Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Phổ biến phim trên kênh Youtube: Không để phim lãng phí “trong kho”

Thứ Năm 29/07/2021 | 12:55 GMT+7

VHO- Liên quan đến nội dung phổ biến phim trên kênh Youtube do Viện Phim Việt Nam đang tiến hành thử nghiệm trong những ngày qua, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ phối hợp rà soát những nội dung đăng tải, phổ biến phim nhằm tiến tới việc đẩy mạnh tuyên truyền, khai thác, phổ biến những tác phẩm điện ảnh Nhà nước đặt hàng đến đông đảo công chúng trên các kênh thông tin, nền tảng trực tuyến.

Phim Nhà tiên tri, đạo diễn Vương Đức

Lãnh đạo Bộ lưu ý việc phổ biến phim phải được thực hiện đúng luật, khai thác có hiệu quả, tránh để “nằm kho”, lãng phí những bộ phim giàu giá trị nhân văn, có ý nghĩa giáo dục tuyên truyền về lịch sử, truyền thống dân tộc.
Mong muốn đưa phim trong kho đến với người xem
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện phim Việt Nam chia sẻ, mong muốn của Viện phim là đẩy mạnh việc khai thác kho phim, đưa những tác phẩm điện ảnh Việt Nam đến với đông đảo công chúng. “Chúng tôi thử nghiệm đưa 10 phim Nhà nước đặt hàng đăng tải trên Youtube. Lượng tương tác và đón nhận của khán giả rất tốt. Viện phim Việt Nam là nơi lưu giữ hàng ngàn bản phim có giá trị của điện ảnh dân tộc qua các thời kỳ. Nếu chỉ để các phim “nằm kho” sẽ không phát huy được hiệu quả. Hơn nữa, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, việc thành lập một kênh phổ biến phim về đề tài cách mạng một cách rộng rãi và đầy đủ nhất, qua đó tuyên truyền giáo dục về truyền thống cách mạng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân… chính là lý do thôi thúc chúng tôi thực hiện công việc này”, ông Nguyễn Huy Hoàng  cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Viện Phim Việt Nam, việc triển khai lập kênh Youtube được Viện tiến hành căn cứ trên cơ sở những quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ sở lưu trữ phim tại Luật Điện ảnh hiện hành; quy định về chức năng,nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Phim Việt Nam; Quyết định số 4693/QĐ-BVHTTDL ngày 31.12.2013 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về phê duyệt Đề án khai thác, sử dụng phim tư liệu thuộc sở hữu Nhà nước đang lưu trữ tại Viện phim Việt Nam.

Phim Nhìn ra biển cả, đạo diễn NSƯT Vũ Châu, bộ phim nói về quãng đời tuổi trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

“Lập kênh Youtube để phổ biến phim là hình thức phổ biến phim ưu việt trong thời đại công nghệ 4.0, đã được các Viện phim trên thế giới thực hiện rất hiệu quả. Thông qua các tác phẩm điện ảnh, kênh Youtube Viện Phim Việt Nam không chỉ là phương tiện tuyên truyền, giáo dục hiệu quả mà còn là kênh để giới thiệu, quảng bá điện ảnh Việt Nam tới kiều bào ta và bạn bè quốc tế, góp phần quảng bá văn hóa, tiềm năng du lịch, hình ảnh đất nước con người Việt Nam ra thế giới…”, theo ông Nguyễn Huy Hoàng.
Theo Quyết định số 4693, phim được lựa chọn phát hành trên kênh Viện Phim Việt Nam dự kiến gồm: phim thuộc sở hữu nhà nước, phim khuyết danh, phim đã hết thời hạn bảo hộ.
Phim Nhà nước cần được quảng bá nhiều hơn
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, quan điểm của Bộ VHTTDL là luôn ủng hộ việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, đưa những tác phẩm điện ảnh được Nhà nước đặt hàng đến với đông đảo công chúng. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc tận dụng các nền tảng trực tuyến để đưa những bộ phim về truyền thống lịch sử, cách mạng, giàu giá trị nhân văn đến với người xem là rất thiết thực, cần thiết. Tuy nhiên, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng lưu ý, thời đại công nghệ 4.0 phát triển, việc khai thác, quảng bá phim đến công chúng cần chú ý những vấn đề thuộc về bản quyền cùng các quy định pháp luật khác có liên quan.

