Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Cúc Phương - Kho báu thuở hồng hoang (Bài 3): "Ngôi đền thiêng" kỳ vĩ

Thứ Sáu 19/11/2021 | 10:15 GMT+7

VHO- Sương đêm còn chưa kịp cất mình khỏi nền rừng ẩm ướt, tiếng hú gọi bầy của các loài linh trưởng đã dội vào vách đá, đánh động cả cánh rừng già. Thanh âm khi thánh thót, lúc xa xăm vọng về như tiếng của đại ngàn đang thúc giục chúng tôi lên đường đi tuyến.

 Một cây chò ước tính có hàng trăm năm tuổi tại Vườn quốc gia Cúc Phương

Theo Trạm trưởng Đỗ Tiến Dũng, ở Cúc Phương, mỗi cán bộ chiến sĩ kiểm lâm sẽ đi tuyến để tuần tra, bảo vệ địa bàn quản lý, đồng thời thực hiện nhiệm vụ giám sát đa dạng sinh học cùng Phòng Khoa học, hợp tác quốc tế của Vườn.

Hé lộ những điều kỳ thú

Dù mỗi người đến với Cúc Phương với những ý tưởng khác nhau, nhưng nơi đây luôn đón bạn bằng tất cả sự nguyên vẹn thời ban sơ. Tôi đã thổn thức với suy nghĩ ấy khi nhìn dấu chân đầu tiên mà mình in vào lòng đại ngàn. Mỗi nhịp bước, Cúc Phương như đang mở lối ôm chúng tôi vào lòng!

Khẽ vén một vạt lá cây, tôi thích thú ngắm nhìn chú nhện to gần bằng nắm tay người lớn đang buông mành xà thấp, chú châu chấu với “giao diện” lạ lẫm nhảy tanh tách giấu mình sau rặng cỏ... Trong cánh rừng sâu thẳm này, các loài côn trùng cũng đang vội vã, tất tả ngược xuôi cho một ngày sinh tồn mới đang bắt đầu. Ở thời khắc ấy, tất cả mọi thành viên trong đoàn đều nín lặng theo dõi một chú trăn đất vừa mới kết thúc một cuộc đi săn. Và tôi cứ ngỡ mình đang mơ khi thấu cảm được cái sự run run đến thót nghẹt của chú mèo hoang nhón chân khẽ khàng xuống đám lá mục ẩm ướt, khi thấy bóng dáng con người. Vội vàng lấy cuốn sổ nhỏ để ghi lại, kiểm lâm Đỗ Đình Hiền cất lời: “Nhớ là phải để dành giấy bút cho những điều lạ lẫm về sau nhé”.

Nếu anh không nhắc, có lẽ tôi đã quên rằng tuyến tuần tra ngày hôm nay của chúng tôi dài những 4,6 cây số đường rừng và hành trình sẽ còn kéo dài tới khi tắt nắng. Hăm hở tiến về hướng tay chỉ của Trạm trưởng Đỗ Tiến Dũng, tôi thán phục đến kinh ngạc về hệ thực vật xung quanh. Ngay trước mắt, Cúc Phương đang mở ra một miền đá tai mèo bạt ngàn. Điều kỳ diệu ở chỗ, ngay ở trên lưỡi đá sắc nhọn, có cả một quần xã Mun, Trai, Huyết Giác, Hồi Núi... cổ thụ cao đến 30- 40m, đứng thẳng trên đá mà vươn mình xanh tốt. Có những bộ rễ cây ôm ghì lấy những phiến đá, khối đá chặt chẽ, khăng khít như siết buộc vào nhau. Không ngoa đâu khi nói chúng đang “chẻ” đá, “gặm” đá để mà sống, để mà cải tạo môi trường cho thế hệ sau này…

Dây leo ở rừng núi Cúc Phương cũng là một kỳ quan của tạo hóa. Lần đầu tìm về với rừng già, chắc hẳn ai đó cũng sẽ rất ngạc nhiên khi được sờ nắn một dây leo Ban Bàm (Entada tonkinensis) khổng lồ, đường kính gốc tới 0,5m, chạy đi hàng cây số vắt ngang giữa rừng như một chiếc võng trời. Và đây nữa, loài Đa bóp cổ (Ficus sp) kỳ dị. Chúng nảy mầm và sống bám vào các loài thực vật thân gỗ khác. Khi rễ bám đất chúng phát triển rất nhanh, tạo thành một mạng lưới bóp chặt, rồi tước đoạt luôn mạng sống của thân cây chủ mà tồn tại. Thế mới biết, thế giới thực vật cũng có cuộc sống không yên bình, chúng luôn phải cạnh tranh để giành lấy không gian dinh dưỡng, giành lấy sự sống.

