Siết chặt quy trình phòng dịch trong khâu chấm thi

VHO- Công tác chấm thi tốt nghiệp THPT 2021 đang được các địa phương tập trung đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ. Theo Sở GD&ĐT các tỉnh, thành, đây là kỳ chấm thi đặc biệt, bên cạnh việc đảm bảo sự công bằng cho thí sinh còn chú trọng đến an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Siết chặt quy trình phòng dịch trong khâu chấm thi - Anh 1

 Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2021 tại TP.HCM

 Nhiều địa phương đã bố trí nơi ăn, nghỉ tại chỗ cho cán bộ chấm thi, thực hiện lệch ca và giảm số lượng cán bộ chấm thi ở mỗi phòng…

An toàn là trên hết

Tại TP.HCM, hơn 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên chấm thi tốt nghiệp THPT được xét nghiệm Covid-19 trước và trong quá trình tham gia chấm thi. Mỗi phòng không quá 10 người, chấm thi theo phương án lệch ca (mỗi ca lệch nhau 30 phút); quá trình trao đổi, thống nhất đáp án cũng được triển khai theo từng phòng, đảm bảo quy định giãn cách... Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, việc chấm thi tại TP.HCM sẽ được triển khai nghiêm túc, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 để đảm bảo an toàn cho giáo viên vừa thực hiện theo đúng tiến độ chấm thi của Bộ GD&ĐT.

Riêng đối với bộ môn Ngữ văn (môn thi tự luận duy nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay), khung đáp án chấm của TP sẽ bám sát đáp án của Bộ GD&ĐT. Theo quy định, mỗi bài làm của thí sinh sẽ được chấm qua 2 vòng. Nếu bài làm của thí sinh có điểm lệch giữa 2 giám khảo dưới 0,75 điểm thì 2 giám khảo sẽ thảo luận lại để thống nhất điểm số. Trường hợp điểm lệch từ 1-1,25 điểm, bài thi sẽ được ghi biên bản báo cáo để điều chỉnh. Lệch từ 1,5 điểm trở lên bài thi sẽ được chấm lại lần 3. Cùng với Ngữ văn, các tổ chấm 8 môn trắc nghiệm (Toán, Ngoại ngữ, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) làm việc song song. Bài thi trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm của Bộ GD&ĐT. Quá trình chấm thi tốt nghiệp THPT được cơ quan Công an và thanh tra giám sát nghiêm ngặt.

Đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 trên địa bàn TP.HCM, môn Ngữ văn có gần 83.000 thí sinh dự thi, chiếm tỷ lệ trên 94% so với số thí sinh đăng ký. Ở các môn còn lại, tỷ lệ thí sinh dự thi dao động từ 94-98%. Công tác chấm thi dự kiến kéo dài đến hết ngày 25.7. Trong cuộc họp giao ban với TP.HCM ngày 11.7 về công tác phòng, chống dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu việc chấm thi ở TP không được chạy theo tiến độ, không áp lực về thời gian mà phải đặt tiêu chí “an toàn là trên hết”. Ông lưu ý, TP.HCM cần tăng cường lực lượng giám sát, bảo đảm an toàn dịch tễ và các khâu liên quan đến trao nhận bài thi.

Tăng ca để đảm bảo tiến độ

Tương tự TP.HCM, Đồng Tháp là địa phương có số lượng ca mắc Covid-19 cao trong khu vực, theo ông Trương Thanh Bình, Trưởng phòng Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Đồng Tháp), Sở bố trí 160 người trực tiếp tham gia công tác chấm chi. Tất cả cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ đều được xét nghiệm Covid-19. Đồng Tháp cũng đã bố trí nơi ăn, nghỉ riêng biệt, gần khu vực chấm thi để tạo thuận tiện cho giám khảo, đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Công tác chấm thi bắt đầu từ ngày 11.7 và dự kiến hoàn tất vào 23.7.

Còn tại Tiền Giang, ông Lê Ngọc Linh, Trưởng phòng Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cũng cho hay, tỉnh đã bố trí nơi ăn, nghỉ cho cán bộ, giáo viên làm công tác chấm thi tại chỗ. Hội đồng chấm thi đặt tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP Mỹ Tho. Mỗi phòng thi bố trí từ 10-11 người, thực hiện 5K theo quy định của Bộ Y tế. “So với dự kiến ban đầu, số cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi đã giảm gần 20 người do ảnh hưởng Covid-19 (khu vực bị phong tỏa, cách ly). Tuy nhiên, do quá cận ngày chấm nên không kịp bố trí người thay thế, vì thế chỉ còn 110 giám khảo. Với số lượng bài thi tự luận năm nay là trên 16.000 bài, hội đồng phải bố trí tăng thêm ca vào ban đêm mới có thể đảm bảo đúng tiến độ”, ông Linh nói.

Theo Bộ GD&ĐT, nhằm tránh tình trạng can thiệp tiêu cực trong quá trình chấm thi, với phần mềm chấm thi trắc nghiệm, các thao tác chỉ làm được một lần, không lùi để làm lại được. Trường hợp đặc biệt cần thiết phải lùi quy trình, hội đồng chấm thi phải có văn bản gửi về Bộ GD&ĐT và được Bộ cấp mật khẩu mới có thể làm lại. Theo lịch của Bộ GD&ĐT, hội đồng chấm thi các tỉnh, thành phải hoàn thành công tác chấm thi chậm nhất vào ngày 24.7; ngày 26.7 sẽ công bố kết quả chấm thi. Tuy nhiên, do TP.HCM đang có diễn biến dịch bệnh phức tạp được Bộ cho phép lùi tiến độ chấm thi. Những nơi khác sẽ tùy theo tình hình thực tế để triển khai đảm bảo chất lượng và an toàn. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc