Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Người “ giữ lửa” Trung thu những ngày dịch Covid-19

Thứ Bảy 18/09/2021 | 18:08 GMT+7

VHO- Những ngày cận kề Trung thu,  Hà Nội đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên trên các tuyến phố không còn thấy sự xuất hiện các cửa hàng bày bán những món đồ chơi truyền thống cho trẻ nhỏ như đèn ông sao, mặt nạ bổi, đèn kéo quân… Nhưng vẫn có một người phụ nữ lặng lẽ làm ra những chiếc đèn ông sao, ông tiến sỹ, đèn hình con thú… bởi đó là tình yêu, là thói quen mấy chục năm nay của nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến mỗi dịp Trung thu.

  Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến tỉ mẩn từng công đoạn cho các sản phẩm đồ chơi Trung thu truyền thống.

Khi Hà Nội đã có chút thuận tiện trong việc đi lại giữa các vùng xanh, chúng tôi  có dịp về thăm nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức. Trong căn phòng nhỏ bày la liệt những đèn ông sao, ông tiến sỹ giấy, đèn hình con thú đủ sắc màu lẫn với các nguyên vật liệu, cô Tuyến vẫn lặng lẽ, cặm cụi hoàn thành từng chi tiết nhỏ cho sản phẩm của mình. Biết nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến đã nhiều năm qua các hoạt động trình diễn Trung thu tại Ban quản lý phố cổ Hà Nội nhưng chưa bao giờ thấy cô Tuyến bắt đầu câu chuyện nghề của mình với tâm trạng buồn như vậy. Dừng tay tiếp chuyện chúng tôi cô cho biết với gần 50 mùa Trung thu làm đồ chơi truyền thống của mình, đây có lẽ là mùa Trung thu buồn nhất của cô. Cô buồn không phải vì các mặt hàng khó tiêu thụ như mọi năm, thu nhập giảm sút mà cô buồn bởi đang trong giai đoạn dịch Covid như thế này, các cháu nhỏ sẽ thiếu đi những đồ chơi truyền thống, đầy ý nghĩa trong đêm trăng rằm. Với cô, từ lâu lắm rồi, khi cả làng nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống Hậu Ái đều nghỉ hết, còn tồn tại duy nhất cô làm thì đó chỉ là tình yêu với nghề, là sự đam mê chứ không phải là vì mưu sinh.

Ngoài đèn ông sao, cô Tuyến còn sáng tạo ra đèn con công, đèn con tôm…

Lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm đồ vàng mã và đồ chơi Trung thu, từ năm lên 8 tuổi “ cô bé” Tuyến đã biết ngồi phụ giúp ông bà, bố mẹ làm những khâu đơn giản nhất cho việc ra một sản phẩm đèn ông sao, ông tiến sỹ giấy. Rồi dưới sự dìu dắt của gia đình cộng thêm niềm đam mê, sự tìm tòi của bản thân mà chả mấy chốc cô đã tự tay làm cho ra được những sản phẩm của riêng mình từ khâu đầu vào nguyên liệu đến khi hoàn thiện. Những ngày xa xưa đó với cô đầy ắp kỷ niệm bởi Trung thu luôn đến với gia đình cô từ rất sớm. Để chuẩn bị cho ra mắt các sản phẩm vào dịp Trung thu thì ngay từ tháng 5 âm lịch, nhà cô đã phải chuẩn bị tập kết nguyên vật liệu, từ tre, nứa đến các loại giấy màu, giấy bóng kính để làm ra hàng vạn sản phẩm từ đèn ông sao, đèn cù, ngàn ngàn ông tiến sỹ giấy, ông đánh gậy…Nhưng rồi khi xã hội phát triển, thị trường đồ chơi cho trẻ nhỏ cũng du nhập nhiều mẫu mã đặc sắc, hấp dẫn hơn nên những sản phẩm truyền thống đã bị ngủ quên một thời gian dài. Các gia đình làm nghề trong làng cũng chuyển đổi sang ngành nghề khác hay chỉ duy trì làm vàng mã nhưng cô Tuyến vẫn nặng một lòng với nghề làm đồ chơi truyền thống bởi với cô đó là nghề truyền thống của gia đình và hơn nữa hình ảnh một ngày hội Trung thu truyền thống từ mâm cỗ đến đồ chơi đã quá in đậm trong tâm trí cô. Suy nghĩ là vậy, vẫn duy trì việc cho ra đời các sản phẩm đồ chơi truyền thống là thế nhưng cô vẫn đau đáu sau này còn ai yêu thích và biết làm những chiếc đèn ông sao, ông tiến sỹ giấy…bởi chính trong gia đình cô, cả 4 người con đều không ai theo nghiệp gia đình mà chỉ có thể giúp đỡ cô lúc nhàn rỗi.

 Thế rồi, niềm hi vọng nhỏ nhoi của cô về sự hồi sinh của nghề đồ chơi truyền thống đã được nhen lên khi vào năm 2002, cô được Bảo tàng Dân tộc học mời tham dự lễ hội Trung thu để hướng dẫn cho các em nhỏ làm đèn ông sao. Rồi dần dần nhiều nơi biết đến nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến. Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Ban quản lý phố cổ Hà Nội.. và các trường học đã mời cô đến tham dự và trình diễn, giới thiệu cách làm cũng như ý nghĩa của từng món đồ chơi truyền thống cho du khách cũng như các em nhỏ. Chia sẻ với chúng tôi cô không thể quên được cảm giác hạnh phúc khi những món đồ chơi mà cô nghĩ dường như sắp tuyệt chủng lại được sự quan tâm đến như thế của xã hội. Ở những nơi đó, cô được thỏa lòng giới thiệu đèn ông sao năm cánh tượng trưng cho đất nước Việt Nam hòa bình, đèn con thỏ gắn với sự tích về tình bạn của Thỏ Ngọc trên cung trăng. Và món đồ chơi được cô giành nhiều tâm huyết, tình cảm nhất là bộ ông Tiến sỹ giấy và hai ông đánh gậy.

