Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Cover nhạc: Hồn nhiên với bản quyền

Thứ Tư 07/07/2021 | 11:25 GMT+7

VHO- Trong thời đại công nghệ và truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ, lan tỏa tới mọi “ngóc ngách” của đời sống, thì cover (làm lại ca khúc theo một phiên bản mới) là hướng đi được nhiều bạn trẻ lựa chọn để kiếm tiền cũng như thỏa mãn đam mê ca hát.

 Văn Mai Hương, Hương Ly, Hoa Vinh là những cái tên gây ồn ào trong “làng cover”

 Tuy nhiên, đặc tính của cover là “giết dần” sự sáng tạo - điều tạo nên tên tuổi của một nghệ sĩ, vì thế hát cover là con đường khá mông lung, thậm chí dù có là “thánh cover” cũng khó có thể tìm thấy đích đến của nghệ thuật thực thụ.

Sớm nở tối tàn

Trong lĩnh vực ca nhạc, nhiều người cùng biểu diễn một bài hát là điều không có gì lạ. Những ca khúc được cover lại thường là những bản hit nổi tiếng, được nhiều người yêu thích. Người đi sau có thể hát theo cách riêng của mình hoặc có những phá cách, sáng tạo mới. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hay một dàn âm thanh có loa mic hỗ trợ và phần mềm xử lý âm thanh là đã dễ dàng sở hữu một bản cover. Việc hát lại sẽ không có gì đáng nói nếu như người đi sau nhận được sự đồng ý của tác giả hay người đang sở hữu bản quyền, cũng như có ý thức sáng tạo, thổi được làn gió mới, hơi thở mới vào ca khúc cũ. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra hiện nay thì việc cover ca khúc nhiều khi nằm ngoài những điều tích cực ấy.

Có thể kể tên không ít hiện tượng mạng nổi tiếng nhờ các ca khúc cover như Jang Mi với bài Duyên phận, sau đó cô nàng chính thức đi hát như một ca sĩ; Tài Smile chuyên cover các ca khúc theo hướng bolero; hay những hiện tượng mạng như Hoa Vinh, Hương Ly… Ở Việt Nam, hầu như bản hit nào mới ra mắt cũng sẽ có ngay những bản cover xuất hiện. Không chỉ những giọng hát trẻ cần sự chú ý của cộng đồng mạng mà ngay cả các ca sĩ có tên tuổi cũng sử dụng cover như một công cụ để khẳng định tài năng và lan tỏa sản phẩm âm nhạc của mình. Phải khẳng định, cover trong âm nhạc không phải điều xấu và thậm chí còn có cái lợi trong việc giúp bài hát thêm lan tỏa rộng rãi hơn. Đó là lý do mà nhiều ca sĩ đã tổ chức cuộc thi cover các sản phẩm của mình sau khi bài hát ra mắt công chúng. Tuy nhiên, cover không có nghĩa là thoải mái muốn làm gì thì làm, kể cả không nhằm mục đích thương mại, mà nó phải nằm trong khuôn khổ.

Hương Ly là cái tên được nhắc đến liên tục thời gian gần đây qua những bản cover. Cô hoạt động trên mạng được vài năm và hễ ca sĩ nổi tiếng nào ra mắt sản phẩm là cô lập tức hát lại. Nhiều video có lượt xem ngang ngửa, thậm chí vượt cả bản gốc. Tuy nhiên, việc cover vừa mang lại danh tiếng lại cũng khiến cô bị “ném đá” là “cướp” sản phẩm của người khác. Tiếp sau đó là những tranh cãi về giọng hát không chỉ chênh, phô mà còn yếu và run khi luyến láy, lên cao tại những buổi hát live của cô nàng. Đặc biệt, những sản phẩm độc lập của Hương Ly không gây được tiếng vang như những bản cover “làm mưa làm gió” thời gian trước.

Việc cover ca khúc hit có thể giúp các ca sĩ trẻ sớm được khán giả biết tới. Tuy nhiên, có thể thấy cho đến nay, chưa ai trở thành nghệ sĩ đúng nghĩa chỉ bằng việc hát lại nếu không muốn nói còn bị dư luận gán cho mác “kiếm tiền trên chất xám của người khác”.

