Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Khi “rác trên trời” hại người dưới đất (Bài 2): Nhanh chóng có biện pháp cứng rắn loại trừ "rác trên trời"

Thứ Sáu 18/06/2021 | 11:23 GMT+7

VHO-  Sau bài “Không gian ảo, hệ lụy thật”, Văn Hóa tiếp tục ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia, luật sư, nhà quản lý về giải pháp loại trừ những “rác văn hóa” trên môi trường mạng. 

Các ý kiến đều nhận định về sự nguy hại đến phẩm cách, đạo đức, lối sống của người sử dụng mạng xã hội (MXH) khi họ bị lạc lối giữa “rừng” thông tin độc hại; đồng thời khẳng định sự cần thiết phải có những biện pháp cứng rắn, mạnh tay loại trừ những “rác văn hóa” này. 
“Những đơn vị, cá nhân bị vu oan sao cứ im lặng?" 

Gần đây xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng sử dụng MXH để livestream bôi nhọ, xúc phạm danh dự người khác; lợi dụng MXH để quảng cáo, đưa thông tin sai sự thật. Hiện tượng này ảnh hưởng lớn đến nhân phẩm, quyền lợi của tổ chức, cá nhân, gây hậu quả khôn lường đối với người sử dụng MXH. Nhiều vụ việc đã lên đến đỉnh điểm, không được các cơ quan chức năng xử lý kịp thời, gây bức xúc trong dư luận xã hội. 
Chưa bao giờ tình trạng quảng cáo trên MXH lại lộn xộn như lúc này, điều đáng lo ngại là nó tác động trực tiếp đến quyền lợi, sức khoẻ và tính mạng của người dân. Với những vi phạm như lời lẽ tục tĩu, vi phạm chuẩn mực chung của xã hội trên không gian mạng hoặc những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, Bộ TT&TT sẽ có trách nhiệm xử lý theo các chế tài của Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, đối tượng vi phạm có rất nhiều thủ đoạn để trốn tránh cơ quan chức năng. Nhất là khi đối tượng sử dụng tên miền quốc tế, đặt máy chủ tại nước ngoài. Họ che giấu danh tính nên việc tìm kiếm xác minh và xử lý đối tượng vi phạm trên môi trường mạng cũng gặp khó nếu không có sự hợp tác từ phía các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, các quốc gia nơi đối tượng thuê đặt máy chủ không hợp tác. 
Cái khó hiện nay còn là thông tin mà các nhân vật trên mạng đưa ra không có kiểm chứng và cũng không thấy những đơn vị, cá nhân bị nhắc tới lên tiếng, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc. Nói cách khác là họ đang im lặng. Điều khúc mắc ở chỗ là lằn ranh giữa sự thật và sai sự thật không được kiểm chứng, như trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng mà Văn Hoá đã phản ánh. Những thông tin bà Hằng phát ngôn sẽ được cơ quan chức năng phân định. Bộ VHTTDL cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ và UB Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đề nghị tăng cường quản lý trong hoạt động văn hoá nghệ thuật, tăng cường thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật. 

(Ông NGÔ HUY TOÀN, Trưởng Phòng Thanh tra Báo chí và Thông tin trên mạng - Bộ TT&TT) 

“Đến khi nào chúng ta mới có văn hoá tranh luận thực sự?” 