Bộ ông Tiến sỹ giấy mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Theo cô Tuyến, để hoàn thành ông Tiến sỹ giấy phải mất hai ngày, trải qua 25 công đoạn còn hai ông đánh gậy trông trăng phải mất đến 36 công đoạn. Trong đó công đoạn làm khung và mặt nạ là hai công đoạn mà người làm phải hết sức tỉ mỉ từ chọn nguyên vật liệu đến kỹ thuật làm. Vừa chỉnh sửa lại ông đánh gậy, cô Tuyến cho biết bộ ông Tiến sỹ giấy không chỉ là một thứ đồ chơi đơn thuần mà còn mang một ý nghĩa vô cùng giá trị nên từ những năm xa xưa bộ ông Tiến sỹ giấy không thể thiếu trên mâm cỗ cúng rằm tháng tám của mỗi gia đình. Sau khi mâm cỗ cúng được hạ xuống, bộ ông Tiến sỹ giấy sẽ được các vị phụ huynh bày trên bàn học của con để mong con mình học hành giỏi giang, có sức khỏe…Cô Tuyến cũng tiết lộ với chúng tôi, xa xưa khi đất nước còn trải qua các cuộc chiến tranh thì trên tay hai ông đánh gậy thực sự là những thanh gươm, đao biểu trưng cho sự dũng mãnh bảo vệ Tổ quốc. Nhưng nay khi chiến tranh đã lùi xa thì hai cây gậy được thay thế để gửi gắm vào đó sự luyện tập thể thao tăng cường sức khỏe bên cạnh việc học hành giỏi giang như ông Tiến sỹ. Cô còn đùa với chúng tôi rằng có lẽ do lâu năm làm ông đánh gậy nên cô cũng được ban cho một sức khỏe tốt chứ vào những ngày làm nghề như này cô thường bắt đầu từ lúc 5, 6 giờ sáng  cho đến nửa đêm sang ngày hôm sau để kịp hoàn thiện các sản phẩm theo đơn hàng.

Nghệ nhân Nguyễn Thị  Tuyến trong một lần hướng dẫn du khách phố cổ làm đồ chơi truyền thống.

 Khi chúng tôi tỏ ý tò mò vì sao mẫu mặt hàng của cô khá là khiêm tốn so với các làng nghề khác mà lại nhận được sự ưu ái của nhiều cơ sở văn hóa lớn đến như vậy, cô Tuyến tự tin bởi mỗi sản phẩm làm ra cô đều giành hết tình yêu và tâm huyết, sự tỉ  mẩn của mình. Đưa chiếc đèn ông sao cho chúng tôi, cô cho biết nhìn qua thì thấy đèn ông sao nào cũng giống nhau  nhưng với những chiếc đèn cô làm ra thì cô phải cẩn thận từ khâu chọn và ngâm tre nứa cho khỏi mốc, mục, tạo sự chắc chắn; các mối ghép đều được bắt chặt cố định để mỗi chiếc đèn có thể dùng hai, ba mùa Trung thu. Với cách làm của cô mỗi sản phẩm làm ra sẽ mất nhiều công sức hơn, việc vận chuyển sẽ không được thuận tiện  nhưng khi sản phẩm đến tay mỗi em nhỏ thì luôn tạo sự an toàn, bền chắc. Hơn nữa khách hàng của cô đa số là các em nhỏ ở địa phương và những cơ sở văn hóa lớn nên cô không thể chạy theo lợi nhuận mà phụ lại lòng tin, sự yêu thương ủng hộ của mọi người được.

Năm nay khi thấy dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp,  Hà Nội phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, chồng cô đã bàn với cô chỉ làm một ít để đỡ nhớ nghề và tặng cho con cháu trong nhà nhưng những vị khách thân thuộc nhiều năm trong địa phương cứ liên tục hỏi khi nào có hàng nên cô lại quyết định tiếp tục làm. Cô cũng phấn khởi khoe với chúng tôi năm nay dịch bệnh thế nhưng Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam vẫn đặt cô mấy chục sản phẩm  để trưng bày trong triển lãm online “ Trung thu trong ánh mắt trẻ thơ”. Theo cô đây cũng là cách truyền cảm hứng và tình yêu đồ chơi truyền thống với nhiều người trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như thế này.

Đèn ông sao được làm từ khung tre chắc chắn nên có thể chơi được 2,3 mùa Trung thu.

Tuy năm nay số lượng các mặt hàng làm ra chỉ bằng một nửa năm ngoái nhưng với nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến chỉ cần được làm ra những sản phẩm đồ chơi truyền thống là cô vui lắm rồi. Chia tay chúng tôi, cô vui vẻ hẹn năm sau sẽ gặp nhau ở một cơ sở văn hóa nào đó, để cô lại tiếp tục mang hết tình yêu với đồ chơi truyền thống của mình tới tất cả mọi người. Cô khẳng định chừng nào còn sức khỏe thì cô còn tiếp tục làm nghề, truyền nghề cho mọi người để góp phần nhỏ bé của mình vào việc lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

THANH BẢO

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top