Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Nỗi đau “vô hình”

Thứ Tư 15/12/2021 | 08:04 GMT+7

VHO- Trong cuộc sống, chúng ta thấy quen thuộc hơn với khái niệm bạo hành thể chất, thế nhưng thực tế tình trạng bạo lực tinh thần lại chiếm phần nhiều và còn gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn. Câu chuyện của những nạn nhân bị bạo lực tinh thần tại sự kiện truyền thông với chủ đề: Nỗi đau "vô hình" - Nhận diện và ứng phó với bạo lực tinh thần, Hành động ngay để bảo vệ bạn và gia đình do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (thuộc Hội LHPN Việt Nam) vừa tổ chức đã cho thấy xã hội càng hiện đại, phát triển thì bạo lực tinh thần càng tinh vi và khó để nhận diện.

 Các đại biểu trao đổi tại sự kiện

 Không thể tin được!

Báo cáo quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và UNFPA thực hiện chỉ ra rằng tại Việt Nam, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (chiếm 62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần hay kinh tế trong đời. Gần một nửa phụ nữ (47%) đã từng bị bạo lực tinh thần trong đời. Bạo lực tinh thần là loại bạo lực khá phổ biến nhưng rất khó để có thể nhận dạng. Nạn nhân phải chịu các kiểu hành hạ như chửi mắng, hạ nhục, cô lập, xâm phạm đến nhân phẩm và danh dự, gây ra tổn thương tâm lý nặng nề.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vốn đã tồn tại trước đó lại càng trở nên trầm trọng hơn. Những hạn chế về di chuyển, cách ly xã hội hay các biện pháp ngăn chặn tương tự cùng với áp lực kinh tế, xã hội gia tăng đối với các gia đình đã dẫn đến sự leo thang của bạo lực, đặc biệt là bạo lực tinh thần với phụ nữ và trẻ em. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng đài tư vấn của Nhà bình yên đã tiếp nhận hơn 1.300 cuộc gọi, tăng 140% so với năm 2020, trong đó hơn 1.000 cuộc phụ nữ báo bị bạo lực.

"Đồ vô dụng!", "Cô chẳng làm nên tích sự gì!", "Ai là chồng trong cái nhà này?"… Không chỉ dừng lại ở những lời nói chì chiết, nhục mạ, hạ thấp phẩm giá phụ nữ, bạo lực tinh thần còn là những hành vi kiểm soát, lợi dụng vị thế trong gia đình để gây áp lực, buộc người kia phải tuân theo mình, gây ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của họ. Bên cạnh đó, bạo lực tinh thần còn tồn tại dưới dạng "chiến tranh lạnh" hay còn gọi là "bỏ lửng". Lúc này, người chồng sẽ tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt, vô trách nhiệm đối với người vợ, thậm chí đem so sánh với người phụ nữ khác…

Tìm đến Ngôi nhà bình yên của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (thuộc Hội LHPN Việt Nam) nhờ trợ giúp, chị T là một trong số rất nhiều nạn nhân điển hình của hành vi bạo lực tinh thần. 15 năm lấy chồng là chừng ấy năm chị đón nhận nỗi buồn nhiều hơn niềm vui, nước mắt nhiều hơn tiếng cười. Mặc dù hiện tại đã chia tay nhưng chị vẫn bị ám ảnh bởi những lời xúc phạm cay đắng và sự chì chiết, miệt thị của chồng đeo đẳng. Theo lời chị T, cứ sau mỗi lần chồng uống rượu thì mọi việc không hài lòng anh đều trút hết lên chị, ban đầu chỉ đơn giản là những lời chửi bới, xúc phạm, chì chiết. Sợ điều tiếng không hay và ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ, đồng thời cũng không biết cách phải bảo vệ bản thân nên chị cứ dần dà bỏ qua, một mình cam chịu mà không dám phản ứng. Chồng chị lại luôn kiểm soát vợ mọi lúc mọi nơi. Sau một lần chị lên nhà bà chơi mà không xin phép chồng thì hậu quả là một màn lăng mạ, đay nghiến chị trước mặt con. Và chính giây phút ấy thì chị dường như đã được thức tỉnh để “giành” lại sự sống cho riêng mình.

