“Cấp phát cho em một anh người yêu với nhé”

VHO- Tiếng cô sinh viên năm cuối lanh lảnh, hồn nhiên khiến mọi người đều cười ồ lên. Hiếm lắm ở nơi tâm dịch của huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) mới rộ tiếng cười như vậy bởi cường độ, áp lực và thời gian làm việc thâu đêm suốt sáng khiến nhân viên y tế cảm thấy thở còn mệt nói gì đến cười đùa.

“Cấp phát cho em một anh người yêu với nhé” - Anh 1

 Lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tưởng niệm, chia buồn với đồng nghiệp khi mẹ mất mà không thể về nhà chịu tang Ảnh: ĐẶNG THANH

Tiếng nói với ấy là của Nguyễn Thuỳ Ngân (22 tuổi, sinh viên năm 4 trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên) khi nghe về chuyện bác sĩ Nguyễn Thị Nguyệt, Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành. Gần chục ngày lăn lộn với công việc ở khu cách ly trường mầm non xã Gia Đông (Thuận Thành), Ngân mới có giây phút vui vẻ như vậy.

“Không có vấn đề gì đâu, chiến thắng dịch bệnh con về nhà”

Chỉ mới hôm qua thôi, Ngân cùng nhân viên y tế đã phải thức trắng đêm để lấy mẫu xét nghiệm. Số người F1 đến khu cách ly cứ tăng dần khiến em đứng làm thủ tục tiếp nhận mà nhiều lúc cảm tưởng như muốn rụng rời tay chân. Ngân là một trong số hàng trăm cán bộ y tế, sinh viên tình nguyện tham gia chống dịch ở điểm nóng nhất của Bắc Ninh. “Anh có tin không, chỉ hai cái ghế này ghép lại là em có thể ngủ ngay tại đây”, cô sinh viên thật thà nói về cảm giác “thèm ngủ” do ngày nào cũng căng mình làm việc từ 18 đến 20 giờ. Từ khi tham gia công tác chống dịch, Ngân càng hiểu rõ sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc. Thế nhưng, nhìn các anh chị đồng nghiệp mặc quần áo phòng hộ cả ngày, mồ hôi ướt sũng, kính mờ đi, mặt hằn vết khẩu trang nhưng vẫn phải chịu áp lực tứ phía…, khiến cô không khỏi xót xa, thương mến.

Lại nói về bác sĩ Nguyễn Thị Nguyệt, người mà cả lãnh đạo huyện Thuận Thành và chỉ huy của khu cách ly tại Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an Nhân dân, đều dành những lời khen ngợi cho nữ bác sĩ trẻ và đầy nhiệt huyết. Còn mọi người ở khu cách ly hay nhắc câu chuyện nữ nhân viên y tế tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 rồi bị kiệt sức, ngất xỉu. Thuận Thành đang là điểm dịch nóng nhất của Bắc Ninh. Khi đại dịch ập tới quê nhà, bác sĩ Nguyệt liền viết đơn tình nguyện xin được đi tuyến đầu chống dịch. Công việc của Nguyệt là bất kể ngày hay đêm, mỗi khi tiếp nhận người dân đến các khu cách ly tập trung là cô nhanh chóng có mặt để làm công tác truy vết và hỗ trợ nhóm sinh viên tình nguyện trong việc theo dõi sức khoẻ, chăm sóc các trường hợp F1.

“Khi mới vào khu cách ly tập trung, người dân đều hoang mang, lo lắng. Vì vậy, các nhân viên y tế vừa phối hợp với lực lượng công an, bộ đội đảm bảo về cơ sở vật chất, vừa động viên, trấn an tinh thần mọi người, tránh sự lây chéo giữa các phòng. Chúng tôi còn phải nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng trường hợp. Ví dụ các cháu nhỏ thì ăn cháo, sư thầy thì ăn chay, người có bệnh nền thì chế độ ăn uống thế nào cho phù hợp”, Nguyệt tâm sự. Là người mạnh mẽ nhất trong đoàn y tế tình nguyện ở điểm nóng này, thế nhưng lần nào nhắc về gia đình, nữ bác sĩ trẻ này cũng cắn chặt môi, dặn lòng không được khóc. Nhà Nguyệt ở ngay thị trấn Hồ, chỉ cách Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành mấy trăm mét thế mà đã mười mấy ngày ròng rã, Nguyệt chưa được về thăm bố mẹ. “Bố mẹ lo cho em lắm, cứ thấy tăng các ca bệnh là gọi điện hỏi trong đó có an toàn không. Lần nào em cũng phải trấn an hai cụ là “không có vấn đề gì đâu, chiến thắng dịch bệnh con về nhà, mang thêm cả người yêu”, Nguyệt an ủi bố mẹ. Chả là bác sĩ Nguyệt năm nay 33 tuổi nhưng chưa có người yêu nên ai cũng giục. Thấy Nguyệt luôn trong tình trạng làm việc quá tải, từ tinh mơ đến lúc đêm muộn nên cấp trên động viên: “Cố gắng nhé, sau đợt này về Trung tâm Y tế sẽ “cấp phát” cho một anh người yêu”.

