Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Du lịch châu Âu chưa thể nhộn nhịp trở lại

Thứ Sáu 16/07/2021 | 11:06 GMT+7

VHO- Mặc dù nhiều quốc gia châu Âu đã thực hiện mở cửa đón khách quốc tế, thế nhưng lượng khách du lịch trở lại “lục địa già” còn khá khiêm tốn. Trước những nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn do các biến thể mới, du khách vẫn hết sức thận trọng với những kế hoạch du lịch nước ngoài.

 Du khách quốc tế trở lại châu Âu còn khiêm tốn Ảnh: AFP

 Trong nỗ lực hồi sinh ngành công nghiệp không khói, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã tìm kiếm nhiều giải pháp tích cực để thu hút khách. Điển hình là việc EU chính thức áp dụng Chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19 từ ngày 1.7, để khôi phục quyền tự do đi lại giữa các quốc gia trong khối và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động lữ hành quốc tế kết nối trở lại. Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, chứng nhận này là một bước tiến lớn hướng tới sự phục hồi của ngành du lịch của khối, giúp các nước EU kịp thời đón luồng khách vào mùa hè . Đồng thời, với động thái thận trọng mở cửa đón mùa cao điểm du lịch, nhiều quốc gia EU kỳ vọng sẽ cải thiện doanh thu từ hoạt động lữ hành quốc tế. Trong đó, Italia dự kiến sẽ thu hút thêm khoảng 32% khách nước ngoài so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, số lượng khách quốc tế trở lại du lịch châu Âu còn rất khiêm tốn. Kết quả khảo sát của văn phòng du lịch Paris (Pháp) cho thấy, lượng du khách nước ngoài giảm tới 60%, trong đó, số du khách Mỹ đến Paris giảm tới 85% so với mức hồi tháng 6.2019. Chính số lượng khách du lịch ít ỏi đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, cũng như việc làm của người lao động. Theo Denis Farias, quản lý một cửa hàng bán đồ lưu niệm gần tháp Eiffel, hiện nay Paris thực sự không có nhiều khách du lịch. Nếu như cách đây 2 năm, cửa hàng có 5 nhân viên bán hàng, thì hiện nay chỉ còn một mình Farias.

Giới chuyên gia cho rằng, việc lựa chọn cách thức riêng để mở cửa biên giới của các quốc gia EU đã tạo ra những giới hạn nhất định trong thu hút nguồn khách quốc tế. Tại Pháp, khi du khách đã tiêm chủng 1 trong 4 loại vắcxin ngừa Covid-19 được EU chấp thuận gồm Pfizer, AstraZeneca, Moderna hoặc Johnson & Johnson sẽ được nhập cảnh vào nước này. Điều đó tạo thuận lợi cho người Mỹ dễ dàng tới Pháp trải nghiệm, nhưng lại là “cửa hẹp” với những du khách đến từ Nga hay Trung Quốc, bởi những nước này sử dụng vắcxin nội địa là chính. Thêm nữa, Pháp cũng “từ chối” các khách du lịch đến từ 16 quốc gia đang có dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhất là các nước đang có các biến thể nguy hiểm thuộc “danh sách đỏ”.

Trong khi đó, Italia yêu cầu du khách đến từ Mỹ, nhóm khách du lịch nước ngoài lớn thứ hai ở Italia, phải tự cách ly trong 10 ngày, trừ trường hợp họ đến trên “chuyến bay được kiểm tra Covid-19”. Điều này khiến nhiều du khách không thực sự thoải mái và có sự cân nhắc trước khi tới Italia. Còn tại Hy Lạp, quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch đã bắt đầu mở cửa cho du khách từ giữa tháng 5, với quy định tất cả du khách phải cung cấp giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm PCR âm tính và điền vào mẫu thông báo địa điểm mà họ tới trong thời gian ở Hy Lạp... Chính những khác biệt trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh ở mỗi nước, cũng phần nào làm ảnh hưởng đến tâm lý của du khách khi tới EU.

Ngoài ra, sự xuất hiện và lây lan mạnh của biến thể Delta cũng khiến mùa du lịch hè tại châu Âu bớt sôi động. Trước thực trạng bùng phát số ca mắc mới, nhiều quốc gia đã phải quay lại với các quy định giãn cách, giới nghiêm để kiểm soát dịch bệnh. Thậm chí, ngay nội bộ một số nước EU cũng giới hạn qua lại, nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh xâm nhập. Từ cuối tháng 6, khi số ca mắc mới Covid-19 tại Bồ Đào Nha tăng đột biến, Đức đã đưa nước này vào danh sách “khu vực lây lan biến thể của virus” và cấm du khách từ Bồ Đào Nha tới.

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu, các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch Covid-19 khiến hoạt động du lịch tại EU giảm 52% trong năm 2020. Trong đó, mức giảm tại các quốc gia mà du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn như Hy Lạp, Cyprus và Malta còn lên tới 70%. Bởi thế, việc sớm khôi phục các hoạt động lữ hành du lịch được xem là chìa khóa quan trọng để vực dậy nền kinh tế của nhiều nước EU. 

 HẢI MINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top