề cấp thiết, cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp du lịch và người dân địa phương. Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, đơn vị được Tổng cục Du lịch giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi và mở rộng sinh kế cho các làng nghề truyền thống ven biển Bắc Bộ trên cơ sở phân tích nguồn đặc điểm sinh kế của người dân ở các làng nghề ven biển, kinh nghiệm trong và ngoài nước về phát triển du lịch gắn với nghề truyền thống, sinh kế của người dân đã đề xuất các giải pháp, mô hình phát triển khả thi, phù hợp.

Du lịch chưa thực sự gắn với sinh kế của người dân

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, hiện nay việc phát triển du lịch gắn với làng nghề bị đứt gãy khá nhiều, đặc biệt là những khu vực sản xuất hàng hoá đáp ứng nhu cầu xuất khẩu cao. Phần lớn các làng nghề lại chưa được tiếp xúc và phát triển theo hướng kết hợp với du lịch. Hoạt động du lịch ở các làng nghề chủ yếu mang tính tự phát, chưa có đầu tư, khai thác theo hướng cộng đồng tham gia làm du lịch, nhận thức về du lịch còn hạn chế, chỉ tập trung các hoạt động sản xuất, thương mại. Do đó, muốn phát triển du lịch làng nghề bền vững, có thể thay đổi sinh kế của người dân, cần quan tâm đến những chính sách phát triển làng nghề ở địa phương như quy hoạch, chính sách hỗ trợ, những điều kiện chung cho phát triển của làng nghề như cơ sở hạ tầng, chương trình xây dựng nông thôn mới, quá trình đô thị hoá, mật độ dân cư, quỹ đất, không gian phát triển. Những vấn đề môi trường tại làng nghề cũng cần quan tâm và có giải pháp cụ thể như cảnh quan, vệ sinh chung, thu gom và xử lý rác, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, ô nhiễm không khí, tiếng ồn. Đánh giá đúng thực trạng và khả năng bảo tồn, phát triển nghề truyền thống ở các địa phương; khả năng phát triển du lịch của các làng nghề truyền thống.

Trong khu vực ven biển Bắc Bộ, xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình là một trong những điển hình về hỗ trợ làng nghề mở rộng sinh kế gắn với phát triển du lịch. Ngành nghề chính của xã này là nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như làm cói, bèo bồng. 1.000 người (10% dân số của xã) đang làm nghề truyền thống, thu nhập trung bình 51 triệu đồng/người/ năm, người giỏi nghề thu nhập 200.000 đồng/ngày.

Cần đầu tư đúng mức

Nhiều nước trên thế giới cũng đã thành công với mô hình làng nghề làm du lịch. Ở Thái Lan hiện nay có khoảng 70.000 làng nghề thủ công, để thu hút du khách, tạo thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, từ năm 2001 chính phủ Thái Lan đã thực hiện dự án OTOP (mỗi xã một sản phẩm) dựa trên sáng kiến của Cục Xúc tiến xuất khẩu thuộc Bộ Thương mại Thái Lan. Đến nay, Thái Lan có khoảng 36.000 mô hình OTOP, mỗi mô hình tập hợp từ 30-3.000 thành viên. Sự phát triển của OTOP đã giúp nghề thủ công truyền thống của Thái Lan sống dậy, người dân có công ăn việc làm, tạo ra nhiều sản phẩm đặc sắc của từng địa phương. Tại Nhật Bản, nơi khởi đầu với OVOP từ năm 1979, chiến lược làm mới sản phẩm làng nghề cũng được thúc đẩy. Giám đốc điều hành Hiệp hội Xúc tiến các ngành công nghiệp thủ công truyền thống, kỹ thuật chế tạo đồ thủ công mỹ nghệ ở Nhật Bản đã được trao truyền, mỗi mặt hàng có đặc điểm riêng của từng địa phương. Bộ Kinh tế Nhật Bản thông qua Hiệp hội Xúc tiến các ngành công nghiệp thủ công truyền thống đã hỗ trợ các làng nghề bằng nhiều hình thức như khảo sát thăm dò thị trường, tổ chức triển lãm sản phẩm làng nghề, kết nối các nhà thiết kế và nghệ nhân thủ công mỹ nghệ truyền thống nhằm lên ý tưởng cho sản phẩm mới…

Ở nước ta, Quảng Ninh là một tỉnh mà chương trình OCOP rất phát triển, gắn chặt với phát triển du lịch. Đến nay, Quảng Ninh đã có 456 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó 236 sản phẩm đạt từ 3-5 sao. Chương trình OCOP Quảng Ninh đã được nhân rộng trên cả nước, đồng thời góp phần tích cực vào mục tiêu của chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tại Quảng Ninh từ 10,5 triệu đồng/người năm 2010 lên 47 triệu đồng/người năm 2020. Đặc biệt, ở Quảng Ninh, làng chài trên biển là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc trong hành trình khám phá vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long. Những làng chài nổi tiếng ở đây như Cửa Vạn, Ba Hang, Vung Viêng và làng chài trên vịnh Bái Tử Long với kiến trúc và phong tục truyền thống của dân chài đã làm nên điểm nhấn góp phần thu hút khách du lịch. Ninh Bình cũng là địa phương mà làng nghề truyền thống tồn tại và phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều lao động, sản phẩm có đầu ra, gắn liền với du lịch, nâng cao đời sống người dân và góp phần gìn giữ văn hoá. Trong số 60 làng nghề thủ công ở Ninh Bình có 36 làng nghề được công nhận là làng nghề thủ công truyền thống.

Chính vì sự gắn bó mật thiết của phát triển du lịch với nghề thủ công truyền thống và sản phẩm từ làng nghề, Tổng cục Du lịch đề xuất cần xây dựng cơ chế hợp tác, cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan trong phát triển du lịch làng nghề; cần có sự đầu tư đúng mức và sự phối hợp của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương các cấp trong việc giới thiệu, tổ chức, quản lý hoạt động du lịch khi mô hình được triển khai trong thực tế. Thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng để tìm đầu ra cho sản phẩm; tìm hiểu nhu cầu của khách du lịch khi tham gia du lịch làng nghề. Tạo điều kiện về cơ chế, kinh phí, cơ sở vật chất cho việc xây dựng điển hình thí điểm tại làng nghề phù hợp. Về lâu dài, cần xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch đối với các làng nghề truyền thống; liên kết xây dựng hệ thống kết nối trong công tác chỉ đạo, định hướng phát triển làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch...

 THUÝ HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top