Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Đau đầu tìm bản sắc​​​​​​​ kiến trúc nhà ở nông thôn

Thứ Sáu 12/11/2021 | 10:40 GMT+7

VHO- Hội thảo trực tuyến Kiến trúc nhà ở nông thôn vùng ven đô vừa được diễn ra một lần nữa đã chạm đến những đau đáu của giới nghề trong nhiều thập kỷ qua. Manh mún, lộn xộn, thiếu bản sắc của kiến trúc nhà ở nông thôn đang là một thực tế đáng buồn, khiến cho tổng thể diện mạo nền kiến trúc nông thôn trở nên khó nhận diện. Nhìn thấy thực tế đó, nhưng giải pháp khắc phục dường như vẫn xa vời.

 Kiến trúc nông thôn vùng ven đô đang bị giằng co giữa nhiều giá trị cũ mới

 Chủ đề Kiến trúc nhà ở nông thôn vùng ven đô được các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch cùng bàn thảo trên nền tảng trực tuyến Webex. Đây cũng là hoạt động mở đầu trong chuỗi hội thảo với mục tiêu phát triển kiến trúc nhà ở nông thôn Việt Nam do Tạp chí Kiến trúc chủ trì thực hiện.

Tìm giải pháp thích ứng

Theo TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, “kiến trúc nhà ở nông thôn luôn là vấn đề được Hội quan tâm trong những năm qua, đây cũng là chủ đề nằm trong chương trình của Chính phủ về phát triển nhà ở nông thôn”. Đặc biệt, khoanh vùng đối tượng là “nhà ở nông thôn vùng ven đô” cho thấy rõ mục tiêu của giới kiến trúc, khi vùng ven đô là những không gian tiếp giáp giữa đô thị và nông thôn, những tác động đa chiều từ nhịp sống, lối sống, văn hóa, thẩm mỹ và kiến trúc tạo nên những giao thoa, đan xen và giằng co dữ dội.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn bày tỏ mong muốn, những diễn đàn trao đổi nghề nghiệp như thế này sẽ cùng làm rõ nét hơn các vấn đề về nhà ở nông thôn vùng ven đô, đưa ra những giải pháp kiến trúc phù hợp, thích ứng với sự phát triển của xã hội, đưa kiến trúc Việt Nam theo hướng phát triển bền vững. Chia sẻ về tầm quan trọng của phát triển nhà ở nông thôn, KTS Nguyễn Văn Tất, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc - Nhà đẹp cho rằng, phát triển nhà ở nông thôn không phải là vấn đề của riêng giới kiến trúc sư mà là vấn đề quốc gia, trong đó các kiến trúc sư là một thành phần tích cực. Việc hội thảo chỉ giới hạn nội dung nhà ở nông thôn vùng ven đô vì đây là nơi chất chứa rất nhiều sự tương tác của nông thôn và đô thị, gắn liền với đô thị, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ phát triển đô thị hóa nhưng phải phù hợp với nếp sống nông thôn.

KTS Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam mang đến hội thảo một góc nhìn bao quát về nhà ở ven đô, ứng biến tại chỗ: “Thiết kế cần dựa trên bối cảnh khu vực, cảnh quan thiên nhiên, sinh vật, khí hậu, yếu tố xã hội. Đặc biệt với các khu vực ven đô, ranh giới của đô thị hóa cần làm tốt, điều này sẽ tăng giá trị sử dụng đất. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần đến sự chung tay đóng góp của người dân”.

Tìm lại bản sắc

Thiếu bản sắc, kiến trúc nông thôn đang dần mai một là vấn đề đã được giới kiến trúc đặt ra trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt trước sức ép của quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Theo GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, sự phát triển thiếu bản sắc của kiến trúc, nhà ở đang là một thực tế đáng buồn. Người nông dân Việt Nam đang có những thay đổi về phương thức sản xuất, không còn gắn bó nhiều với đồng ruộng mà đổi dần sang các ngành dịch vụ công nghiệp khác. Điều này dẫn đến sự thay đổi trong không gian sống, điều kiện sống của dân cư nông thôn, văn hóa ở có xu hướng giao thoa giữa các vùng miền và cả trên thế giới.

