Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: “Đô thị cũng cần có quá khứ của mình”

Thứ Năm 28/04/2022 | 08:30 GMT+7

VHO- Chúng ta muốn gìn giữ di sản để thể hiện bản sắc của đô thị. Nếu mất đi nó, tất cả các đô thị sẽ trở nên giống nhau, sẽ triệt tiêu tính hấp dẫn của các đô thị đó. Trong bối cảnh hiện nay, chính di sản hình thành nên tính hấp dẫn của các đô thị.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, chúng ta phải cân bằng giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển để giữ gìn được những ký ức của thành phố, giữ gìn được tâm hồn và tinh thần của thành phố, để các thành phố có thương hiệu riêng, không bị lẫn với nhau, không phải chỉ toàn những đô thị mới thiếu bản sắc…

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Mất đi dấu ấn thời gian, các đô thị sẽ đánh mất tinh thần, hồn cốt vốn có

PV: Những di sản đô thị, hay đô thị có yếu tố di sản luôn đứng trước sức ép của sự phát triển. Chính xác là sức ép bị phá đi, và thay thế bằng nhà cao tầng. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Chúng ta thấy được là có một mâu thuẫn cố hữu, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả các nước trên thế giới, giữa bảo tồn và phát triển. Những người theo quan điểm bảo tồn thường mong muốn giữ lại càng nhiều càng tốt quá khứ. Họ có lý do rằng, quá khứ là những gì mong manh, rất có giá trị. Nếu phá bỏ quá khứ, chúng ta sẽ không có bất kỳ một cơ hội nào để phục hồi lại được. Vì thế, người ta thường hay lấy một câu nói ví von rằng: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”, để ngụ ý quá khứ là những thứ chúng ta cần trân trọng, giữ gìn, nếu không thì nó sẽ đem lại rất nhiều những hệ lụy, bất lợi cho sự phát triển bền vững đất nước.

Những người theo quan điểm phát triển thì suy nghĩ ngược lại. Người ta cho rằng quá khứ có thể là gánh nặng đối với sự phát triển. Vì giữ gìn quá khứ nhiều khi còn tốn kém hơn so với việc chúng ta tạo ra những tòa nhà mới, con đường mới hay bất kỳ một công trình mới nào đó. Mà đối với một xã hội, quan trọng là phải hướng đến tương lai, chứ không phải níu giữ quá khứ. Thậm chí trong nhiều trường hợp cụ thể, người ta nói rằng nếu bảo tồn, giữ gìn di sản nói riêng, quá khứ nói chung một cách thái quá thì chúng ta đang “vô nhân đạo” với những người đang sống, khiến cho những người đang sống trong khu vực di sản bị kẹt cứng trong những không gian chật hẹp, điều kiện thiếu tiện nghi. Những người đang sống cần một không gian mới, cần một ngôi nhà tiện nghi hơn, xã hội cần những con đường giúp phát triển kinh tế… Chính vì thế, chúng ta phải chấp nhận hy sinh quá khứ để cho mục đích phát triển của xã hội đương đại.

Trên thực tế, hai quan điểm này đều có cái đúng. Giữ gìn quá khứ cũng hợp lý và hướng đến sự phát triển để chúng ta có một cuộc sống tốt hơn, hiện đại hơn, cập nhật với thế giới hơn cũng không phải sai.

Như vậy, chúng ta cần phải tìm ra được tiếng nói chung, để vừa giữ gìn được quá khứ, nhưng cũng đảm bảo sự phát triển, phục vụ nhu cầu xã hội đương đại. Chúng ta đang sống ở thời kỳ hiện tại. Chúng ta phải lấy nhu cầu của hiện tại làm thước đo cho cả quá khứ và tương lai. Một đô thị cũng như một cá nhân, không thể nào mất đi quá khứ của mình. Cá nhân chúng ta cũng thế thôi, bao giờ cũng muốn lưu lại những ký ức đẹp đẽ của mình chứ không ai mong muốn mình chỉ là mình của hiện tại mà không có quá khứ. Một đô thị cũng thế, đô thị cũng cần có quá khứ của mình. Nhưng quá khứ đó phải tạo điều kiện cho sự phát triển của hiện tại và tương lai. Đó là cách thức mà chúng ta muốn giải quyết.

