Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Tin tưởng và kỳ vọng “Hội nghị Diên Hồng” chấn hưng văn hóa

Thứ Ba 23/11/2021 | 19:30 GMT+7

VHO- Sáng mai 24.11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chính thức diễn ra tại Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến với các điểm cầu trên toàn quốc.

Các đại biểu, chuyên gia văn hóa, các văn nghệ sĩ đã chia sẻ về những kỳ vọng lớn lao được gửi gắm vào Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.

Văn nghệ sĩ mong sau Hội nghị có những đổi thay sâu sắc và toàn diện cho chính sách nghệ thuật, đặc biệt đối với nghệ thuật truyền thống

Mong muốn nguyện vọng của giới văn nghệ sĩ được lắng nghe...

Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức là dấu mốc để chúng ta kỷ niệm 75 năm Hội nghị văn hóa toàn quốc lần đầu tiên, nhìn lại chặng đường đất nước sau 35 năm đổi mới. Ngày ấy, Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về đổi mới văn hóa nghệ thuật đã như một luồng gió mới tạo không khí cho đời sống văn hóa nghệ thuật khởi sắc, phát huy tiềm năng sáng tạo của người nghệ sĩ. Từ Nghị quyết 05 đến Nghị quyết TƯ 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước... là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mà mỗi một thời kỳ, đường lối văn nghệ của Đảng lại được kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, để phát huy cao nhất năng lực sáng tạo của giới văn nghệ sĩ.

 Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta tiếp tục triển khai các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, với nhiệm vụ quan trọng là bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa trong giai đoạn hội  nhập quốc tế sâu rộng.  Trong thế giới ngày càng phẳng, càng  hội nhập bao nhiêu thế giới thì bản sắc văn hóa Việt Nam càng đẹp đẽ, rõ nét hơn. Chúng ta hội nhập nhưng không hề hòa tan.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này, đội ngũ những người làm văn hóa nước nhà kỳ vọng một lần nữa, Đảng, Nhà nước lắng nghe những nguyện vọng của giới văn nghệ sĩ để trong thập niên thứ 3 của thế kỷ mới này, ở mỗi lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đều có một lộ trình tự thay đổi, phát triển. Các loại hình nghệ thuật của chúng ta đều đang trên con đường tự thay đổi và phát triển đó, với xu thế đang tốt dần lên. Trong hai năm qua, khi phải đối diện với đại dịch Covid-19,  nghệ thuật vẫn phát triển, vẫn tiếp tục xuất hiện những nghệ sĩ trẻ với nhiều sáng tạo.

(Họa sĩ LƯƠNG XUẪN ĐOÀN, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam)

Hội nghị sẽ mở ra những vận hội phát triển mới của văn hóa

Chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng vào Hội nghị lần này về việc mở ra những vấn đề mới, những vận hội phát triển mới của văn hóa. 

Trước tiên, có thể kỳ vọng vào việc xây dựng hệ thống lý luận mới, hình thành hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay và giai đoạn tiếp theo. Hội nghị cũng tạo ra niềm tin cho toàn dân về văn hóa được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị; văn hóa được xem trọng và có những chiến lược, giải pháp cụ thể để hành động, phát triển văn hóa.  Trên cơ sở những vấn đề lý luận, đổi mới đó, xây dựng đội ngũ những nhà quản lý văn hóa có tầm nhìn, năng lực, tâm huyết và lực lượng những người làm văn hóa chuyên nghiệp, hiểu biết sâu sắc về văn hóa, gắn bó suốt đời với văn hóa. 

Đã từ lâu chúng ta đề cập và xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động như thế nào cho hiệu quả, vận hành ra sao để dịch vụ văn hóa đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa; làm sao để công nghiệp văn hóa mang lại lợi ích cho quốc gia, quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới… lại không hề đơn giản. 

