Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới : Sinh viên còn “ngơ ngác”, nói gì trẻ nhỏ!

Thứ Sáu 29/04/2022 | 11:06 GMT+7

VHO- “Hiện nay, nhiều bạn nữ có trình độ học vấn cao nhưng lại thiếu kiến thức, hiểu biết về pháp luật, dẫn đến việc bị lạm dụng, bị xâm hại mà không thể tự bảo vệ mình”, đại diện Hội LHPN Việt Nam chia sẻ tại Cuộc họp định kỳ Mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới do Bộ LĐ,TB&XH phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức.

 Các bạn học sinh, sinh viên tham gia tuyên truyền cổ động phòng chống bạo lực gia đình

 Trên thực tế, việc thiếu kiến thức về phòng ngừa bạo lực cũng như xâm hại tình dục ở lứa tuổi học đường rất đáng báo động.

Nhiều nữ sinh bị xâm hại mà không biết tự bảo vệ

Tại cuộc họp, bà Cao Thị Hồng Minh, phó Ban Chính sách Luật pháp, đại diện Hội LHPN Việt Nam nêu thực trạng, hiện nay, nhiều em nữ sinh, sinh viên có trình độ học vấn nhưng thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết về pháp luật, dẫn đến việc bị lạm dụng, xâm hại mà không thể tự bảo vệ mình. Bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia về Giới và Nhân quyền, Quỹ UNFPA tại Việt Nam nhìn nhận, thời gian qua, có rất nhiều vấn đề liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ em gái. Đây là những thách thức không nhỏ đối với mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là nhiều nạn nhân đã tin tưởng, dám lên tiếng và tìm đến sự trợ giúp, hỗ trợ, tư vấn khi xảy ra các sự việc, vụ việc thay vì chỉ biết im lặng, chịu đau khổ một mình.

Ngay cả các bạn sinh viên học giỏi mà còn thiếu kiến thức về bạo lực và xâm hại tình dục giới, thì thử hỏi những em học sinh phổ thông hiểu biết còn hạn hẹp đến đâu? Những sự việc dâm ô, xâm hại ngày càng gia tăng trong môi trường học đường - nơi ngỡ như là an toàn nhất. Đã có không ít học sinh, nữ sinh nữ bị xâm hại tình dục, thậm chí dẫn đến mang bầu, để lại nỗi đau lâu dài về cả thể xác và tinh thần đối với các em và gia đình. Điển hình là các vụ việc như thầy giáo Trường THCS số 2 Thượng Hà (Lào Cai) đã bị khởi tố do hiếp dâm nhiều lần khiến nữ sinh lớp 8 mang bầu 12 tuần; vụ Hiệu trưởng trường PTDT nội trú THCS Thanh Sơn (Phú Thọ) dâm ô hàng chục nam sinh từng gây rúng động dư luận xã hội…

Cũng tại cuộc trao đổi, bà Vũ Kim Dung, đại diện Bộ Tư pháp nhìn nhận, hiện trong nhiều hình ảnh quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng còn tình trạng khắc sâu vai trò giới, định kiến giới như nấu ăn thì luôn là vợ; phụ nữ giặt quần áo, lau nhà chứ không phải đàn ông… Vì thế, bà Dung cho rằng, việc sửa đổi Luật bình đẳng giới cần phải làm rõ định nghĩa “định kiến giới”, “phân biệt đối xử”, “bạo lực trên cơ sở giới”. Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu, biên chế tại các trung tâm pháp lý của Nhà nước hiện còn rất hạn chế, nạn nhân bị bạo lực cơ sở giới nhiều khi lại không phải là nạn nhân của bạo lực gia đình, nên rất khó để được trợ giúp do chưa có quy định cụ thể.