Khu nhà 61 phố Trần Phú (Hà Nội) đang bị phá dỡ

PV: Việc phá hủy nhiều công trình di sản, thậm chí làm biến dạng cả một khu vực di sản, vì những dự án mới là khách sạn, trung tâm thương mại hay chung cư cao cấp để lại hậu quả gì, thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Việc phá hủy một di sản để lại rất nhiều hậu quả. Không phải tự nhiên, bất kỳ động chạm đến một di sản nào đều nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội. Mất đi di sản, mất đi dấu ấn thời gian, các đô thị sẽ đánh mất tinh thần, hồn cốt vốn có. Di sản gắn bó với ký ức của đô thị, nó là hình ảnh tiêu biểu của đô thị và chúng ta, rất nhiều những thế hệ con người, đã gắn bó với những di sản đó. Những di sản đó kể rất nhiều câu chuyện, không chỉ liên quan đến đô thị đó, mà liên quan đến lịch sử của một đất nước.

Chúng ta chỉ cần khoảng 10 năm để có một khu đô thị mới nhưng cần cả trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm để kết tinh nên một di sản. Đó là những nhân chứng vượt thời gian để giáo dục chúng ta về lịch sử, lòng yêu nước, tự hào về vùng đất của một quốc gia. Chính vì thế, chúng ta cần phải giữ gìn quá khứ, giữ gìn di sản.

Ngoài ra, di sản không phải chỉ có dấu ấn của riêng nó, còn liên quan đến nhiều hiện tượng xã hội, hiện tượng văn hóa tổng thể. Phá hủy di sản có thể khiến cho một hiện tượng văn hóa không thể hiểu được. Khi phá hủy cái này đi thì các ký ức khác có liên quan cũng mất đi những ý nghĩa của nó.

Chúng ta có rất nhiều nhà máy đã từng là dấu ấn của sự phát triển của Hà Nội. Ví dụ như Nhà máy bia Hà Nội, Nhà máy cơ khí Gia Lâm, hay hệ thống nhà máy ở khu Cao - Xà - Lá… Không chỉ nhà máy này mà rất nhiều di sản kiến trúc đô thị khác, từ những hệ thống kiến trúc Pháp cổ, rạp hát hay công trình khác nữa… Đó là những kỷ niệm của người dân Hà Nội. Nếu những kỷ niệm đó mất đi, chúng ta nhiều khi sẽ không thể tưởng tượng được Hà Nội trước kia đã như thế nào. Rõ ràng là trong bối cảnh xã hội ngày hôm nay, việc tìm hiểu về quá khứ của những vùng đất như Hà Nội vẫn rất được quan tâm, thậm chí có thể trở thành những giá trị đem lại lợi ích cho sự phát triển của thành phố.

Chúng ta muốn gìn giữ di sản để thể hiện bản sắc của đô thị. Nếu mất đi nó, tất cả các đô thị sẽ trở nên giống nhau, sẽ triệt tiêu tính hấp dẫn của các đô thị đó. Trong bối cảnh hiện nay, chính di sản hình thành nên tính hấp dẫn của các đô thị. Nếu biết cách khai thác sẽ tạo ra những giá trị về kinh tế xã hội.

Còn hiện tại, khi chúng ta thay thế một tòa nhà có một công năng, giá trị lịch sử nhất định bằng những trung tâm thương mại, tòa chung cư, sẽ gây ra sức ép đối với hạ tầng của đô thị. Trong khi chúng ta mong muốn rằng các đô thị của chúng ta sẽ giảm những áp lực về ô nhiễm, xe cộ, giao thông hay các áp lực khác, trở thành nơi đáng sống thì việc xây một chung cư, trung tâm thương mại mới sẽ càng khiến cho những áp lực đó nặng nề, nên người ta càng có lý do để phản đối hơn nữa.

Những ví dụ gần đây cho thấy, việc phá dỡ các nhà máy và xây dựng lên các chung cư, trung tâm thương mại, khu đô thị mới đã gây ra rất nhiều áp lực đối với đô thị. Khu Royal City là một ví dụ. Khi phá nhà máy ở đó, về mặt tích cực, chúng ta có được khu đô thị rất đẹp, được xem là biểu tượng cho các khu đô thị mới ở Thủ đô, nhưng mặt khác, nó lại tạo ra áp lực đối với giao thông của toàn bộ khu vực đó. Đối với giao thông của toàn bộ Việt Nam nói chung, đặc biệt Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nói riêng, thì việc làm đó cần phải rút kinh nghiệm.