Từ những vụ livestream với những phát ngôn tục tĩu, câu hỏi đặt ra là đến khi nào chúng ta mới có văn hoá tranh luận thực sự? Chúng ta gặp không ít những trường hợp mà khởi điểm chỉ là tranh luận, nhưng mọi chuyện nhanh chóng đi theo chiều hướng tệ hại khi người trong cuộc dần đi vào mục tiêu tấn công cá nhân, hạ nhục nhau bằng những lời lẽ tục tĩu, coi thường. Sự kiện thu hút dư luận gần đây nhất là các buổi livestream của một nữ doanh nhân. Phải thừa nhận rằng từ nội dung các buổi livestream “bóc phốt” của nữ doanh nhân này, dư luận đã biết đến “mảng tối” của một số nghệ sĩ. Nhưng điều này không thể che lấp được sự thiếu văn hoá tranh luận trong các buổi livestream. Việc cãi vã, chửi bới qua lại của một số nghệ sĩ trong giới showbiz cũng khiến dư luận mệt mỏi, làm mất đi hình ảnh đẹp của nghệ sĩ trong mắt công chúng. 
Việc một ai đó thoá mạ người khác, đương nhiên cơ quan chức năng phải vào cuộc và xử lý nghiêm khắc, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhiều hoạt động trên MXH hiện nay đang tạo ra những mâu thuẫn; nói tục, chửi bới lẫn nhau ngày càng phổ biến. Đặc biệt là hiện tượng thách đố nhau tìm ra thông tin, tìm cách xâm nhập trái phép để đánh cắp dữ liệu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Những điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến an ninh xã hội mà còn trái với thuần phong mỹ tục. Để kéo dài hiện tượng không lành mạnh như thế này có phần lỗi ở các cơ quan chức năng đã không xử lý, răn đe kịp thời. 

(PGS. TS TRỊNH HOÀ BÌNH, Chuyên gia xã hội học) 

“Cần biện pháp cứng rắn để loại trừ những fanpage độc hại” 

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các lệnh hạn chế ra đường, tiếp xúc trực tiếp càng làm cho hoạt động livestream trở nên phổ biến. Tuy nhiên, việc thiếu hiểu biết dẫn đến lời nói, hành động không chuẩn mực, dẫn dắt dư luận bằng ngôn từ thô tục, không căn cứ có thể khiến người dùng phải chịu chế tài xử phạt nghiêm khắc, thậm chí chịu trách nhiệm hình sự. 
Để chấn chỉnh các hành vi trên, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều quy định như Luật An ninh mạng 2018; Nghị định 15/2020/NĐ-CP; Nghị định 167/2013/NĐ- CP... Cụ thể đối với hành vi viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, vu khống làm ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân, tổ chức, sẽ bị xử phạt từ 2-3 triệu đồng. Đối với các trang thông tin điện tử, nếu truyền, đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử phạt từ 20-30 triệu đồng. Đối với cá nhân cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng. Về trách nhiệm hình sự, tùy mức độ vi phạm có thể bị truy cứu về tội “Làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 hoặc tội “Vu khống” theo Điều 156. Theo đó, người nào sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; còn tội “Vu khống” với mức phạt lên tới 7 năm tù giam. 
Dù pháp luật quy định rất rõ từng trường hợp nhưng nhiều cá nhân chưa nhận thức hết, dẫn đến có hành vi và phát ngôn thiếu chuẩn mực, gây hệ luỵ xấu cho xã hội. Đã đến lúc, cùng với tuyên truyền, chúng ta phải có biện pháp cứng rắn để loại trừ những fanpage độc hại, đem lại môi trường trong sạch trên không gian mạng. 

(Luật sư TRỊNH TUYÊN, Công ty Luật PQLaw) 

“MXH không phải là kênh thông tin chính thức để tố cáo” 