Những người làm văn hóa cũng cần phải nhận biết rõ những thay đổi của thời cuộc, bám sát bối cảnh, yêu cầu, nhiệm vụ mới mà Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Bên cạnh việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống, cần có sự đổi mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa của thế giới, theo kịp với dòng chảy cuộc sống và thời đại.

(Ông ĐINH HẢI, nguyên giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam)

Chờ đợi “Hội nghị Diên Hồng” chấn hưng văn hóa

Những người làm văn hóa đã chờ đợi Hội nghị văn hóa toàn quốc này quá lâu rồi. Không phải chỉ giới trí thức, văn nghệ sĩ mà toàn thể nhân dân cũng đã mong chờ sự kiện này vì sự nghiệp xây dựng văn hóa là sự nghiệp của toàn dân. Đây được ví như “Hội nghị Diên Hồng” chấn hưng văn hóa,  khi xã hội đang xuất hiện nhiều hiện tượng xuống cấp về đạo đức, lệch lạc về giá trị, suy giảm niềm tin… Trong những năm vừa rồi dù không tổ chức Hội nghị toàn quốc nhưng trong các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đều rất đề cao văn hóa, xác định văn hóa là nền tảng, là động lực phát triển của xã hội; hướng đến mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nhưng cũng gần gũi với cuộc sống. Hội nghị được kỳ vọng sẽ mang lại sự khởi sắc cho văn hóa thời gian tới.

Trong thời gian qua, sự đổi mới có thể thấy rõ trong kinh tế, xây dựng, cơ sở hạ tầng, trong đời sống vật chất của người dân. Tuy nhiên, đời sống tinh thần, chất lượng văn hóa lại không thể hiện nhiều. Bên cạnh đó, xuất hiện sự lệch chuẩn về đạo đức, văn hóa xã hội, văn hóa ứng xử, văn hóa gia đình, văn hóa giáo dục… Văn hóa phát triển chưa tương xứng với tầm vóc của sự phát triển đất nước. 

Quan điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” đã dự báo, tiên báo được sự phát triển của thời cuộc, sự phát triển của con người. Tuy nhiên, văn hóa chưa được hiểu một cách sâu sắc, từ đó, chưa được coi trọng, quan tâm. Sự đầu tư cho văn hóa còn quá hạn chế, không chỉ về tiền bạc mà về chính sách, con người, môi trường văn hóa.

Cùng với các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác, văn học cũng có những bước phát triển và nhịp đi tương đối rõ rệt. Đặc biệt, những tác phẩm văn học thời kỳ đổi mới đều có dấu ấn riêng về dự báo, phát hiện các vấn đề xã hội hay tính tiên phong dẫn đường. Tuy nhiên, khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển sôi động, văn học khám phá, tìm hiểu cuộc sống lại hạn chế, chưa theo kịp thời cuộc. Các nhà văn bây giờ đôi lúc rất lúng túng, hoang mang vì bị lẫn lộn các hệ giá trị, thậm chí không hiểu hết cuộc sống xung quanh mình, bị phân tâm trong khi cuộc sống thay đổi đến chóng mặt. Chuẩn mực con người không rõ ràng nên văn học cũng chưa phát huy được vai trò của mình, các nhà văn cũng chưa có cái nhìn thật sự sắc sảo với cuộc sống.  

Việc tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc lần này là vô cùng cần thiết để lắng nghe, khích lệ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động. “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế” như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

(Nhà văn KHUẤT QUANG THUỴ)

Các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cần được quan tâm sát thực hơn...

