Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Nhiếp ảnh tư liệu: Truyền tải từng nhịp đập cuộc sống

Thứ Sáu 12/03/2021 | 11:05 GMT+7

VHO- “Khác với hình ảnh được dàn dựng kỳ công nhưng không hề có một “kẽ hở” nào cho yếu tố bất ngờ, sức nặng của ảnh tư liệu nằm ngoài dự tính và nói được nhiều hơn những gì người ta nhìn thấy, bởi lẽ nó cần thời gian để được thẩm thấu, chiêm nghiệm”…

 Một tác phẩm trong dự án “Ôm nước” của nghệ sĩ Lê Nguyễn Duy

Đó là lời mở đầu cho buổi trò chuyện diễn ra tại Hà Nội mới đây của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Nguyễn Duy Phương. Thông qua nhiếp ảnh, Duy Phương hướng sự chú ý của khán giả đến những vấn đề bên trong và ngoài môi trường xã hội. Những dự án của anh thường thực hiện trong nhiều năm, đòi hỏi sự kiên trì và bền bỉ để cho ra những hình ảnh mang tính tư liệu xã hội nhưng đầy thi vị.

Đồng hành với từng số phận

Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống làm nhiếp ảnh thương mại, nhưng Duy Phương chọn đi theo “nghề gia truyền” bằng con đường riêng. Bước sâu vào hàng loạt dự án dài hơi của mình, anh chia sẻ về cách tiếp cận và thực hành nhiếp ảnh, qua đó khơi gợi về những chiều kích, sự tác động của nhiếp ảnh tư liệu đối với đời sống con người. Sau nhiều năm làm việc, Duy Phương nhận ra rằng nếu nghệ sĩ muốn truyền tải câu chuyện bên trong và bên ngoài môi trường xã hội, họ buộc phải hòa mình thực sự với môi trường đó. Hơn chục năm trước, anh bắt tay thực hiện bộ ảnh về nước, hòa cùng dòng nước để lần theo từng mảnh đời. Mọi việc bắt đầu từ khi Duy Phương biết đến hồ Trị An (Đồng Nai), một trong những đập thủy điện lớn nhất miền Nam. Nơi đây, nước là số phận của người dân, nước là giấc mơ, niềm hy vọng và cả nỗi thất vọng của họ. Nhưng từ ý tưởng đó đến thực tế, để cho ra các bức ảnh không hề đơn giản. Nhớ thời điểm tiếp cận để chụp ảnh về hồ thủy điện Trị An, anh đã mất hơn 1 năm trở đi trở lại địa điểm này, phóng xe máy hàng trăm cây số rồi thất vọng quay về với chiếc thẻ nhớ trống không.

Cho đến một ngày, Duy Phương bình tâm suy nghĩ lại và quyết định tới bắt chuyện, tìm hiểu cuộc sống của con người nơi đây, chụp chân dung họ, mới vỡ òa nhận ra câu chuyện này sẽ được kể như thế nào. Anh kết hợp giữa nhiếp ảnh phóng sự và nhiếp ảnh dàn dựng, khiến cuộc sống bình dị của người dân trở nên đầy thơ mộng nhưng cũng chứa đựng nhiều ý niệm về cuộc sống mưu sinh của con người giữa thiên nhiên hùng vĩ. Qua ống kính, cảnh sắc hiện ra với hình ảnh những đứa trẻ thả trôi trên con nước, những ngư dân đăm đắm nhìn dòng chảy như chất chứa nỗi trăn trở về tương lai. Duy Phương chia sẻ: “Khi sợi dây giữa tôi với nơi chốn này bền chặt hơn, tôi được phép đồng hành cùng những số phận người dân gắn bó với từng đợt thủy triều lên xuống. Bằng cách nào đó cuộc sống của tôi trở nên đồng điệu với cuộc sống thường ngày và thế giới tinh thần của họ trong cảnh sắc tuyệt trần này. Con người, thiên nhiên, ký ức nổi lên rồi biến mất như những phản chiếu chập chờn lấp lánh trên dòng chảy số phận”.

