Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Xin đừng lạm dụng!

Thứ Hai 05/07/2021 | 11:24 GMT+7

VHO- Ngày còn nhỏ, do bố tôi làm ở rạp chiếu bóng nên tôi thường xuyên được đi xem phim, ca nhạc, kịch, chèo... ở Nhà hát Bình Minh, ngay cạnh Rạp Tháng Tám (Nam Định). Và trong tôi khi đó, các diễn viên trên màn ảnh hay trên sân khấu đều vô cùng cao xa, dường như ở họ tỏa ra thứ ánh sáng “lấp lánh” diệu kỳ lắm... Và đã có lúc, tôi mơ được làm nghệ sĩ!

Một vài văn nghệ sĩ khi được tung hô thì dễ trở nên khó kiềm chế bản thân. Minh hoạ: Mai Minh Hồng

Khi lớn lên, được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người trong giới, tôi dần nhận thấy những “lấp lánh” kia cũng thật gần gũi, bình dị. Thì ra, nghệ sĩ họ rất đời với những cảm xúc “hỉ nộ ái ố”, cũng phải bươn chải với gánh nặng cơm áo gạo tiền. Nhưng họ mang một áp lực vô hình, bởi được coi là nghệ sĩ thì luôn phải đẹp, luôn phải “lấp lánh”

 Thứ “lấp lánh” không chỉ ở vẻ bề ngoài mà còn ở tài năng, đạo đức nghề nghiệp, nỗ lực sáng tạo không mệt mỏi và chừng mực trong ứng xử.

Rồi càng gần gũi, kết thân với nhiều anh chị em nghệ sĩ, càng hiểu họ, tôi càng trân quý và nể phục họ hơn. Khi lên sân khấu hay nhập vai diễn, trong quá trình sáng tác nghệ thuật, họ phải gạt bỏ tất thảy những cảm xúc cá nhân, tạm quên đi những trăn trở riêng để làm tròn vai diễn. Và phía sau ánh đèn sân khấu là biết bao lo toan, không ít gánh nặng nhọc nhằn, thường trực, cả những tâm tư, cô đơn, buồn tủi khó có thể sẻ chia... Những thứ ấy, họ sẽ cất giữ cho riêng mình. Đó thực sự là những người nghệ sĩ đích thực!

Thời gian gần đây, hai tiếng “nghệ sĩ” đã phổ biến hơn, tới mức nhiều lúc bị ngộ nhận, bị lạm dụng: Lên sân khấu hát được một vài bài thế là thành ca sĩ; tham gia vai diễn rất nhỏ cũng trở thành diễn viên; chơi gameshow truyền hình xong cũng được gọi là nghệ sĩ; cùng một nhóm ghi hình clip minh họa những câu hát với ngôn từ trần trụi, phản cảm, thậm chí thô tục có thể coi như thảm hoạ âm nhạc và phát tán trên mạng xã hội, cũng “mon men” với danh xưng “nghệ sĩ”...

Đến bây giờ, dù chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định rõ “nghệ sĩ” là ai, nhưng cứ theo cách hiểu rộng và phổ biến nhất, những người lao động, sáng tạo trong các lĩnh vực nghệ thuật đều có thể được gọi là nghệ sĩ. Nhưng chắc chắn trong lòng công chúng, số đông đều nhận biết rất rõ đâu là nghệ sĩ đích thực với những nỗ lực, cống hiến cho nghệ thuật, đâu là những điều na ná... mà nhiều người ảo tưởng.

Để có vị trí trong lòng khán giả, được công chúng ghi nhận là thử thách vô cùng gian nan mà chỉ những ai luôn cố gắng, nỗ lực lao động nghệ thuật thực sự mới đủ trải nghiệm, thấm thía và biết trân trọng. Cá nhân tôi chỉ mong rằng, thứ ánh sáng “lấp lánh” của người nghệ sĩ trong tiềm thức của tôi năm nào, sẽ mãi mãi được lan toả và không bao giờ bị mờ nhoè hay bôi xấu.

Xin hãy đừng lạm dụng danh xưng “nghệ sĩ”!

TRANG LÊ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top