Thông qua Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này, giới văn nghệ sĩ mong muốn Nhà nước có sự quan tâm nhiều hơn, gần  gũi và sát sao hơn đối với các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Cách thức tài trợ, đầu tư cho các lĩnh vực  tuồng, chèo, kịch, điện ảnh, âm nhạc... nên có cách tiếp cận mới, phù hợp hơn khi bối cảnh xã  hội đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh các cơ sở của Nhà nước như các hãng phim, nhà  hát,  sân  khấu... thì giờ đây các cơ sở tư nhân phát triển rất nhiều. Vì vậy, nên có cách thức đầu tư khác nhằm khích lệ sự sáng tạo của  giới văn nghệ sĩ nói chung. Có thể lập Quỹ, tài trợ theo dự án chứ không phải  theo hình thức bao cấp. Lâu nay, sự quan tâm đầu tư cho các nghệ sĩ còn dàn trải,  vì thế nên chúng ta chưa có được những tác phẩm hay, những nghệ sĩ nổi trội. Mong rằng tại Hội nghị lần này, Đảng, Nhà nước sẽ có những quyết sách thể hiện sự quan tâm đối với giới văn nghệ sĩ một cách cập nhật hơn, mới hơn và thực tế hơn.

Các ngành văn hóa nghệ thuật hiện nay có nhiều lĩnh vực có thể kiếm tiền, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đó là những bộ phim, ca khúc, vở diễn...  hấp dẫn khán giả. Sự đầu tư để thúc đẩy phát triển là yêu cầu tất yếu. Nhiều nước trên thế giới luôn có các Quỹ văn hóa nghệ thuật được Nhà nước đầu tư. Nghệ sĩ chúng tôi kỳ vọng sẽ có những sự quan tâm phù hợp như thế. Bởi trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế thì văn hóa nghệ thuật không thể ngoài guồng.

Giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố đặc biệt quan trọng. Một số lĩnh vực nghệ thuật khác của Việt Nam so với các nước còn tụt hậu. Nhà nước nên đầu tư nhiều hơn để nâng cao chất lượng đội ngũ, đặc biệt về mặt kiến thức, trình độ để có thể cập nhật những xu thế  mới. Từ đó, chúng ta mới có thể hòa nhập được vào nền văn hóa nghệ thuật của thế giới.

(Đạo diễn, NSƯT TRẦN LỰC)

Những luận điểm về văn hóa sẽ đi vào thực tiễn

Cũng như nhiều đại biểu, tôi rất kỳ vọng và tin tưởng ở Hội nghị lần này.  Hội nghị sẽ tiếp tục quán triệt, đưa những quan điểm của Đảng  tại Đại hội XIII về văn hóa vào cuộc sống. Trong đó có quan điểm khẳng định văn hóa ngang hàng chính trị, kinh tế. Điều mong muốn lớn nhất của đội ngũ làm văn hóa nước nhà là từ Hội nghị này, những vấn đề, luận điểm về văn hóa sẽ đi vào thực tiễn cuộc sống.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc là vấn đề đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của nền văn hóa chung. Luật Di sản Văn hóa ra đời năm 2001 và sửa đổi, bổ sung  năm 2009 cùng các văn bản pháp lý liên quan đã  tạo động lực, cơ sở pháp lý quan trọng nhằm bảo vệ những giá trị của di sản văn hóa dân tộc. Nhưng bên cạnh những thành tựu nổi bật, trong thời gian qua cũng có nhiều vấn đề mới, đòi hỏi ngành cần nghiêm túc nhìn lại để kịp thời sửa đổi, bổ sung. 

Việt Nam sở hữu một kho tàng di sản rất phong phú, đa dạng. Trong bối cảnh cuộc sống mới, điều cần thiết là chúng ta không chỉ nói đến việc bảo vệ mà còn phải phát huy giá trị các di sản; biến các di sản văn hóa trở thành nguồn lực trong phát  triển kinh tế xã hội. Hiện nay nguồn lợi  kinh tế từ di sản còn chưa được phát huy tương xứng, chỉ một số nơi như Hội An, Cố đô Huế, Hạ Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hỏa Lò… chú trọng khai thác thế mạnh này, nhưng nhìn chung còn lúng túng, chưa đa dạng hóa các hình thức hoạt động để di sản văn hóa đem lại lợi ích và thực sự đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.