Dự án “Ôm nước” đã tạo dấu ấn đặc biệt trên con đường nghệ thuật của Duy Phương, để từ đó anh tiếp tục hành trình với chiếc máy ảnh bằng phong cách riêng của mình. Nhiều dự án và triển lãm đều đặn xuất hiện trong nước và nước ngoài như Pháp, Mỹ, Anh... đã nói lên những trăn trở, tư duy của nghệ sĩ về xã hội.

Biến cái bình thường thành sức nặng

Một trong những mối quan tâm của Duy Phương là đề tài đô thị. Sinh trưởng ở Long An nhưng phần lớn thời gian gắn bó với TP.HCM để học và làm việc, nên từ lâu anh đã muốn thể hiện góc nhìn về sự thay đổi cảnh quan, tâm tư con người dưới tác động của đô thị hóa. Anh dành nhiều năm rong ruổi với máy ảnh ở phố, kể về sự đổi thay của cảnh quan và con người. Dự án “Ở giữa lưng chừng” kéo dài 7 năm, ghi lại những cảm xúc hỗn độn, rối bời trong quá trình đô thị của Việt Nam bị cuốn theo dòng chảy của thế giới. Hay dự án “Những ảo ảnh” trong vòng 3 năm gần đây, chụp nhanh những nơi có pano quảng cáo ở Hà Nội, TP.HCM, nhằm tạo nên hình dung về những cái không có thật. Ở đây, những tác phẩm đều được chụp một cách ngẫu nhiên, không có sự sắp đặt hay dàn dựng nhưng chung một chủ đề, lột tả sự thay đổi cảnh quanh, môi trường sống của con người đang trong quá trình biến đổi.

Đô thị hóa, toàn cầu hóa đang mang lại những thay đổi đầy hứa hẹn cho nhiều người nhưng nó cũng trả về những cảm xúc bấp bênh, sự tiếc nuối cho không ít người. Những tòa nhà mới mọc lên đồng nghĩa với việc đưa những kiến trúc đổ nát và cả những không gian sống chung vốn là biểu tượng từ thuở ban đầu, nhanh chóng lùi về quá khứ, để lại sự hoài niệm về một thời. Cuốn theo vòng xoáy của cuộc sống hiện đại, con người ngày càng khép mình trong chiếc hộp cá nhân, cô lập bản thân khỏi cộng đồng chung và tự tách mình ra xa thiên nhiên. Những cảm xúc hỗn độn, rối bời đó được Duy Phương tinh tế truyền tải trong từng góc máy. Dù trong những bức ảnh thiếu vắng sự hiện diện của con người, nhưng cảnh điêu tàn, hoang vắng, ngổn ngang, sự đối lập giữa cũ - mới, tồi tàn - hiện đại, một khu nhà cấp 4 xập xệ - những tòa cao ốc chọc trời... khiến người xem mường tượng ra được cảm xúc của những con người đang sống trong bối cảnh không gian đó.

Duy Phương chia sẻ, anh không hướng công chúng về một dòng cảm xúc nào đó, hay mong muốn họ phải đồng điệu cảm xúc với mình, mà chỉ đơn giản muốn độc giả thấy được sự thay đổi của cảnh quan khi đô thị hóa tác động tới tâm tư, tình cảm của những con người sống tại đó như thế nào, và điều đang thay đổi sẽ đi tới đâu. Cuộc sống luôn có nhiều câu chuyện để kể, nó cũng buộc nghệ sĩ phải suy nghĩ, rõ ràng nhiếp ảnh tư liệu có thể mở ra nhiều đối thoại hơn nữa giữa người xem và người tạo ra tác phẩm, mang đến sức nặng của câu chuyện. “Những khoảnh khắc vẫn liên tục tiếp diễn, chỉ có điều không có một ai đó chụp lại. Thường với các dự án của mình, tôi chọn làm về những cái mà nhiều người vẫn thấy. Những cái nằm trong đời sống hiện thực hằng ngày, người ta cho rằng nó quá bình thường, không có gì đặc biệt cả thì tôi biến thành thế mạnh của mình”.

 NGỌC HÀ   

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top