Đừng đốt, phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ, quan điểm của Cục là hoàn toàn ủng hộ chủ trương để Viện Phim Việt Nam thiết lập và vận hành kênh Youtube để phát hành, phổ biến phim, mục đích nhằm quảng bá, đưa những tác phẩm phim Nhà nước đến với đông đảo người xem. “Khán giả chính là thước đo hiệu quả của những tác phẩm điện ảnh được Nhà nước đầu tư đặt hàng sản xuất. Thời gian gần đây, do dịch bệnh, lượng người xem đến với Youtube và các nền tảng mạng trực tuyến khác để xem phim, thưởng thức văn hóa nghệ thuật rất phổ biến. Vì vậy, việc Viện phim Việt Nam tính đến phương án thành lập và thử nghiệm đưa phim lên Youtube là một cách thức để những bộ phim Nhà nước đặt hàng không bị lãng phí trong kho”, theo ông Vi Kiến Thành.
Tuy nhiên, để việc phát hành, phổ biến phim trên mạng không gặp vướng mắc về vấn đề bản quyền, Cục trưởng Cục Điện ảnh đề xuất, Viện Phim Việt Nam nên lưu ý tới những vấn đề nhằm đảm bảo hài hòa giữa việc cung cấp phim đến khán giả với quyền lợi của đơn vị sản xuất phim. Đồng thời, các tác phẩm đưa lên Youtube phải được sự thỏa thuận đồng ý của Bộ VHTTDL mà Cục Điện ảnh làm đại diện chủ sở hữu đối với tác phẩm và đơn vị sản xuất.

Mùa ổi, đạo diễn Đặng Nhật Minh

Đại diện các đơn vị chức năng của Bộ VHTTDL cho rằng, lâu nay câu chuyện khai thác hiệu quả phim đặt hàng chưa được chú trọng ở mức độ cần thiết. Một trong những thước đo về hiệu quả tuyên truyền của những bộ phim Nhà nước chính là tỉ lệ người xem phim. Bởi vậy, trong thời gian tới, yếu tố khán giả cần được chú trọng hơn. Tận dụng mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến một cách chính thống, đúng quy định pháp luật là một hướng đi thiết thực.
Theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Lê Hồng Phong, với đặc thù là phim về lịch sử cách mạng, tuyên truyền, giáo dục…, hầu hết các tác phẩm phim Nhà nước đặt hàng từ trước đến nay không đạt hiệu quả cao về kinh tế, ngoại trừ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Bởi vậy, Viện Phim Việt Nam tìm cách khai thác, phát huy giá trị các tác phẩm đặt hàng của Nhà nước từ trong kho phim để đưa lên mạng sẽ khắc phục được sự lãng phí khi các tác phẩm chỉ nằm im. “Nếu như Bộ VHTTDL có một đơn vị đại diện chính thức để khai thác và đưa lên Youtube hoặc các nền tảng số khác những bộ phim đặt hàng một cách chính thống thì mục tiêu phát huy giá trị của những tác phẩm này sẽ đạt được hiệu quả rất cao. Vấn đề cần quan tâm là sử dụng như thế nào? Những yếu tố nào cần lưu ý?”, ông Phong nhấn mạnh.

Dòng sông hoa trắng, phim của đạo diễn Trần Phương

Trước những vấn đề đặt ra, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, cần có cái nhìn thấu đáo, toàn diện về “sứ mệnh”, vai trò của các tác phẩm điện ảnh Nhà nước đặt hàng trong đời sống xã hội. Đó là những tác phẩm nghệ thuật đồng hành với lịch sử dân tộc, là sản phẩm chính trị để tuyên truyền, quảng bá về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Theo Thứ trưởng, dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) đang trong quá trình soạn thảo cũng cần nhìn lại vấn đề khai thác, sử dụng phim đặt hàng trong thời gian tới như thế nào để đảm bảo đạt được hiệu quả cao nhất trong mục tiêu tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, đưa các tác phẩm đến gần hơn với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
 Về vấn đề khai thác, đưa phim Nhà nước lên Youtube mà Viện Phim Việt Nam đang thử nghiệm, Thứ trưởng chỉ đạo, Cục Điện ảnh, Viện Phim Việt Nam và các đơn vị liên quan cần rà soát, phân loại để đưa phim đến với công chúng theo các chủ đề hữu ích, thiết thực. Hiện tại, số lượng phim trong kho lưu trữ của Viện Phim rất nhiều về số lượng, đa dạng về nội dung và vì vậy, không để phim lãng phí trong kho. Tuy nhiên, sử dụng, phát huy như thế nào cũng là một câu chuyện cần nhìn nhận, tính toán một cách tổng thể. Cục Điện ảnh, Viện Phim Việt Nam cùng các đơn vị chức năng thuộc Bộ cũng cần phối hợp, tính toán chặt chẽ các phương án nhằm khai thác, phát huy giá trị của những tác phẩm điện ảnh Nhà nước đặt hàng trong thời gian tới. 

PHƯƠNG ANH

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top