Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

“Cứ bước ra khỏi nhà là đi vào tâm dịch”

Thứ Sáu 10/12/2021 | 11:06 GMT+7

VHO- Những ngày vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Tây Ninh, An Giang và một số tỉnh phía Nam diễn biến có chiều hướng phức tạp trở lại với số người mắc không ngừng tăng. Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu các Bệnh viện tuyến Trung ương chi viện hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 cho các địa phương này.

 

 Các y, bác sĩ Bệnh viện E hỗ trợ Tây Ninh khi trời còn tờ mờ sáng

Ngày 8.12, Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục cử đoàn chuyên gia thứ 2, gồm 21 bác sĩ, điều dưỡng các chuyên khoa lên đường để trực tiếp hỗ trợ tỉnh An Giang trong công tác cấp cứu, điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng. Trước đó, ngày 2.12, đoàn công tác thứ nhất gồm 9 bác sĩ, điều dưỡng thuộc các chuyên khoa Hồi sức tích cực, Cấp cứu, Truyền nhiễm, là những cán bộ có kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân Covid-19 và đã tham gia hỗ trợ tại nhiều điểm nóng về dịch Covid trước đó.

Trong chuyến đi lần này, danh sách tiếp tục ghi tên bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa Hồi sức cấp cứu A9. Anh cho biết, năm vừa qua là năm chống dịch của anh, cứ bước chân ra khỏi nhà là đi vào tâm dịch, từ Tết Nguyên đán năm ngoái và sắp đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Kết thúc chuyến công tác 77 ngày đêm với 1.300 lượt bệnh nhân nặng tại TP HCM, anh đã chia sẻ trên Facebook cá nhân là “Một chuyến đi đủ đau thương cho cả một đời”. “Tất cả được dựng lên từ một nhà xưởng giữa đám dừa nước rộng mênh mông. Mình đã ở đây từ những ngày đầu, cùng mọi người đẩy từng chiếc giường bệnh vào khu điều trị, đi quét từng góc phòng. Rồi cùng các anh chị thiết lập quy trình làm việc, làm chương trình đào tạo cho nhân viên, cho các tuyến. Lúc nào rảnh lại ôm máy tính giảng bài trực tuyến, cố gắng chia sẻ được càng nhiều càng tốt. Thế rồi chưa bao giờ mình thấy nhiều bệnh nhân thở máy như thế. Với điều kiện hạn chế, các đồng nghiệp vẫn nỗ lực triển khai được các kỹ thuật cao cho hồi sức chuyên sâu, đo trở kháng phổi, thở NO, lọc máu, làm ECMO...”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Có lẽ, chính vì trách nhiệm với cộng đồng, với bệnh nhân, bác sĩ Ngô Đức Hùng lại một lần nữa xung phong lên đường, chuẩn bị kết thúc năm cũ với chuyến đi chống dịch mới. Trong buổi tiễn đoàn công tác, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Phó Giám đốc phụ trách điều hành Bệnh viện Bạch Mai đánh giá cao tinh thần xung phong, chung tay, chung sức của các y bác sĩ chi viện cho An Giang. PGS Cơ mong muốn tất cả các y bác sĩ phát huy kinh nghiệm chống dịch tại các chiến trường và mang tình cảm, tinh thần của Bạch Mai đến với người dân của tỉnh An Giang, thực hiện tốt công tác chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. Trước đó, trong buổi làm việc với lãnh đạo Sở Y tế An Giang, PGS Cơ cam kết hỗ trợ, hợp tác toàn diện với địa phương trong đào tạo, chuyển giao kỹ thuật hiện đại tại chỗ (ECMO, lọc máu…), tư vấn cải tạo hệ thống oxy, khí nén, kết nối các Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 của tỉnh với hệ thống hội chẩn trực tuyến tại Bệnh viện Bạch Mai… nhằm góp phần nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh tại địa phương, không phụ lòng mong mỏi của hơn hai triệu đồng bào An Giang.