Con dao hai lưỡi

Việc lạm dụng cover đã tạo nên không ít hệ lụy trong đời sống âm nhạc. Đầu tiên là khiến cho sản phẩm nghệ thuật trở nên nhàm chán, một màu, thiếu đi sự sáng tạo cần thiết. Đó là trường hợp của bài hát Duyên phận. Giờ đây, rất nhiều người nghe đã bày tỏ sự ngán ngẩm khi đi đâu cũng “phải nghe” bài hát này, với tất cả các bản cover của nó, từ Jang Mi đến Hiền Thục, Mỹ Tâm, Quang Lê, Hoài Lâm, Trung Quân, Phương Mỹ Chi… kể cả bản cover do “sao nhí” Hồ Văn Cường và Hòa Minzy mang lên sân khấu truyền hình trực tuyến.

Và trào lưu này nở rộ cũng bộc lộ một thực tế là có quá nhiều người, kể cả những nghệ sĩ hoạt động trong nghề lâu năm, hết sức “hồn nhiên” với luật về bản quyền. Điển hình như ca khúc Hoa nở không màu, Buồn làm chi em ơi do ca sĩ Hoài Lâm hát, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường sáng tác ra mắt từ tháng 6 đến nay đã có hàng loạt bản cover, tuy nhiên, càng nhiều người cover, vấn đề bản quyền ca khúc càng được đặt ra khi đa số đều… “quên xin phép” nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường, chủ sở hữu ca khúc. Nam nhạc sĩ phải liên tục đăng đàn công khai trên Facebook cá nhân để bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình. Hay “hiện tượng livestream” Hoa Vinh từng căng thẳng với Châu Khải Phong sau khi cover ca khúc Ngắm hoa lệ rơi và đăng tải trên các trang nhạc trực tuyến khiến Châu Khải Phong bất bình và đòi kiện Hoa Vinh về bản quyền. Cũng chính Hoa Vinh đã từng khiến ca sĩ Tuấn Hưng bức xúc “dằn mặt” vì không những cover ca khúc Độc thoại không xin phép mà còn chế lời tục tĩu.

Mới đây nhất, ca sĩ Văn Mai Hương nhận hàng loạt chỉ trích từ cộng đồng người hâm mộ ca sĩ Lady Gaga về việc cover ca khúc Always remember us this way trong các chương trình biểu diễn mang tính chất thương mại. Cụ thể, đầu tháng 6, Fanclub của Lady Gaga tại Việt Nam gửi thư khiếu nại lên Universal Music Group (trụ sở tại Hoa Kỳ) xoay quanh nghi vấn Văn Mai Hương sử dụng ca khúc trên chưa xin phép. Họ chỉ trích cô “lạm dụng” sức hút của ca khúc, không tôn trọng bản gốc khi có lần không để tên Lady Gaga trong clip cover. Đây cũng không phải lần đầu Văn Mai Hương vướng lùm xùm, cô từng bị “tố” cover I will go to you like the first snow (ca khúc trong phim Hàn Quốc Goblin) tại nhiều show thương mại, hay đăng lên kênh YouTube cá nhân và “quên” ghi tên ca sĩ sở hữu bản quyền; hay giữa năm 2020, cô cũng chịu không ít ý kiến trái chiều khi cover Hoa nở không màu mà chưa xin phép.

Từ vụ việc mới nhất của Văn Mai Hương càng thấy rõ, việc cover một ca khúc ẩn chứa nhiều rủi ro và chịu đánh giá khắt khe từ phía công chúng, kể cả người hát không hề thiếu năng lực cũng như cá tính âm nhạc. Việc cover ca khúc một cách hồn nhiên của các ca sĩ trẻ đã cho thấy sự thiếu và yếu về ý thức cũng như kiến thức luật pháp. Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ nêu rõ: Tác phẩm âm nhạc là một trong những loại hình được bảo hộ quyền tác giả. Và để có được chỗ đứng vững chắc và bền lâu trong lòng công chúng, sự sáng tạo thực thụ của riêng nghệ sĩ, thông qua những sản phẩm âm nhạc của cá nhân mình mới là hướng đi đúng đắn. 

 HỒNG HẠNH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top