Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Giới thiệu nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ:  Cần phô diễn những chuẩn mực, tinh hoa

Thứ Tư 13/10/2021 | 10:47 GMT+7

VHO- Tại chương trình báo cáo Giới thiệu nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ của Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa qua, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho rằng, nỗ lực đưa Tuồng đến với giới trẻ là hướng đi cần thiết, tuy nhiên cần cung cấp những chương trình, tiết mục thực sự chuẩn mực để khán giả có thể thẩm thấu được những tinh hoa của môn nghệ thuật này một cách trọn vẹn nhất.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tặng hoa chúc mừng các nghệ sĩ tại buổi báo cáo chương trình

 Đề cao sự tương tác với khán giả trẻ

Trong số các bộ môn nghệ thuật truyền thống thì Tuồng gặp khá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công chúng, đặc biệt, giới trẻ là đối tượng không mấy mặn mà. Đây chính là lý do mà nhiều năm qua, bằng nhiều cách, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã xây dựng các chương trình, tác phẩm để hướng tới những người trẻ. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát chia sẻ: “Sự phát triển của xã hội kéo theo các loại hình giải trí phát triển mạnh mẽ, trong khi Tuồng vẫn phải giữ vững các yếu tố truyền thống và rất khó để làm mới. Việc tìm hướng đi cho Tuồng luôn là trăn trở của chúng tôi. Cần phải có một mô hình phù hợp để giới thiệu nghệ thuật Tuồng tại các trường học. Xuất phát từ nhu cầu này, Nhà hát chúng tôi đã xây dựng chương trình Giới thiệu nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ năm 2021 với những cách tiếp cận mới hấp dẫn với mong muốn kéo khán giả đến với Tuồng truyền thống nhiều hơn”.

Trong Chương trình báo cáo vừa qua, Nhà hát đã giới thiệu 4 trích đoạn được coi là mẫu mực, đặc sắc nhất của nghệ thuật Tuồng, đó là: Ông già cõng vợ trẻ đi xem hội, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Ôn Đình chém Tá, Trần Quốc Toản ra quân. NSƯT Lộc Huyền, Trưởng đoàn Đoàn Thể nghiệm của Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết: “Vì đối tượng của chương trình hướng tới chính là giới trẻ nên Đoàn đã lựa chọn các gương mặt nghệ sĩ trẻ tham gia biểu diễn. Họ là những nghệ sĩ tài năng và triển vọng của Nhà hát. Người trẻ diễn phục vụ người trẻ sẽ mang tới sự tương tác và đồng cảm cao hơn”.

Ngay sau mỗi trích đoạn biểu diễn, các nghệ sĩ có sự giao lưu tương tác trực tiếp với khán giả

Chương trình Giới thiệu nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ được kết cấu chặt chẽ, hấp dẫn, phô diễn được những đặc trưng, tinh hoa nhất của Tuồng cổ với những quy tắc, lề lối của hát, múa, biểu diễn, hóa trang… phù hợp với cảm thụ của từng đối tượng người xem. Không đơn thuần chỉ biểu diễn mà các nghệ sĩ tham gia còn giao lưu với khán giả bằng việc trao đổi, giải đáp những câu hỏi để giúp khán giả hiểu hơn về nghệ thuật Tuồng ở nhiều góc cạnh.

Phân cấp độ thưởng thức đối với người trẻ

Nghệ thuật Tuồng có từ bao giờ? Em rất xúc động và khâm phục nghệ sĩ thể hiện nhân vật Nguyệt Cô và không hiểu vì sao nhân vật lại được diễn tả “đặc biệt” như vậy? Tại sao các nhân vật trong Tuồng lại vẽ màu sắc, họa tiết trên mặt lúc là mặt đỏ, mặt đen…? Rất nhiều những câu hỏi đã được khán giả đặt ra khi xem chương trình theo kiểu “lần đầu” tiếp cận. Qua việc trao đổi, tương tác, các nghệ sĩ sẽ giới thiệu được rất sâu về nghệ thuật Tuồng với những đặc trưng, cách điệu, ước lệ, gợi mở ra mọi không gian qua cách thể hiện của nghệ sĩ. Chỉ có nghệ thuật Tuồng mới thực hiện được những điều dị thường như lớp chém đầu Linh Tá, rồi nhân vật chắp đầu biến thành ngọn đuốc! Cùng lúc trên sân khấu, các mẫu nhân vật điển hình như nịnh thần, trung thần, nữ đẹp… được đứng song hành, giới thiệu tỉ mỉ giúp khán giả có thể hiểu hơn ngay từ cách hóa trang.

 Trích đoạn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” do hai nghệ sĩ Quỳnh Liên và Mạnh Linh thể hiện rất ấn tượng

Sau buổi diễn báo cáo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông ghi nhận những nỗ lực đưa Tuồng đến với giới trẻ là hướng đi cần phải làm của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, các nghệ sĩ Tuồng phải cung cấp những chương trình và tiết mục phải thực sự đạt chuẩn mực để khán giả trẻ có thể thẩm thấu được những tinh hoa của môn nghệ thuật này một cách trọn vẹn nhất. Sự chuẩn chỉ ấy phải đạt tới sự hoàn chỉnh giữa ca - múa cũng như hóa trang và trang phục biểu diễn. “Đã là nghệ thuật thì phải có khán giả. Vì vậy, định hướng thẩm mỹ cho khán giả trẻ, kéo họ đến với Tuồng truyền thống là một việc làm cần phải có thời gian và phải rất kiên trì. Chương trình Giới thiệu nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ phải phân cấp thưởng thức đối với từng đối tượng theo từng cấp học và trình độ thưởng thức riêng. Biểu diễn phục vụ người trẻ không chỉ đòi hỏi trình độ diễn xuất của nghệ sĩ mà sự kết hợp giữa âm nhạc, cách thức hóa trang, phục trang cũng cần phải nghiên cứu để làm sao nhấn mạnh được đặc trưng riêng của Tuồng và văn hóa của người Việt Nam”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhận định.

Giới thiệu nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ đưa ra cách thức tiếp cận mới hiệu quả, làm cho người trẻ từ biết, rồi hiểu và gần gũi hơn với Tuồng. Đây cũng chính là phương thức đào tạo mang tính khoa học, phù hợp và cũng là cách bảo tồn nghệ thuật truyền thống một cách hiệu quả, bền vững. 

 THÚY HIỀN

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top