Lễ Xuân Đinh tại Di tích Văn Thánh Miếu Vĩnh Long

VHO - Ngày 20.3 (nhằm ngày Đinh Mão 8.2 âm lịch) tại Di tích lịch sử - văn hóa Văn Thánh Miếu Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) đã diễn ra Lễ Xuân đinh Đức Khổng Phu Tử. Trước tình dịch dịch bệnh Covid-19, lễ hội được tổ chức đơn giản nhưng không kém phần trang trọng với sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương, một số hội đình bạn và Nhân dân gần xa đến dâng hương chiêm bái.

Lễ Xuân Đinh tại Di tích Văn Thánh Miếu Vĩnh Long - Anh 1

Lễ Xuân Đinh tổ chức đơn giản nhưng không kém phần trang trọng

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long do Kinh lược sứ Nam kỳ Phan Thanh Giản và Đốc học Nguyễn Thông chủ xướng xây dựng vào cuối thế kỷ 19. Được khởi công xây dựng vào năm Tự Đức thứ 17 (Giáp Tý 1864) và hoàn thành vào năm Bính Dần 1866. Khi thực dân Pháp chiếm thành Vĩnh Long có ý định phá bỏ Văn Thánh Miếu. Lúc đó ông Bá hộ Trương Ngọc Lang (tức Bá hộ Nọn) được Nhân dân đề cử đứng ra ngăn cản, nhờ vậy di tích này mới tồn tại cho đến ngày nay. 

Lễ Xuân Đinh tại Di tích Văn Thánh Miếu Vĩnh Long - Anh 2

Lễ Xuân Đinh tại Di tích Văn Thánh Miếu Vĩnh Long - Anh 3

Biểu diễn nhạc lễ trong lễ tế

Di tích Văn Thánh Miếu nằm cạnh bờ sông Long Hồ, một nhánh sông lớn của dòng sông Cổ Chiên, thuộc Phường 4, TP.Vĩnh Long. Trong năm, các lễ hội, sinh hoạt văn hóa diễn ra chủ yếu trong khuôn viên di tích với những hoạt động như đờn ca tài tử, hội thơ, học sinh đến thắp hương tri ân các bậc tiền nhân... Theo dòng chảy thời gian và bao cuộc biến thiên của xã hội, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long vẫn luôn được các thế hệ nối tiếp nhau phụng thờ và bảo vệ. Năm 1991, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Nơi đây còn được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch văn hóa tiêu biểu. 

Lễ Xuân Đinh tại Di tích Văn Thánh Miếu Vĩnh Long - Anh 4

Thực hiện nghi thức dâng rượu

Lễ Xuân Đinh tại Di tích Văn Thánh Miếu Vĩnh Long - Anh 5

Đọc văn tế tại lễ Xuân Đinh

Hằng năm ở Văn Thánh Miếu có các kỳ lễ hội chính: Lễ Xuân Đinh và Thu Đinh (được tổ chức giống nhau) theo truyền thống lễ trong Nho giáo để thờ phụng đức Khổng Tử cùng các học trò ưu tú; còn có lễ giỗ Kinh lược sứ đại thần Phan Thanh Giản, lễ giỗ danh nhân văn hóa Chu Văn An, ngày giỗ các quan đại thần,... Lễ Xuân Đinh - ngày Đinh đầu tháng 2 âm lịch của mùa xuân và lễ Thu Đinh - ngày Đinh cuối tháng 8 âm lịch của mùa thu.

Lễ Xuân Đinh tại Di tích Văn Thánh Miếu Vĩnh Long - Anh 6

Đoàn thanh niên TP.Vĩnh Long sinh hoạt trò chơi trong khuôn viên Văn Thánh Miếu

Lễ Xuân Đinh tại Di tích Văn Thánh Miếu Vĩnh Long - Anh 7

Đoàn nghiên cứu thuộc khoa Di sản Văn hóa, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM khảo sát thực tế lễ hội

Các ngày lễ Xuân Đinh và Xuân Thu tại Văn Thánh Miếu thực chất không thuộc phạm trù văn hóa tâm linh. Người tham dự không vì mục đích cầu tài lộc, việc thờ tự, cúng tế hằng năm ở đây biểu hiện cho tinh thần bảo tồn văn hóa, biểu dương Nho học, bảo vệ phong hóa và thể hiện tinh thần tri ân, tưởng nhớ bậc tiền nhân. Nghi thức cúng tế đơn giản nhưng vẫn toát lên vẻ trang nghiêm trân trọng, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo của cư dân miền đất phương Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng.

NGUYỄN THÁI HÒA

Ý kiến bạn đọc