Cam kết xóa bỏ bạo lực bằng những hành động cụ thể

Tại sự kiện truyền thông, các đại biểu, khách mời tham dự chương trình đã thể hiện cam kết xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái thông qua những hành động cụ thể. Bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết: Là đại biểu Quốc hội, tôi cam kết thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, các đối tượng yếu thế trong xã hội qua việc nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, tích cực thực hiện giám sát để đảm bảo các vấn đề về phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, an sinh xã hội luôn được đặc biệt quan tâm. Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển chia sẻ: Chương trình mang tới cho cộng đồng và xã hội cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề bạo lực gia đình, trong đó có việc nhận diện và ứng phó với bạo lực tinh thần - hình thức bạo lực âm thầm hành hạ nạn nhân một cách vô hình, không để lại dấu vết nhận biết như bạo hành thể chất, thậm chí chính người bạo hành còn không nhận ra. Tuy nhiên, nó để lại hậu quả rất nặng nề cho nạn nhân. Vì vậy, chúng ta hãy cùng lên tiếng để thúc đẩy hành động chấm dứt bạo lực tinh thần với phụ nữ và trẻ em, hướng tới một xã hội hạnh phúc.

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Giang, Viện phó Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng - LIGHT, phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng dường như yếu thế hơn về sức khỏe cả thể chất và tinh thần và trong bối cảnh dịch Covid-19 lại càng gây ra nhiều nguy cơ xấu. Tỉ lệ bạo lực tăng và mức độ cũng tăng lên, nguy cơ rối loạn nội tiết trong cơ thể và áp lực tinh thần sẽ làm suy giảm thể chất và tâm lý, từ đó dễ dẫn đến bệnh lý, tổn thương tăng nặng. Điều đó cảnh báo càng phải sớm chú trọng đến vấn đề bình đẳng giới và bạo lực tinh thần nếu không muốn chất lượng sức khỏe cộng đồng bị giảm sút. Bác sĩ Nguyễn Thu Giang cho rằng, vắc xin tinh thần vẫn là quan trọng nhất, bởi chỉ khi phụ nữ có sức đề kháng, có hiểu biết, có kiến thức để nhận biết, nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần thì mới có thể chống lại bạo lực tinh thần. 

 Có những trường hợp nạn nhân bị hành vi bạo lực ngôn từ còn khủng khiếp hơn là đánh đập. Họ bị những lời lăng mạ chì chiết làm tổn thương đến độ nhiều người bị rối loạn tinh thần, không tin vào bản thân. Có chị em và cả trẻ em khi tới Ngôi nhà bình yên, họ vô cùng sợ hãi khi nghe tiếng nói to. Phản ứng chung là cơ thể run lên bần bật, co người lại, nắm chặt tay… Một số người chồng gây bạo lực tinh thần bằng cách mang con cái để tạo áp lực, gây tổn thương cho vợ mình. Họ dọa dẫm nạn nhân sẽ bị mất quyền nuôi con, dọa không cho con đi học… Độc ác hơn, có nạn nhân đang ở Ngôi nhà bình yên mà vẫn nhận được những bức ảnh mà chồng gửi tới như ảnh con bị tròng dây thừng vào cổ, những hình ảnh máu me đe doạ. Thậm chí có người chồng còn dẫn theo cả đội bảo vệ, xã hội đen đến tận Ngôi nhà bình yên đe doạ nhân viên chúng tôi và ép vợ phải về…

(Bà LÊ THỊ NGỌC BÍCH,chuyên gia tham vấn Ngôi nhà bình yên)

 HIỀN LƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top