Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Từ vụ Netflix liên tiếp chiếu phim vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam: Phải thể chế hóa quy định để quản lý

Thứ Tư 07/07/2021 | 11:22 GMT+7

VHO- Sau khi Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) yêu cầu gỡ bỏ bộ phim truyền hình dài 6 tập Pine Gap do có những hình ảnh vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam, cuối tháng 6.2021, Netflix đã buộc phải gỡ bỏ bộ phim này.

 Hình ảnh bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp trên Biển Đông đã xuất hiện tại phút 12 của tập 2 và phút 52 của tập 3 bộ phim truyền hình Pine Gap Ảnh minh họa

Dù vậy, việc Netflix trong 1 năm qua liên tiếp có tới ba lần bị phát hiện cung cấp phim, chương trình truyền hình có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam đã khiến dư luận vô cùng bức xúc và đặt ra câu hỏi: Không lẽ cứ mãi là... sự đã rồi?!

Khó kiểm soát phim trên không gian mạng

Thông tin từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) cho biết, Cục đã phát hiện các hình ảnh sai trái về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam xuất hiện trong bộ phim truyền hình Pine Gap cung cấp trên dịch vụ của Công ty Netflix tại Việt Nam. Cụ thể, hình ảnh bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp trên Biển Đông đã xuất hiện tại phút 12 của tập 2 và phút 52 của tập 3 của phim.

Việc để xuất hiện các thông tin sai lệch về chủ quyền biển đảo Việt Nam của Netflix đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Khoản 3, 4 Điều 9 Luật Báo chí quy định nghiêm cấm cung cấp những nội dung kích động chiến tranh, vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam; Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc… Khoản 4 Điều 11 Luật Điện ảnh cũng nghiêm cấm các nội dung xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc… Mặt khác, vi phạm của Netflix đã làm tổn thương tình cảm, gây phẫn nộ với toàn thể người dân Việt Nam. Trong vòng 12 tháng qua, đây là lần thứ 3 liên tiếp, Netflix bị phát hiện vi phạm lỗi tương tự. Vào tháng 7.2020, bộ phim Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta - Put Your Head On My Shoulder và tháng 8.2020, bộ phim Bà Ngoại trưởng - Madam Secretary đã xuất hiện hình ảnh bản đồ có hình đường lưỡi bò phi pháp trên Biển Đông. Ngay thời điểm đó, Cục PTTH&TTĐT đã có các văn bản yêu cầu Netflix gỡ bỏ các bộ phim vi phạm.

Trong những bộ phim có nội dung vi phạm trên nền tảng trực tuyến của Netflix được yêu cầu gỡ bỏ, vấn đề được nhận thấy là chỉ khi những sai phạm đó đã xảy ra và gây phản ứng từ công chúng, cơ quan chức năng mới có động thái xử lý. Việc hậu kiểm nội dung đối với Netflix và một số dịch vụ xem phim trực tuyến chỉ là bước đi sau của cơ quan chức năng khi “sự đã rồi”. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ, trong quá trình soạn thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), phổ biến phim trên không gian mạng là nội dung có nhiều ý kiến trái chiều. Hiện dự thảo Luật nghiêng về phương án “hậu kiểm” để đảm bảo tính khả thi, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có nhiều ý kiến đề nghị theo phương án “tiền kiểm”. Dù “tiền kiểm” hay “hậu kiểm” thì mục đích chính hướng đến vẫn là nhằm siết chặt quản lý nội dung phim trên không gian mạng, không để xảy ra sai phạm.

Câu chuyện xây dựng hành lang pháp lý để đặt các nền tảng trực tuyến nước ngoài vào khuôn khổ luật pháp Việt Nam đã được nhiều lần đưa ra. Dự Luật Điện ảnh (sửa đổi) cũng đã tính toán một số phương án như yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng tại Việt Nam; phổ biến trên không gian mạng tại Việt Nam phải được cấp phép phổ biến và phân loại phim của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc được biên tập bởi cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình… Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết, hiện nay việc quy định doanh nghiệp nước ngoài hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn. “Hiện một số doanh nghiệp phát hành phim trực tuyến vẫn đang phản đối việc này vì cho rằng không khả thi. Quản lý phim trực tuyến xuyên biên giới vì thế vẫn là vấn đề rất khó với Việt Nam và nhiều nước trên thế giới...”, ông Thành nói.

Cần có những chế tài nghiêm khắc

Tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện Luật Điện ảnh và góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) diễn ra hồi tháng tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Hà Yên, Phó cục trưởng Cục PTTH&TTĐT nêu, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền dẫn Internet băng rộng, các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới của các doanh nghiệp nước ngoài đang xâm nhập vào thị trường trong nước, đưa các nội dung không biên tập đến người xem trong nước, có thu tiền qua tài khoản ngân hàng.