Căn biệt thự Pháp cổ thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai ở địa chỉ 128C phố Đại La bị đập bỏ để nhường chỗ cho dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở

PV: Tại sao trong lựa chọn giữa bảo tồn và phát triển đô thị thì phần thua thiệt thường rơi về phía bảo tồn?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Vì người ta luôn luôn nhìn thấy những lợi ích trước mắt. Việc có một ngôi nhà to hơn, nhiều tiện nghi hơn, hiện đại, văn minh hơn, rõ ràng dễ khiến người ta thỏa mãn hơn việc níu giữ lại một ngôi nhà cũ. Mở rộng ra với một đô thị cũng tương tự như vậy. Chưa kể đến việc bảo tồn một ngôi nhà, di tích thường tốn kém hơn rất nhiều so với việc xây một ngôi nhà mới. Từ nhu cầu thực tiễn như vậy khiến cho vệc các di tích biến mất ngày càng nhiều hơn, vì những mong muốn, lợi ích ngắn hạn của con người.

Thực ra, không có một đô thị nào trên thế giới được bảo tồn nguyên vẹn cả. Họ chỉ bảo tồn một phần quá khứ để chúng ta có thể mường tượng được phần nào sự phát triển của đô thị mà thôi. Và người ta hướng đến câu chuyện lưu giữ tinh thần của di sản, đặc biệt là tinh thần căn cốt của di sản để có những hình dung về lịch sử của một vùng đất hơn là những thứ có thể tạo ra sự cản trở đối với việc phát triển của xã hội hiện đại.

Vừa qua, chúng ta bàn đến có 600 ngôi biệt thự Pháp trước năm 1954, câu chuyện xử lý sẽ là như thế nào? Chúng ta chắc chắn không thể nào giữ được nguyên vẹn cả 600 ngôi biệt thự đó. Sẽ có một số ngôi biệt thự bị phá hủy để xây dựng những ngôi nhà mới hoặc thậm chí trung tâm thương mại, giải trí. Nhưng chúng ta phải tính toán đến việc phải giữ một số những ngôi nhà có kiến trúc đặc biệt hoặc là có ý nghĩa với sự phát triển lịch sử của Thủ đô chứ không thể nào phá tất cả hoặc giữ tất cả.

Quan trọng là chúng ta giữ được một phần ký ức có giá trị với xã hội ngày hôm nay, giữ tinh thần của nó chứ không phải giữ tất cả. Giữ gìn quá khứ là giữ gìn tinh thần, giữ gìn ngọn lửa chứ không phải đống tro tàn của quá khứ. Nếu làm được thế thì chúng ta sẽ thỏa mãn được tất cả lợi ích của các bên liên quan.

Di sản đô thị có sức hút đối với khách du lịch

PV: Di sản đô thị luôn chịu cảnh lép vế so với các di tích, di sản văn hóa khác, bởi trong Luật Di sản văn hóa không đề cập đến loại hình này cũng như hành lang pháp lý để bảo vệ. Làm sao để bảo vệ các giá trị ẩn chứa trong những công trình chưa được xếp hạng di tích hoặc trong diện được bảo tồn?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Đó là một trong những nguyên nhân để chúng ta sửa Luật Di sản. Vì hành lang pháp lý của chúng ta chỉ bảo vệ những di tích được công nhận. Còn đối với các di tích khác không được công nhận, vì nhiều lý do khác nhau, không được bảo vệ theo luật pháp. Nhưng trước khi thay đổi luật, chúng ta phải thay đổi quan niệm, tư duy về di sản.

Ở nhiều nước trên thế giới, đối với một di tích có tuổi đời nhất định, tùy vào từng quốc gia một, độ bền của di tích khác nhau, ví dụ các tòa nhà có tuổi đời trên 100 năm luôn được đưa vào dạng khuyến cáo khi tiến hành bất kỳ một dự án nào liên quan đến nó, bất kể có được công nhận hay không. Đó cũng là bài học đối với Việt Nam của chúng ta.