“Cấp phát cho em một anh người yêu với nhé” - Anh 2

 Đi tập thể dục buổi sáng chứng kiến nhân viên y tế nằm vật bên đường vì mệt Ảnh: HỮU SƠN

Có tin được không?

Công việc của Nguyệt và đồng nghiệp phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm rất cao vì tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp F1, nhưng lại cần sự tỉ mỉ, chính xác cao. Thậm chí, Nguyệt phải về tận nơi xác minh, kê khai đầy đủ từng trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh. Có những lần đi qua lối vào nhà mà cô cũng không dám vào chào bố mẹ, bỗng dưng cảm thấy đường về nhà trở nên xa xôi quá. Còn rất nhiều những câu chuyện cảm động của các anh chị em bác sĩ, nhân viên y tế trong chiến dịch phòng, chống dịch Covid-19 ở làn sóng thứ 4 này. Đó là câu chuyện của một người dân ở Điện Biên đi tập thể dục vào sáng sớm. Ông chợt thấy một chiếc xe cứu thương đỗ bên đường, bên cạnh là hai người mặc đồ trắng toát nằm lăn trên vỉa hè .

“Tôi chợt nghĩ , hay là một vụ tai nạn? Lúc này mới 4h sáng, tôi mạnh dạn lay một người, cũng phải một lúc thì người ấy chợt tỉnh và ngồi dậy. Tôi hỏi: Các anh có làm sao không đấy? Người đó trả lời: Không ạ, chúng cháu mệt quá không thể đi tiếp được thôi ạ. Chúng cháu đang tham gia dập dịch ở Nậm Pồ, hiện tại là ổ dịch lớn của tỉnh Điện Biên”, người đàn ông chia sẻ. Khi được hỏi, có cần giúp đỡ gì không, nhưng anh nhân viên y tế cho biết, chỉ cần ngủ khoảng 15 phút thì các anh lại đi tiếp được thôi. “Nghĩ mà thương những chiến sĩ áo trắng phải làm việc hơn 100% sức lực. Tôi bỗng nhiên lại cảm thấy đã làm phiền giấc ngủ của các anh”, người đàn ông nói. Rồi xúc động hơn nữa là những chuyện được ghi lại đằng sau dây chắn cách ly của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, nơi đang điều trị cho hàng trăm bệnh nhân Covid-19. “Các bạn đã bao giờ nhìn thấy một bác sĩ vừa khóc vừa khám cho bệnh nhân chưa? Tôi của ngày hôm nay đấy”, chị Đặng Thanh mở đầu bài viết của mình trên trang facebook cá nhân.

Chị cho biết, buổi sáng nhận được tin mẹ của một đồng nghiệp tại Bệnh viện vừa qua đời đêm qua. Cả vợ chồng bác sĩ ấy đều đang tham gia chống dịch tại Bệnh viện và không thể về lo đám tang cho bà được. Nghĩ đến hai đứa trẻ được bố mẹ gửi bà ngoại trông để đi chống dịch, giờ bố mẹ vẫn chưa về, bà thì không còn nữa, các cháu sẽ bơ vơ thế nào? Lòng chị Thanh trĩu nặng… Sẽ còn rất nhiều những hy sinh, cống hiến của những chiến sĩ áo trắng nơi tâm dịch trên cả nước. Trận chiến của làn sóng thứ 4 này chắc chắn còn nhiều cam go, lâu dài và khốc liệt, rất cần ý thức, sự tuân thủ của người dân đồng lòng cùng lãnh đạo chính quyền, ngành y tế chung tay chống dịch. Nếu không chúng ta sẽ luôn phải đuổi theo dịch và sự hy sinh của các y bác sĩ , nhân viên dịch tễ sẽ càng trở nên vô nghĩa, không biết bao giờ mới trở về cuộc sống thường ngày.

 “Tôi chợt nghĩ , hay là một vụ tai nạn? Lúc này mới 4h sáng, tôi mạnh dạn lay một người, cũng phải một lúc thì người ấy chợt tỉnh và ngồi dậy. Tôi hỏi: Các anh có làm sao không đấy? Người đó trả lời: Không ạ, chúng cháu mệt quá không thể đi tiếp được thôi ạ. Chúng cháu đang tham gia dập dịch ở Nậm Pồ, hiện tại là ổ dịch lớn của tỉnh Điện Biên”, người đàn ông chia sẻ.

Khi được hỏi, có cần giúp đỡ gì không, nhưng anh nhân viên y tế cho biết chỉ cần ngủ khoảng 15 phút thì các anh lại đi tiếp được thôi.

 LÊ DUY

Ý kiến bạn đọc