Hành vi làm nhục, vu khống người khác trên MXH thông qua hình thức đăng bài viết hoặc livestream là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Tùy theo mức độ, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, nếu hành vi chưa đến mức cấu thành tội phạm thì bị xử lý hành chính theo Điểm a, Khoản 1 Điều 101 Nghịđịnh 15/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ10- 20 triệu đồng. Trường hợp tiết lộ thông tin bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác thì bị phạt từ 20-30 triệu đồng. Đối với hành vi bịa đặt, xuyên tạc, lăng mạ, vu khống, loan truyền thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể bị xử lý tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống khi có yêu cầu của người bị hại. Mức xử phạt có thể lên đến 5 năm tù giam đối với tội làm nhục và 7 năm tù giam đối với tội vu khống. 
Trong trường hợp nếu không có yêu cầu của người bị hại thì cơ quan chức năng có thể xử lý người có hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để bịa đặt, xuyên tạc, lăng mạ, loan truyền thông tin sai sự thật về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, với mức hình phạt lên đến 7 năm tù giam. 
Như vậy, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, người bị xúc phạm khi phát hiện có người sử dụng MXH để bịa đặt, loan truyền thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của mình, cần kịp thời thu thập chứng cứ (lập vi bằng, lưu giữ nội dung,…) và trình báo đến cơ quan Công an để điều tra xử lý theo pháp luật. Trường hợp người sử dụng MXH muốn lên tiếng, tố cáo về một vấn đề sai phạm của tổ chức, cá nhân mà không sử dụng các hành vi, từ ngữ, lời lẽ thô tục và có căn cứ xác đáng thì vẫn được, như thời gian qua nhiều trường hợp từ nguồn thông tin của MXH mà cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân, việc tố cáo thông qua MXH, livestream… là không nên, vì nếu tố cáo không có căn cứ thì người tố cáo có thể bị tố cáo ngược lại về hành vi vu khống hoặc làm nhục người khác. Bên cạnh đó, MXH không phải là kênh thông tin chính thức để người dân sử dụng làm nơi tố cáo mà cần phản ánh đến cơ quan chức năng để xem xét và xử lý theo trình tự pháp luật. 
Luật An ninh mạng đã quy định rõ các hành vi cấm sử dụng không gian mạng để thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên Chính phủ cần ban hành sớm các văn bản hướng dẫn chi tiết nhằm cụ thể hơn nữa các quy định trong việc sử dụng không gian mạng cho phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục, quy định của pháp luật, tránh trường hợp người dùng lợi dụng không gian mạng để xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp của người khác. 

(Luật sư NGUYỄN HỒNG LĨNH, Đoàn Luật sư TP.HCM) 

“Tin xấu, độc phát tán gây ra nhiều hệ lụy” 


Xu hướng hội nhập đã đặt ra cho chúng ta những bài toán hóc búa trong việc dung hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa xu hướng mới và giá trị cũ. Chính vì điều này phần nào dẫn đến khối lượng lớn thông tin đã trở thành “mặt trận”, các loại “rác văn hoá” tấn công ngày càng nhiều, nổi cộm chính là tin giả. Trong khi đó, một bộ phận người dân còn thiếu kinh nghiệm, thiếu tri thức và bản lĩnh nên dễ bị lợi dụng, tiêm nhiễm. Vàng thau lẫn lộn, dễ dãi trong tiếp nhận sản phẩm, thậm chí sai lệch về thẩm mỹ, nghệ thuật và cả trong chuẩn đạo đức cũng ngày càng rõ hơn. Việc vào cuộc còn chậm của các cơ quan chức năng đã khiến các tin xấu, độc càng có cơ hội phát tán, lây lan gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. 
Thời gian gần đây xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng các tính năng của MXH như livestream, chia sẻ hình ảnh, video clip, group chat... để đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… Nhưng đáng buồn là hoạt động này lại thường thu hút được lượt theo dõi khá đông. Vì vậy, để tạo “lá chắn” cho người dân, đặc biệt là giới trẻ thì việc vào cuộc của các c ơ quan chức năng phải kịp thời. Cần có dự báo và lường trước các tình huống để cảnh báo xã hội. Bên cạnh đó, hơn ai hết, người lớn cần phải nêu gương, có trách nhiệm hơn, có đời sống mẫu mực hơn; cần phát huy vai trò của môi trường văn hóa trong gia đình và xã hội, trường học cần tăng cường giáo dục kiến thức công dân về trách nhiệm, về đạo đức… 

(TSKH PHAN ĐÌNH TÂN, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương) 

 BẢO ANH - THÚY HIỀN - THÙY TRANG (ghi) 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top