Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Thể thao dù lượn tại Kon Tum: Tiềm năng phát triển du lịch

Thứ Sáu 09/07/2021 | 10:15 GMT+7

VHO- Qua nhiều lần tiến hành khai phá, bay thử, “làng” dù lượn đã khám phá tại huyện Sa Thầy (Kon Tum) có những địa điểm rất đẹp để trải nghiệm môn thể thao mạo hiểm này, qua đó, đã gợi mở nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.

 Địa hình đồi núi cao, bao quát cả vùng thung lũng rộng lớn của Sa Thầy (Kon Tum) là địa điểm lý tưởng để bay dù lượn

 Du nhập vào Việt Nam khoảng từ năm 1995, hiện trên cả nước có khoảng 10 CLB dù lượn với khoảng hơn 300 thành viên và hơn 20 điểm bay đã được cấp phép. Tỉnh Kon Tum với nhiều khu vực rộng lớn có địa hình đồi núi cao, khí hậu thời tiết ôn hòa, là nơi lý tưởng để các CLB dù lượn thỏa sức đam mê chinh phục.

Anh Dương Hiển Hoàng, Chủ nhiệm CLB dù lượn Đà Nẵng cho biết, từ năm 2018 đến nay, anh và các thành viên trong CLB đã khảo sát nhiều vị trí tại tỉnh Kon Tum như: Đồi Chư Hreng (TP Kon Tum), Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông) và các điểm cao 995-Chư Tan Kra, 1015-Sạc Ly, 1049-Delta (huyện Sa Thầy). “Trong số những địa điểm khảo sát thì huyện Sa Thầy là nơi thích hợp nhất, gắn với 3 điểm cao lịch sử đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh là Chư Tan Kra, Sạc Ly và Delta. Được sự cho phép của Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng, nhiều CLB dù lượn trên cả nước đã tổ chức hàng trăm lượt bay tại các địa điểm này”, anh Hoàng chia sẻ.

Sa Thầy có dãy núi Chư Tan Kra chạy dài, đồi núi nhiều tầng đón được hướng gió; độ cao phù hợp để chơi dù lượn không động cơ và diều cánh tam giác. Vùng bay bên dưới phẳng và trống trải, không bị ảnh hưởng bởi đường dây điện cao thế; không ảnh hưởng đến đường hàng không dân sự; có nhiều điểm cất và hạ cánh lý tưởng. Chư Tan Kra và đồi Sạc Ly đều là những điểm bay đẹp và đặc biệt đây còn là những địa danh mang tính lịch sử. Ngoài ra, thời tiết Sa Thầy thuận lợi để chơi dù lượn, kéo dài từ tháng 10 đến tháng 7 năm sau. Có địa hình phù hợp với nhiều luồng khí nóng bốc lên từ 11 giờ đến 15 giờ hằng ngày nên rất thích hợp để có chuyến bay XC (dài và lâu) dành cho các phi công chuyên nghiệp; có các đồi thấp dành cho công tác huấn luyện và tập bay. Đặc biệt, Sa Thầy cách trung tâm TP Kon Tum hơn 30km, cách cửa khẩu quốc tế Bờ Y hơn 50km, giao thông thông suốt và được trải nhựa, cho phép dễ dàng di chuyển từ các địa phương lên địa điểm bay.

Trao đổi với phóng viên Văn Hóa, ông Trương Anh Tài, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thông huyện Sa Thầy cho biết: Hằng năm, cứ đến mùa nắng tầm tháng 11 đến tháng 5 có rất nhiều đoàn ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng lên tổ chức bay. Mỗi đoàn lên khoảng 7, 8 người và họ bay cả tuần rồi mới về. “Bản thân tôi đã trực tiếp trải nghiệm bay 30 phút có phi công kèm phía sau, cảm giác rất phiêu bồng. Khi bay trên cao có thể nhìn toàn diện cảnh quan, cảnh sắc vùng đất Sa Thầy trải dài dưới tầm mắt của mình, cảm giác thật tuyệt vời”, ông Tài chia sẻ.

Định hướng của huyện Sa Thầy trong thời gian đến sẽ kết hợp việc tổ chức môn thể thao dù lượn gắn với việc phát triển các tour du lịch sinh thái (Vườn Quốc gia Chư Mom Ray), du lịch tâm linh liên quan đến các di tích lịch sử cấp tỉnh đã được xếp hạng (di tích Chư Tan Kra, Sạc Ly, Delta). Trong đó, chú trọng việc bảo tồn bản sắc đồng bào dân tộc thiểu số. Theo ông Đỗ Văn Minh, Trưởng phòng quản lý du lịch, Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum, đối với việc phát triển môn thể thao dù lượn, Sở VHTTDL đã xin ý kiến UBND tỉnh và được đồng ý. Hiện Sở đang tiến hành xây dựng đề án phát triển môn dù lượn gắn với phát triển du lịch. “Sau khi đề án được phê duyệt sẽ đăng cai tổ chức các giải bay dù lượn quốc gia, xa hơn sẽ đăng ký các giải quốc tế. Đồng thời, gắn môn thể thao dù lượn với các loại hình du lịch khác như du lịch cộng đồng, sinh thái, tâm linh. Bởi vì, đối tượng bay cũng là khách du lịch. Chúng ta có thể kết hợp giới thiệu, quảng bá các loại hình du lịch, trải nghiệm các dịch vụ ở địa phương”, ông Minh thông tin.

 NGỌC HÒA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top