Hệ thống Bảo tàng Việt Nam hiện nay phát triển mạnh và có nhiều đổi mới. Bên cạnh các Bảo tàng nhà nước, hệ thống bảo tàng ngoài công lập với các sưu tập tư nhân cũng là nơi gìn giữ khối lượng di sản rất lớn và giá trị. Do đó, cần có cơ chế chính sách động viên, khuyến khích những đối tượng này. 

Chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, lĩnh vực di sản văn hóa cũng không thể ở ngoài  xu thế chung. Nếu Bảo tàng và công tác di sản cứ khư khư cái cũ mà không tiếp cận, cập nhật các xu thế mới sẽ rất khó khăn. Vì vậy, phải đẩy mạnh công nghệ số trong quản lý và phát huy giá trị di sản. 

Ngành di sản văn hóa cũng mong muốn Nhà nước sẽ có thêm những cơ chế, chính sách; đầu tư kinh phí có trọng tâm, trọng điểm để thúc đẩy sự phát triển của sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đội ngũ làm công tác di sản cũng cần được đào tạo, nâng cao trình độ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

(PGS.TS ĐỖ VĂN TRỤ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam)

Mong muốn xây dựng được hệ giá trị văn hóa Việt Nam

Trong thời đại mới, rõ ràng, tất cả các giá trị trong hệ giá trị cốt lõi đang bị tác động hết sức mạnh mẽ theo chiều tiêu cực của điều kiện kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước với khu vực và quốc tế. Đó là một thực tế không thể không xem xét, đánh giá về hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện đại. Chính vì thế, hệ giá trị của người Việt Nam hiện đại, trước tiên là để góp phần gìn giữ hệ giá trị chuẩn mực cốt lõi vốn có của người Việt Nam, đồng thời hướng tới việc hình thành, hoàn thiện hệ giá trị đáp ứng yêu cầu Việt Nam hội nhập. 

Các hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam được xây dựng trên nền tảng sâu rộng và vững chắc của việc xây dựng Gia đình văn hóa, chúng ta cần phải quan tâm đến việc xây dựng gia đình Việt Nam, cần có những định hướng cho gia đình ngày càng phát triển đúng hướng, và với người Việt Nam gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng, gia đình là tế bào xã hội tạo nên xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc là tiền đề xây dựng nhân cách, xây dựng con người Việt Nam.

 (Ông TRẦN THẾ THUẬN, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM)

Khẳng định hơn nữa tầm quan trọng của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đến lĩnh vực văn hóa, là một bước đột phá trong việc thúc đẩy công tác xây dựng và phát triển đất nước, con người Việt Nam. Đặc biệt, ngày 12.11.2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, đây sẽ là cơ sở và là đòn bẩy giúp cho lĩnh vực văn hóa có hướng đi mới, phát triển đầy đủ, toàn diện và hiệu quả hơn… Mong rằng kết quả của Hội nghị lần này sẽ giúp xã hội nhìn nhận, khẳng định hơn nữa tầm quan trọng của văn hóa trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội đất nước, qua đó giúp cải thiện các chế độ chính sách về văn hóa phù hợp, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật kịp thời, phù hợp tình hình thực tế; thúc đẩy công nghiệp văn hóa trước xu thế toàn cầu hóa… Đặc biệt, cần quan tâm hơn yếu tố con người, đầu tư nguồn nhân lực làm công tác văn hóa, vì đây là đối tượng sáng tạo và duy trì các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị văn hóa mới để đem đến những sản phẩm tinh thần cho xã hội và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam đến thế giới.