Tìm biện pháp ứng phó bạo lực trên cơ sở giới

Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia bình đẳng giới Lê Thị Phương Thúy, nguyên Trưởng phòng Tư vấn và hỗ trợ phát triển Trung tâm Phụ nữ và phát triển đã nêu ra các nguyên nhân dẫn tới việc bạo lực tình dục và bạo lực giới đối với các em nữ sinh. Đầu tiên là bởi sự coi thường giáo dục gia đình. Bản thân các bậc cha mẹ thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục con cái trước nguy cơ bị xâm hại. Chúng ta lại không có chính sách hỗ trợ giáo dục gia đình, bằng chứng là việc cán bộ xã hội ở đâu - hầu như không ai biết! Mặc dù đã có văn bản xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em 3 cấp độ, tập trung vào cấp độ phòng ngừa, nhưng không được thực thi và giám sát thực thi.

Tiếp đó là kẽ hở trong giáo dục nhà trường, liệu có bao nhiêu tiết học dạy về kỹ năng sống, kỹ năng phòng tránh nguy cơ bị xâm hại tình dục? Hệ thống giáo dục có bao nhiêu tài liệu hỗ trợ cho trẻ em về giới tính, tình dục, luật pháp? Học văn hóa quan trọng nhưng kỹ năng, tình thương mới quan trọng nhất trong học đường. Đáng nói, một bộ phận giáo viên có sự xuống cấp về đạo đức, do nhiều năm ngành Giáo dục “vơ bèo vạt tép”, không quan tâm chất lượng đầu vào, vì thế, có những con “yêu râu xanh” đội lốt giáo viên, thậm chí là cả hiệu trưởng… Cuối cùng, một nguyên nhân không kém phần nguy hiểm nữa là việc quản lý các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, phim đen, bạo lực chưa thật nghiêm minh. Tổng hòa những nguyên nhân đó khiến vấn nạn xâm hại trẻ em ở môi trường học đường không còn là chuyện hiếm.

Bà Lê Thị Phương Thúy cho rằng, giải pháp quan trọng phải bắt đầu từ giáo dục gia đình, các ông bố bà mẹ đừng quá mải mê cuốn vào cơm áo gạo tiền, hãy tham gia những lớp học để bảo vệ con từ trong trứng nước. Nhưng quan trọng hơn, mạng lưới cán bộ xã hội, cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở địa phương đừng để đó chỉ là một vị trí trống rỗng, dựng lên che mắt xã hội. Họ phải ăn, ngủ, chơi cùng với các gia đình để truyền đạt kiến thức. Giáo dục nhà trường cũng cần phải đưa nội dung giáo dục giới tính từ lúc các em còn học mẫu giáo; giáo dục tình dục và luật pháp từ cấp phổ thông cơ sở.

Tại cuộc họp, Luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, nên tận dụng nghĩa vụ trợ giúp pháp lý 8 giờ/năm của hàng chục ngàn luật sư trên cả nước để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới; chuyển cuộc gọi tư vấn đến luật sư có chuyên môn; huy động nguồn lực tuyên truyền phòng ngừa bạo lực trẻ em, phụ nữ qua clip, phim ngắn từ các bạn học sinh, sinh viên… Đại diện Bộ Công an cho hay Cục Cảnh sát hình sự (C02 - Bộ Công an) đang thí điểm và nhân rộng mô hình phòng điều tra thân thiện để nạn nhân là phụ nữ, trẻ em cảm thấy thoải mái, giải tỏa tâm lý, thay vì phải chia sẻ tại cơ quan công an như những đối tượng khác.

Nếu chỉ có số ít cá nhân dám lên tiếng chống lại bạo lực và xâm hại tình dục đối với tuổi học đường, tức là cả học sinh, gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng đang gián tiếp tiếp tay cho vấn nạn này diễn ra. Nguy cơ bạo lực và xâm hại tình dục có khả năng trở thành một loại “thế lực ngầm” trong môi trường giáo dục sẽ được hạn chế nếu có sự đồng lòng, chung tay ngăn chặn từ nhiều bên, thay vì chỉ có bản thân học sinh, gia đình và nhà trường cố gắng. Đẩy lùi và ngăn chặn bạo lực và xâm hại tình dục là trách nhiệm của cả xã hội, cộng đồng chứ không phải chỉ là câu chuyện của riêng ai. 

 NGUYỄN SƠN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top