Nhiều dịch vụ điển hình đang được cơ quan quản lý quan tâm theo dõi như: WeTV, IQIYI, Netflix, Apple TV, Disney Plus... Hiện nay, để tiếp tục thâm nhập thị trường trong nước, các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới tích cực mua bản quyền và cung cấp trên kho nội dung một số phim điện ảnh, truyền hình của các nhà sản xuất Việt Nam như Hai Phượng, Gái già lắm chiêu, Em chưa 18, Tháng năm rực rỡ, Bố già... Tuy nhiên, về nguy cơ rủi ro đối với nội dung không biên tập theo quy định Việt Nam là rất lớn và có thể tác động lâu dài đến nhận thức của người dân cả nước. Điển hình là một số phim trên dịch vụ Netflix có các nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; vi phạm về văn hóa là khá phổ biến do quan điểm, lối sống phương Tây khác biệt với văn hóa Á đông; cá biệt có những phim làm sai lệch lịch sử đấu tranh cách mạng bảo vệ Tổ quốc... “Với quy định hiện hành, các Bộ, ngành liên quan đang nỗ lực ngăn chặn các nội dung không phù hợp, giảm tối thiểu tác động tiêu cực đến người dân. Ví dụ như những nội dung xuyên tạc chủ quyền và làm sai lệch lịch sử, Bộ TT&TT đã yêu cầu Netflix gỡ bỏ để khắc phục. Bên cạnh đó, Bộ cũng triển khai các biện pháp kỹ thuật sẵn sàng ngăn chặn khi doanh nghiệp không hợp tác...”, ông Nguyễn Hà Yên chia sẻ.

Đại diện Cục PTTH&TTĐT cũng cho biết, để thể chế hóa các quy định quản lý dịch vụ truyền hình xuyên biên giới nhằm ngăn chặn có hiệu quả mọi loại nội dung xấu, kể cả những nội dung gây ảnh hưởng về văn hóa, thuần phong mỹ tục do khác biệt về quan niệm, nhận thức của doanh nghiệp nước ngoài, từ năm 2018, Bộ TT&TT đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP để bổ sung các quy định phù hợp xu thế công nghệ và dịch vụ hiện nay. Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, Bộ TT&TT cũng đã có nhiều ý kiến tham gia vào các quy định quản lý, phát hành, phổ biến phim trên mạng Internet để tạo thuận lợi cho công tác quản lý các dịch vụ nội dung xuyên biên giới trong giai đoạn tiếp theo.

Quay trở lại những vụ việc cụ thể liên quan đến phổ biến phim trên không gian mạng, trước đây, các bộ phim thường chỉ được khai thác trên Internet sau khi đã được phát hành tại các rạp chiếu. Nhưng trong thời đại công nghệ phát triển hiện nay, phát hành phim trên nền tảng số đang là xu thế chung của thế giới. Đại dịch Covid-19 càng cho thấy, việc phát hành phim trên Internet chiếm một tỉ lệ lớn, mang về doanh thu khủng cho các doanh nghiệp kinh doanh điện ảnh. Tương đồng với bối cảnh phát hành phim trên mạng trở thành xu thế nổi bật của ngành điện ảnh là sự đau đầu của các nhà quản lý và xây dựng chính sách. Quy định về phổ biến phim trên không gian mạng đến thời điểm này đối với Việt Nam vẫn là một bài toán khó. Ở vụ việc gần nhất, phải nói thêm rằng, việc gỡ bỏ sêri phim Pine Gap chỉ mới thực hiện trên nền tảng Netflix tại Việt Nam nhưng vẫn có mặt trên nền tảng của công ty này tại các nơi khác trên toàn cầu. Trong khi mọi giải pháp vẫn đang được bàn bạc, cân nhắc, tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện thì những bộ phim vi phạm vẫn chỉ bị xử lý ở mức độ yêu cầu tháo gỡ. Thiết nghĩ, để không còn lâm vào tình cảnh “sự đã rồi” như trong thời gian qua, cần phải có những chế tài mạnh mẽ, nghiêm khắc để thực sự siết chặt việc quản lý các nền tảng xuyên biên giới. 

Với quy định hiện hành, các Bộ, ngành liên quan đang nỗ lực ngăn chặn các nội dung không phù hợp, giảm tối thiểu tác động tiêu cực đến người dân. Ví dụ như những nội dung xuyên tạc chủ quyền và làm sai lệch lịch sử, Bộ TT&TT đã yêu cầu Netflix gỡ bỏ để khắc phục. Bên cạnh đó, Bộ cũng triển khai các biện pháp kỹ thuật sẵn sàng ngăn chặn khi doanh nghiệp không hợp tác...

(Ông NGUYỄN HÀ YÊN, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT)

 

  ... Theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, việc cung cấp dịch vụ truyền hình có thu tiền thuê bao định kỳ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp phải có Giấy phép trước khi cung cấp dịch vụ. Nội dung trên dịch vụ phải tuân thủ các yêu cầu về biên tập nội dung trước khi cung cấp đến người dùng/ thuê bao theo quy định pháp luật về báo chí, điện ảnh.

...Cục PTTH & TTĐT yêu cầu Công ty Netflix chấm dứt hoạt động chuyển ngữ tiếng Việt, gỡ bỏ các nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam trên kho nội dung đang cung cấp đến người dùng Việt Nam. Trường hợp có nhu cầu tham gia thị trường dịch vụ truyền hình tại Việt Nam một cách hợp pháp, doanh nghiệp cần thực hiện các thủ tục đề nghị cấp Giấy phép theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

(Văn bản số 1330/PTTH & TTĐT của Cục PTTH & TTĐT, Bộ TT&TT)

PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top