Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Châu Phi "đói" vắc xin

Thứ Sáu 24/09/2021 | 09:38 GMT+7

VHO-  Trong khi phần lớn các nước giàu đang dần chạm ngưỡng miễn dịch với Covid-19, thì có tới 90% người dân châu Phi thậm chí chưa được tiêm liều vắc xin thứ nhất.

 Cần tăng cường vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân châu Phi Ảnh: NY TIMES

Sự hụt hơi của “lục địa đen” khiến cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu thêm thách thức, khi khu vực này có nguy cơ trở thành khởi nguồn của nhiều biến chủng SARS-CoV-2.

Vùng “đói” vắc xin

Đến nay, toàn cầu đã có khoảng 5,7 tỉ liều vắc xin ngừa Covid-19 được tiêm cho người dân ở nhiều nước, nhưng chỉ 2% trong số này đến với người dân châu Phi. Theo thống kê của AFP, chỉ có 9 liều vắc xin được tiêm trên mỗi 100 người tại châu Phi, trong khi con số này lên tới 118 liều trên 100 người tại Mỹ, hay 104 liều trên mỗi 100 người tại châu Âu. Và châu Á, Mỹ La tinh và Caribe, Trung Đông cũng đạt lần lượt là 85, 84 và 54 liều trên mỗi 100 người dân. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, khi phần lớn các nước giàu đã cơ bản hoàn thành tiêm chủng, thì hơn 90% người dân châu Phi thậm chí chưa được tiêm liều đầu tiên.

Theo Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Phi Matshidiso Moeti, mục tiêu hoàn thành tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho 40% dân số châu Phi vào tháng 12 này sẽ khó thành hiện thực, khi lục địa này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt gần 500 triệu liều vắc xin. Sự thiếu hụt này chủ yếu do cơ chế phân bổ vắc xin COVAX đã cắt giảm 150 triệu liều dự kiến sẽ được giao trong năm nay. Cơ chế COVAX chỉ có thể cung cấp 470 triệu liều vắc xin cho châu Phi trong năm 2021, đủ để tiêm chủng cho 17% dân số. Hiện chỉ có 3,6% dân số đủ điều kiện tiêm chủng ở châu lục này đã được chủng ngừa, trong khi tỷ lệ này ở châu Âu, Anh và Mỹ là hơn 60%.

Đáng quan ngại, giới khoa học đưa ra cảnh báo, việc tiêm chủng chậm chạp ở châu Phi có thể dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể rất dễ lây lan. Khu vực này từng là nơi xuất hiện của một số biến thể virus SARS-CoV-2, như đột biến Beta được phát hiện ở Nam Phi, Eta được phát hiện ở Nigeria và gần đây nhất là C.1.2 cũng được phát hiện ở Nam Phi. Đặc biệt, trong bối cảnh “lục địa đen” là khu vực có nhiều người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch nhất, thì nguy cơ trở thành “lò ấp” biến chủng Covid-19 là rất cao.

Nỗ lực cải thiện nguồn cung

Các nước châu Phi có thể tiếp cận vắc xin bằng cách mua trực tiếp từ hãng sản xuất, hoặc được các nước giàu viện trợ thông qua cơ chế COVAX. Đồng thời, nhóm đặc trách mua sắm vắc xin Covid-19 (AVATT) của Liên minh châu Phi (AU) cũng mua vắc xin cho các nước thành viên. Tuy nhiên, cả COVAX và AVATT đều bị hạn chế bởi các cường quốc vắc xin cũng như các nhà sản xuất, vốn ưu tiên cho nhu cầu trong nước hoặc các nước phát triển. Vì vậy, nhiều quốc gia châu Phi ngày càng phụ thuộc vào vắc xin do các nước giàu viện trợ, song những nước này chỉ thực hiện được viện trợ khi dư thừa vắc xin.

Theo ông Strive Masiyiwa, đặc phái viên AU chia sẻ, vắc xin là hành động đẹp, song các nước châu Phi không nên dựa vào việc chia sẻ này, mà thay vào đó là chủ động đặt mua vắc xin từ các nhà sản xuất. Ông Strive Masiyiwa cũng hối thúc các quốc gia sản xuất dược phẩm dỡ bỏ các rào cản xuất khẩu vắc xin, để tạo điều kiện cho châu Phi có thể tự giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin ngừa Covid-19. Ngoài ra, đặc phái viên AU cho biết, châu Phi đang xây dựng năng lực sản xuất riêng và kêu gọi việc tạm thời dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin ngừa Covid-19.

Cũng trong nỗ lực cải thiện nguồn cung vắc xin cho các nước châu Phi, công ty Sinh phẩm và Vắc xin Ai Cập (VACSERA) và công ty dược sinh học Sinovac của Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 tại Ai Cập. Theo đó, một nhà máy tại Cairo sẽ sản xuất hơn 200 triệu liều vắc xin Sinovac mỗi năm nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Đồng thời, một nhà máy thứ hai sẽ sản xuất 3 triệu liều mỗi ngày, tương đương khoảng 1 tỉ liều mỗi năm và có thể xuất khẩu vắc xin sang các nước khác ở châu Phi. Thêm vào đó, giới chức Ai Cập cũng đang tiến hành đàm phán với công ty dược phẩm Moderna của Mỹ để sản xuất vắc xin Moderna tại Ai Cập, thông qua việc bố trí một dây chuyền sản xuất tại các nhà máy của VACSERA.

Thực tế, nếu tỉ lệ bao phủ vắc xin ngừa Covid-19 tại châu Phi không được cải thiện, thì nguy cơ xuất hiện biến chủng SARS CoV-2 từ lục địa này có thể đưa cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh của thế giới trở lại điểm xuất phát. Việc thu hẹp tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin ngừa Covid-19 toàn cầu là chìa khóa quan trọng để đưa thế giới bước ra khỏi cuộc khủng hoảng vì đại dịch. 

HẢI MINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top