Không phải tất cả các di tích có giá trị đều nằm trong danh sách các di tích được công nhận. Có rất nhiều lý do khiến cho người chủ sở hữu đồng ý hay không đồng ý công nhận di tích. Nhiều di tích người dân hay cộng đồng chưa hào hứng với chuyện được ghi danh dù chúng ta nhìn nhận được rõ những giá trị của nó. Vì thế, câu chuyện thước đo có được đưa vào danh sách di sản văn hóa cấp quốc gia hay cấp tỉnh, thành phố thì chỉ là một trong những yếu tố thôi. Giá trị của di tích không hoàn toàn nằm trong/phụ thuộc vào danh sách di sản đã được công nhận. Như thế, không phải một di tích chưa được công nhận thì ít giá trị hơn di tích đã được công nhận. Chính vì thế, chúng ta cần sửa Luật để bao quát hết được sự đa dạng, phức tạp của cuộc sống.

Nhà tù Hỏa Lò là một trong những điểm hấp dẫn khách du lịch ở Thủ đô Hà Nội

PV: Nhìn từ cách ứng xử với di sản của các nước trên thế giới, theo ông, Việt Nam có thể học hỏi được gì?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Các nước trên thế giới đã có một lịch sử khá dài để giải quyết vấn đề này, tuy nhiên vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để vì thực tế đa dạng hơn những lý thuyết, quan điểm mà chúng ta đang nói chuyện với nhau. Chính vì thế, kể cả những nước rất phát triển trên thế giới, các di sản đô thị vẫn mất đi để nhường chỗ cho sự phát triển mới. Tất nhiên, hiện tượng này đỡ hơn ở chúng ta rất nhiều vì họ đã có nhận thức tương đối tốt về di sản. Nhưng sự đấu tranh giữa nhóm ưu tiên bảo tồn và nhóm ưu tiên phát triển đến nay vẫn chưa chấm dứt được.

Bài học dành cho cho chúng ta đó là, chúng ta phải cân bằng giữa bảo tồn và phát triển để giữ gìn được những ký ức của thành phố, giữ gìn được tâm hồn và tinh thần của thành phố, để các thành phố có thương hiệu riêng, không bị lẫn với nhau, không phải chỉ toàn những đô thị mới.

Để làm được như thế, trong bất kỳ chiến lược phát triển, chúng ta cũng phải tính toán đến lợi ích của các bên liên quan. Chúng ta luôn phải cực kỳ nhạy cảm trong những dự án có liên quan đến di tích, di sản. Các bên liên quan ở đây không phải chỉ những người dân sống trực tiếp ở các di tích, mà là của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, của cộng đồng rộng lớn hơn, chịu ảnh hưởng của việc phá bỏ di tích và xây dựng nên công trình mới. Khi chúng ta lấy được ý kiến rộng rãi, cân bằng lợi ích của các bên liên quan thì sẽ tránh được những tranh cãi như trường hợp tòa nhà 61 Trần Phú (Hà Nội) thời gian gần đây. Rõ ràng, kể cả chúng ta thực hiện đúng quy trình, nhưng chúng ta chưa tham khảo đủ ý kiến của các bên liên quan một cách rộng rãi thì hậu quả sẽ rất tiêu cực. Chính vì chưa có thảo luận rộng rãi, công khai, chưa có ý kiến của các bên liên quan nên gây thiệt hại cho tất cả mọi người, chứ không riêng gì những người bảo vệ di sản mà cả chủ đầu tư, nhà quản lý cũng bị ảnh hưởng. 

PV: Để di sản đô thị có cơ hội phát huy giá trị của mình, cần gắn với việc phát triển du lịch. Ông suy nghĩ như thế nào về đề xuất này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Chúng ta hoàn toàn có thể đưa khu di sản đô thị trở thành những địa điểm du lịch. Mỗi thành phố trong quá trình phát triển của nó có đặc trưng riêng, có những dấu ấn riêng. Chính những di sản đô thị này trở thành nét hấp dẫn riêng, trở thành lịch sử của vùng đất và nó có sức hút đối với khách du lịch.

Chính vì sức hấp dẫn, có đặc điểm riêng, nên di sản đô thị còn có thể trở thành các không gian sáng tạo cho thành phố. Trên thế giới, đây không phải câu chuyện hiếm. Rất nhiều quốc gia đã sử dụng di sản đô thị trở thành các không gian sáng tạo, giúp con người giải trí, từ đó hình thành nên các đô thị đáng sống, lan tỏa những thông điệp sáng tạo của thành phố đến thế hệ hiện tại, tạo nền tảng cho xã hội tương lai.

PV: Xin cảm ơn ông!

VOV.VN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top