 (Ông NGUYỄN KHÁNH HIỆP, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh An Giang)

Mong có những đổi thay sâu sắc và toàn diện cho chính sách nghệ thuật

Những người làm văn hóa nghệ thuật đặt rất nhiều kỳ vọng vào Hội nghị lần này. Quan điểm, đường lối của Đảng xác định xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là đúng, tuy nhiên khi vận dụng vào thực tế thì ở một số chính sách về nghệ thuật lại bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là lý do mà ngành nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Vấn đề phát triển nghệ thuật truyền thống trong xã hội đương đại luôn là bài toán khó. Việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập từ cơ chế Nhà nước bao cấp sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm đang còn nhiều bất cập và cần những cơ chế phù hợp. Đặc biệt là Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch hát dân tộc… đang thật sự bấp bênh và “èo uột”. Sau gần 5 năm thực hiện Nghị định số 16/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã bộc lộ rất nhiều bất cập từ các đơn vị nghệ thuật trung ương tới địa phương. Chủ trương mỗi địa phương chỉ giữ lại một đơn vị nghệ thuật của nhà nước khiến cho các địa phương lúng túng trong việc định hướng nghệ thuật. Thực hiện chủ trương xã hội hóa, giảm gánh nặng ngân sách, không ít địa phương chọn giải pháp sáp nhập các đoàn để rút gọn số lượng đơn vị, nhồi nhét các loại hình/loại thể nghệ thuật vào chung một “rọ” mà ít có sự đầu tư thích đáng. Nhà hát bị biến thành trung tâm biểu diễn “tổng hợp”, mất tính chuyên nghiệp, mai một  phong cách và đặc trưng nghệ thuật của từng địa phương. Ngay như các đơn vị nghệ thuật được Nhà nước cấp kinh phí từ ngân sách để hoạt động cũng gặp nhiều khó khăn từ cơ chế, chính sách với nghệ sĩ. Nếu thả nổi, để mặc các đơn vị nghệ thuật tự chủ thì con đường phát triển của nghệ thuật nước nhà sẽ đi tới đâu? Rõ ràng với những đơn vị nghệ thuật truyền thống, không phải là những loại hình nghệ thuật ăn khách, cần phải có sự tính toán lại trong chủ trương thực hiện tự chủ đối với họ.

(TS TRẦN ĐÌNH NGÔN, Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT)

Muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao phải bắt nguồn từ đào tạo

Chúng tôi mong muốn Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 sẽ quan tâm xác định  giáo dục phải là một trong những trụ cột căn bản. Công tác đào tạo nhân lực cho ngành văn hóa nghệ thuật cần được quan tâm hơn nữa. Bộ VHTTDL đang triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và đề án: Xây dựng đội ngũ trí thức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2030, Đề án Phát triển nguồn nhân lực Du lịch thích ứng với tác động của đại dịch Covid-19 giai đoạn 2021 – 2030, Xây dựng Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật...

Những văn bản quan trọng này sẽ góp phần tháo gỡ những bất cập trong công tác tuyển sinh và đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực VHTTDL. Lực lượng giảng viên nghệ thuật rất mừng khi Dự thảo Nghị định Quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật đã được hoàn thiện và đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Trên thực tế, không chỉ đào tạo mà còn rất nhiều những bất cập đối với ngành nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là về chế độ, chính sách đối với những người làm nghệ thuật bởi những quy định đã quá cũ và không còn phù hợp với thực tiễn. Chúng tôi mong rằng từ Hội nghị lần này sẽ có những định hướng, giải pháp cụ thể để phát huy giá trị nghệ thuật, tạo động lực sáng tạo cho những người là nghệ thuật biểu diễn 

(GS.TS.NGND TRẦN THU HÀ)

Sáng mai 24. 11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ khai mạc tại Hội trường Diên Hồng, nhà Quốc hội (Hà Nội). Đây là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới cả về lý luận và thực tiễn trong xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam.

Theo chương trình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và có bài phát biểu quan trọng. Dự Hội nghị gồm các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các Bộ, ngành; lãnh đạo, quản lý, các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ... Hội nghị còn được kết nối trực tuyến đến các tỉnh, thành trên cả nước. 

Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 Nhóm P.V (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top