 Bác sĩ Ngô Đức Hùng trước giờ lên đường chống dịch tại An Giang

Cũng trong ngày 8.12, khi chưa bắt đầu ngày mới, các y bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện E đã lặng lẽ gói ghém tình cảm, tạm chia tay gia đình để lên đường vào chi viện cho Tây Ninh. Tây Ninh là cửa ngõ giao thương nối giữa TP.HCM với Phnôm Pênh (Campuchia) và là một trong những tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, để bảo vệ phiên dậu phía Đông Nam Bộ của Tổ quốc, các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện E không ngại khó, ngại khổ sẵn sàng lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc thiêng liêng, vì đồng bào miền Nam ruột thịt…

Nắm tay từng người trong đoàn công tác, TS.BS Phan Thảo Nguyên - Phó Giám đốc Bệnh viện E dặn dò: “Phải chân cứng đá mềm, hết lòng vì người bệnh và quan trọng giữ gìn sức khỏe”. Với tư cách là người cũng đã từng vào vùng tâm dịch nóng bỏng Bệnh viện Ung bướu 2 - TP.HCM cách đây chưa lâu, TS Phan Thảo Nguyên mượn lại lời ca giàu cảm xúc trong bài Một đời người, một rừng cây của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Lên đường vào tâm dịch với các cán bộ y tế Bệnh viện E dường như không phải là việc gì lớn lao, bởi họ nghĩ nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ biết nhường phần ai. BS Nguyên tin rằng, trong cuộc chiến với đại dịch, khi có sức mạnh của cộng đồng, không khó khăn nào là không thể vượt qua.

Tham gia đoàn công tác lần này, các cán bộ y tế Bệnh viện E đều xuất phát từ tinh thần xung phong, tình nguyện. 20 chiến sĩ áo trắng của Bệnh viện E do ThS.BS Nguyễn Ngọc Hải, khoa Cấp cứu làm Trưởng đoàn đã lên đường chi viện cho Tây Ninh, hy vọng sớm mang lại cuộc sống bình yên cho cộng đồng, cho Tổ quốc. Họ đến từ nhiều khoa: Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Tim mạch, Xạ trị, Bệnh Nhiệt đới… Bằng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ hằng ngày, họ sẽ vững tin để bước vào những nơi khốc liệt nhất. Từ đó, có thể cứu sống được nhiều bệnh nhân mắc Covid-19, đặc biệt là những bệnh nhân nặng, phải thở máy…

Những cảm xúc, những giọt nước mắt được giấu đi và thay bằng những nụ cười, những lời động viên, dặn dò, nhắn nhủ. Những người ở lại hứa sẽ gánh vác công việc và gia đình nơi hậu phương để người lên đường an tâm công tác với một niềm tin vững vàng: Chiến thắng để trở về!

Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, sẽ còn tiếp tục bùng phát ở nhiều địa phương nếu người dân còn chủ quan, không tuân thủ các quy tắc phòng dịch. Bác sĩ Ngô Đức Hùng cho biết, anh xung phong vào tâm dịch không phải để làm anh hùng mà vì đó là những việc tử tế nên làm, là trách nhiệm với xã hội mà mỗi người phải làm mỗi khi cần đến họ. Nhưng anh cũng chia sẻ: “Ai cũng có một gia đình và một ngôi nhà là nơi bình yên để dừng chân mỗi khi trắc trở. Đừng bắt nhân viên y tế làm anh hùng, gánh trách nhiệm anh hùng mệt lắm!”. Anh cũng cho rằng, cần xây dựng phần mềm quản lý người bệnh điều trị tại nhà và mỗi bác sĩ sẽ phụ trách một nhóm bệnh nhân, để dù bác sĩ ở đâu cũng có thể tư vấn, giúp đỡ họ, nhằm giảm tỉ lệ bệnh nhân đến bệnh viện, gây quá tải cho hệ thống y tế. 

 Đừng bắt nhân viên y tế làm anh hùng!

 Tôi xung phong vào tâm dịch không phải để làm anh hùng mà vì đó là những việc tử tế nên làm, là trách nhiệm với xã hội mà mỗi người phải làm mỗi khi cần đến họ. Ai cũng có một gia đình và một ngôi nhà là nơi bình yên để dừng chân mỗi khi trắc trở. Đừng bắt nhân viên y tế làm anh hùng, gánh trách nhiệm anh hùng mệt lắm. Cần xây dựng phần mềm quản lý người bệnh điều trị tại nhà mà mỗi bác sĩ sẽ phụ trách một nhóm bệnh nhân, để dù bác sĩ ở đâu cũng có thể tư vấn giúp đỡ họ, nhằm giảm tỉ lệ bệnh nhân đến bệnh viện, gây quá tải cho hệ thống y tế.

(Bác sĩ NGÔ ĐỨC HÙNG, Bệnh viện Bạch Mai)

 

QUỲNH HOA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top