 Động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Cúc Phương

Mỗi kiểm lâm là một hướng dẫn viên

Nhiều năm trở lại đây, Cúc Phương là điểm đến lý tưởng cho hơn 100 nghìn lượt khách nội địa và quốc tế mỗi năm. Ông Đỗ Văn Lập, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương tự hào: “Ngoài nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, đội ngũ kiểm lâm còn tham gia tích cực vào hoạt động du lịch: Dẫn đường mở tuyến tham quan, hóa thân thành một hướng dẫn viên thứ thiệt”.

Tôi đã phải gật gù khi nghe ông say sưa giới thiệu: Bằng những thiết bị hiện đại và phương pháp phân tích khoa học, nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh thuở xa xưa Cúc Phương từng là đáy biển. Đỉnh Mây Bạc cao hơn mặt nước 648 mét, nghĩa là biển đã lùi xa lắm. Đâu đó trên vách đá còn ghi nhận dấu vết bào mòn của sóng nước được lưu giữ, mà thời gian không xóa được. Qua phong hóa của nắng, mưa, của nóng lạnh, qua bao thăng trầm của cơ tạo đã biến đổi thành các dạng vật chất, tồn sinh thành núi rừng kỳ vĩ và huyền diệu như Cúc Phương hôm nay.

Tới lúc này, kiểm lâm viên Vũ Đức Tuấn, cán bộ Phòng Khoa học - hợp tác quốc tế của Vườn mới cất lời: “Quá trình biến đổi “biển ngày xưa” thành “rừng ngày nay” đã tạo ra một hệ sông suối ngầm trong lòng Cúc Phương. Nhà báo không biết đấy thôi, khi chúng ta đi trong rừng chính là đi trên những nắp đậy, những dòng sông, những hang động. Mỗi khi mưa, nước dồn vào các miệng phễu, chảy đến các sông suối ngầm chằng chịt. Hệ thống đó như cái túi đựng nước, phân phối dần ra các hồ, suối lộ thiên, quanh năm nước róc rách chảy như một bản nhạc rừng không bao giờ tắt”.

Tôi bị thuyết phục hoàn toàn bởi lối giới thiệu nhiều tính chuyên môn nhưng cũng rất bay bổng của các cán bộ chiến sĩ kiểm lâm trong đoàn. Từ kinh nghiệm hàng chục năm gắn bó với rừng, vị Phó giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương chiêm nghiệm: “Không một cánh rừng nào có thể gục ngã nếu có sự chung tay gìn giữ của cả cộng đồng. Và cách mà kiểm lâm Cúc Phương giới thiệu về rừng để du khách thêm quý trọng từng tán lá xanh cũng chính là phương pháp giữ rừng hiệu quả nhất. Giữ rừng từ trong tâm thức và tình cảm của mỗi người”.

Khi bước chân của người cuối cùng trong đoàn đã chạm mốc địa giới Vườn quốc gia Cúc Phương tại huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình, chúng tôi cùng nghiêm trang gửi lời chào tới đại ngàn. Cúc Phương cũng nổi gió rào rào, tiễn bước chân chúng tôi ra khỏi vùng đất thiêng uy linh, kỳ vĩ. Lần đầu được bày tỏ lòng thành kính với rừng già thiêng liêng theo nghi thức của một chiến sĩ kiểm lâm khiến tôi bất giác nhớ tới câu thơ của một tác giả người Đức: “Hồn Tổ quốc ngự trong rừng sâu thẳm/ Rừng điêu tàn là Tổ quốc suy vong”. 

 

 Trên diện tích hơn 22.000 ha, Cúc Phương chứa đựng số lượng loài thực vật bằng một phần tư tổng số thực vật toàn Đông Dương, bao gồm: 2.234 loài, thuộc 931 chi, 231 họ; trong đó có: 118 loài quý hiếm, 11 loài đặc hữu, 433 loài cây làm thuốc, 229 loài cây ăn được, 240 loài cây có thể làm thuốc nhuộm và 137 loài cho tanin…

Hệ động vật Cúc Phương cũng khá phong phú, đa dạng. Động vật có xương sống gồm 669 loài (thuộc 120 họ, 35 bộ); trong đó có: 138 loài thú, 337 loài chim, 80 loài bò sát, 48 loài lưỡng cư, 66 loài cá. Động vật không xương sống có 1.899 loài (thuộc 169 họ, 33 bộ, 6 lớp và 3 ngành); trong đó lớp côn trùng đóng vai trò chính có số lượng rất lớn như bộcánh cứng 454 loài, bộcánh vẩy 378 loài và bộcánh màng 314 loài.

 

VŨ MỪNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top