Mùa Phật đản an toàn trong làn sóng đại dịch Covid-19

VHO- Năm thứ hai liên tiếp, tăng, ni, Phật tử đón mùa Phật đản không trọn vẹn khi dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Đại lễ chính thức vào Ngày Rằm tháng 4 âm lịch sẽ được truyền hình trực tiếp để nhân dân và Phật tử trong nước, nước ngoài chứng kiến nghi thức Đại lễ của Giáo hội, thay vì đến trực tiếp để tham dự Đại lễ.

Mùa Phật đản an toàn trong làn sóng đại dịch Covid-19 - Anh 1

Chùa Quán Sứ, Trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam đóng cửa phòng chống dịch

Đại đức Thích Nguyên Chính, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, trong bối cảnh đại  dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành, các ngôi chùa, cơ sở tôn giáo tại một số địa phương tạm dừng hoạt động, đóng cửa không đón tiếp nhân dân và Phật tử tới tham gia các hoạt động lễ bái, tâm linh tín ngưỡng. “Vì vậy, mùa Phật đản Phật đản năm 2021, đại lễ Phật đản Phật lịch 2565 sẽ được mạng Butta kết hợp với kênh Truyền hình An Viên truyền hình trực tiếp đại lễ chính thức từ 8 giờ sáng ngày Rằm tháng 4 âm lịch (tức ngày 26.5.2021) từ Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Toàn bộ nghi thức Đại lễ sẽ được truyền trực tiếp để nhân dân, Phật tử trong nước và nước ngoài được chứng kiến, thay vì đến trực tiếp để tham dự Đại lễ...”, theo Đại đức Thích Nguyên Chính.

Trong thông điệp đại lễ Phật đản Phật lịch 2565, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhắn nhủ, trong thế giới biến động ngày nay, chúng ta đang phải đối mặt với những khủng hoảng nghiêm trọng về dịch bệnh, về môi trường, biến đổi khí hậu, và xung đột ở khắp nơi trên thế giới. Hơn bao giờ hết, nhân loại cần đón nhận năng lượng niềm tin nơi kho tàng giáo lý vi diệu của Đức Phật. Chỉ khi đó, chúng ta mới vượt qua những thách thức khủng hoảng này.

Mùa Phật đản an toàn trong làn sóng đại dịch Covid-19 - Anh 2

Công tác phòng dịch tại Chùa Quán Sứ 

“Chúng ta phải chung tay làm việc cùng nhau trong việc giải quyết những thách thức khôn lường đang diễn ra hằng ngày. Đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới nhận ra rằng chúng ta cần sát cánh bên nhau và phải cùng nhau hành động vì mục tiêu và lợi ích chung”, thông điệp nêu rõ.

Đại lễ Vesak Phật lịch 2565 với ba sự kiện lớn kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh, thành đạo và nhập niết bàn, là dịp để ôn lại những dấu son trong cuộc đời và đạo nghiệp của Đức Phật, nhắc nhở mỗi người con Phật hãy thực tập giáo pháp và đem giáo pháp vào đời, giúp cuộc đời chuyển hóa đem lại hạnh phúc, an lạc và lợi ích cho nhân loại.

Trong thảm họa của đại dịch Covid-19, thế giới thực hiện giãn cách xã hội, Liên hợp quốc đã tổ chức mừng đại lễ Vesak bằng hình thức trực tuyến kết nối nhiều quốc gia, với tinh thần dù là Phật tử hay khôngử, mọi người cùng suy ngẫm về cuộc đời Đức Phật nhằm tiếp nhận nguồn cảm hứng từ những lời dạy minh triết của Ngài, để thế giới luôn luôn bình đẳng và phát triển bền vững.

Mùa Phật đản an toàn trong làn sóng đại dịch Covid-19 - Anh 3

Tại chùa Trấn Quốc (Hà Nội)

Đại lễ Phật đản năm nay đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981 - 2021), đặc biệt là vào dịp diễn ra ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam mong muốn những người con Phật cùng nhau thực hiện lý tưởng và lời dạy của Đức Phật, nỗ lực tu tập, trau dồi vượt lên trên sự cám dỗ của vật chất, hóa giải nghiệp chướng; thể hiện là một sứ giả hòa bình, cùng nhau chung sống hòa hợp trên nền tảng từ, bi, hỷ, xả, thực hiện một đời sống đạo đức vị tha, kiến tạo một thế giới hòa bình, an lạc. Các cấp Giáo hội, các địa phương cần có nhiều hoạt động Phật sự sáng tạo, thiết thực chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tích cực hưởng ứng Ngày hội toàn dân bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Giáo hội đã yêu cầu tăng, ni, phật tử các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước theo sát diễn biến tình hình dịch bệnh, thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế, các văn bản chỉ đạo của UBND các tỉnh, thành phố trong phòng, chống dịch.

Tại các tỉnh, thành phố đã có các ca mắc Covid-19, hoặc nguy cơ cao lây lan trong cộng đồng thì các chùa, cơ sở tự viện cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định và hướng dẫn của chính quyền địa phương, tạm dừng mọi hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người.

Mùa Phật đản an toàn trong làn sóng đại dịch Covid-19 - Anh 4

Người dân thực hành các nghi lễ tâm linh trong điều kiện phòng chống dịch

Tại các tỉnh, thành phố chưa phát hiện các ca mắc COVID-19 thì các chùa, cơ sở tự viện không tổ chức các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người. Trong trường hợp thật sự cần thiết khi được chính quyền cho phép thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, Thông điệp 5K của Bộ Y tế; đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khử khuẩn, hạn chế tối đa số lượng người tham dự; nghiêm túc khai báo y tế online, tiêm vaccine phòng dịch.

Công tác chuẩn bị Đại lễ Phật đản 2565, An cư kết hạ và Đại hội đại biểu Phật giáo cấp huyện (2021-2026) của các địa phương đều phải căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh thực tế và thực hiện theo quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 của chính quyền địa phương.

Trụ trì các chùa, cơ sở tự viện có trách nhiệm chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong việc không để xảy ra các tình trạng tập trung đông người. Đặc biệt, theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, điểm mới trong chỉ đạo của Giáo hội lần này là trụ trì các chùa sẽ phải chịu trách nhiệm trước Giáo hội và pháp luật nếu để xảy ra các tình trạng không kiểm soát chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới.

MINH NGỌC

Ý kiến bạn đọc