Chính những thay đổi, mai một đó đã khiến cho diện mạo kiến trúc nông thôn hiện hữu tạp nham, chắp vá. Giữa đồng lúa xanh, xen giữa những mảng màu thuần nhất của những ngôi nhà mái ngói lúp xúp, mang đặc trưng kiến trúc nông thôn lại có thể bất thình lình mọc lên những biệt thự nguy nga tráng lệ, những hình dáng kiến trúc hiện đại du nhập từ châu Âu, những ngôi nhà với kiểu dáng chóp “củ hành, củ tỏi”… Theo GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, những thay đổi về hình hài, diện mạo của kiến trúc nông thôn cần phải bám theo những vấn đề “cốt lõi” của kiến trúc địa phương chứ không đơn giản là phá đi và đặt một công trình hoành tráng, hiện đại vào. Việc này sẽ làm mất đi bản sắc riêng của vùng miền, thay đổi không bám vào yếu tố cốt lõi sẽ dẫn đến những sai lầm trong quy hoạch nông thôn... Các chuyên gia kiến trúc cũng lo lắng trước thực trạng ngày càng nhiều người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt là khu vực ven đô đang đi cóp nhặt các mẫu nhà về xây, dẫn đến quy hoạch vùng nông thôn bị phá vỡ bản sắc vốn có. KTS Nguyễn Văn Tất cũng là người đã có nhiều năm nghiên cứu và thiết kế nhà ở nông thôn. Ông từng nhiều lần bày tỏ lo ngại khi cảnh quan nông thôn đang bị “xâm lấn” bởi kiến trúc hiện đại của đô thị. Nhà ở điển hình nông thôn là một thách thức. Vì là nhà đơn lẻ nên sự đa dạng của nhu cầu mỗi gia đình nông dân vô cùng lớn, lại thay đổi theo sự lớn lên của từng gia đình. Ngôi nhà nông thôn truyền thống Việt Nam không đơn thuần là một chỗ ở mà là tài sản vật chất, tinh thần của mỗi gia đình, được tích luỹ và hình thành trong thời gian dài, có khi từng bước một và nở dần ra.

Khó nhận diện, thiếu bản sắc thực sự là một mối lo đằng đẵng đối với kiến trúc nông thôn Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Trên thực tế, nhà ở nông thôn thường do người dân tự xây dựng, họ rất thích “bắt chước” những ngôi nhà ở đâu đó, cóp nhặt mỗi nơi một chút rồi đem về nhà mình chứ không phải thiết kế trọn bộ với bản vẽ đồng nhất. Xuất phát từ thực tế này, hơn bao giờ hết, diện mạo kiến trúc nông thôn đang rất cần những bàn tay, khối óc của giới nghề. Theo KTS Nguyễn Quốc Thông, người dân vùng nông thôn rất cần những lời khuyên của KTS trong việc giúp họ lựa chọn những mẫu thiết kế phù hợp với nơi chốn, bối cảnh cụ thể của từng vùng miền. Điều này sẽ giúp người dân hiểu cách lựa chọn nhà ở đầy đủ công năng mà vẫn đáp ứng được thẩm mỹ, phù hợp cảnh quan nông thôn. Theo đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phải là đơn vị tiên phong, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa những ý tưởng khả thi đến với người dân.

Các chuyên gia kiến trúc cũng cho rằng, phải thực sự am hiểu sâu sắc văn hóa nông thôn mới có thể tạo ra thiết kế phù hợp với nhu cầu, mong muốn của người dân mà vẫn không phá vỡ nền tảng bản sắc truyền thống. Thiết kế kiến trúc nhà ở nông thôn là chủ đề khó, để sáng tạo được không gian nhà ở nông thôn theo hướng hiện đại mà vẫn đảm bảo kế thừa các giá trị văn hóa kiến trúc truyền thống thì buộc người thiết kế phải thấu hiểu, đồng cảm với những giá trị văn hóa, lối sống cũng như phong tục tập quán của người dân ở từng vùng miền, địa phương. 

 Những thay đổi về hình hài, diện mạo của kiến trúc nông thôn cần phải bám theo những vấn đề “cốt lõi” của kiến trúc địa phương chứ không đơn giản là phá đi và đặt một công trình hoành tráng, hiện đại vào. Việc này sẽ làm mất đi bản sắc riêng của vùng miền, thay đổi không bám vào yếu tố cốt lõi sẽ dẫn đến những sai lầm trong quy hoạch nông thôn...

(GS.TS.KTS NGUYỄN QUỐC THÔNG)

HÀ PHƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top