Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Hào khí tháng 4 ở miền đất lửa Quảng Trị

Thứ Bảy 30/04/2022 | 17:19 GMT+7

VHO- Vào những ngày này, hàng triệu trái tim của người dân cả nước hướng về “miền đất lửa” Quảng Trị để ôn lại kỷ niệm bi tráng, tôn vinh những chiến công bất tử; đồng thời tri ân sâu sắc các thế hệ cha anh đã anh dũng ngã xuống để đất nước có được như ngày hôm nay.

 Cựu chiến binh Phạm Huy Hoạt (giữa) và đồng đội thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ

 Dòng sông 2 thập kỷ gánh chịu “đau thương”

Ngày 30.4.2022, tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” và Lễ diễu binh, diễu hành quy mô lớn. Trước đó, tối 29.4 diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1.5.1972 – 1.5.2022) và 50 năm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972-2022).

Những ngày qua, mọi người dân Quảng Trị đều nô nức chờ đón ngày hội lớn của quê hương, đất nước. Khắp các điểm di tích, các trục giao thông, nơi đâu cũng được trang trí cờ hoa rực rỡ để chào mừng ngày hội Thống nhất non sông. Trở về Quảng Trị, về lại chiến trường xưa vào những dịp này, nhiều cựu chiến binh đã không giấu được xúc động khi nhớ lại một thời kỳ oanh liệt đã từng sát cánh bên nhau chiến đấu. Trong cuộc chiến ấy, có những đồng đội của họ đã vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh đất thiêng này.

Dẫn đầu đoàn cựu Thanh niên xung phong (TNXP) tham gia chương trình “về nguồn” cùng các hoạt động khác thăm di tích Hiền Lương, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam cho biết: “Những ngày tháng Tư đầy ý nghĩa này, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam tổ chức chương trình “về nguồn”. Đến thăm cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải – nơi chia cắt đôi miền hơn hai thập kỷ, chúng tôi cảm thấy xúc động và tự hào. Trong những năm đất nước tạm thời chia cắt, vượt qua bao gian khổ, quân và dân cả nước, trong đó có lực lượng thanh niên xung phong đã chiến đấu quả cảm, anh dũng, góp phần đưa cuộc kháng chiến thành công, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.

Lặng im, nhìn về xa xăm, ông Kim bồi hồi: “Hôm qua, khi đoàn thăm lại di tích sân bay Tà Cơn và các di tích trên địa bàn Quảng Trị, nhiều đồng chí vô cùng xúc động vì họ đã từng chiến đấu trên mảnh đất này, đã có nhiều đồng đội anh dũng hy sinh...”.

Từ cầu Hiền Lương xuôi về Dốc Miếu, mảnh đất từng bị bom đạn cày xới năm xưa nay đã hồi sinh, phát triển, “thay da, đổi thịt” từng ngày. Trong những năm kháng chiến, Mỹ ngụy đã xây dựng hệ thống hàng rào điện tử McNamara để ngăn chặn mọi sự chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Địch bố trí trên phòng tuyến nhiều căn cứ quân sự nối từ bờ biển xã Gio Hải lên đến Dốc Miếu, Cồn Tiên đến Tân Lâm, cùng phòng tuyến bảo vệ Đường 9 lên tận biên giới Việt - Lào với những trang thiết bị tối tân, hỏa lực mạnh. Tuy nhiên, quân và dân ta đã đập tan kế hoạch của địch. Đài chiến thắng tại Dốc Miếu ngày nay như một minh chứng của lòng quả cảm, ý chí kiên cường, gan dạ không thể khuất phục của nhân dân ta.

 Các cựu chiến binh thăm lại cầu Hiền Lương – vĩ tuyến 17

Chúng tôi gặp bà Hoàng Thị Chẩm (67 tuổi), nữ du kích 9 lần được phong dũng sĩ bên dòng Hiền Lương năm xưa và hiểu thêm về quá khứ đấu tranh kiên cường gian khổ, bất khuất, với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng mạc là một pháo đài”.

Sinh ra ở thôn Xuân Long, xã Trung Hải (huyện Gio Linh, giáp sông Hiền Lương về phía bờ Nam), bà Chẩm sớm ý thức được cuộc chiến giành đất giữ làng của cha mẹ và đồng bào. Gia đình bà Chẩm khi ấy cũng bị dồn vào khu tập trung, bố thì bị địch bắt. Không chịu khuất phục, bà Chẩm trốn về quê. Đến năm 1969, khi tròn 19 tuổi, bà Chẩm trở thành du kích tập trung xã Trung Hải.

Trong trận chiến giải phóng quê hương từ đêm 31.3 đến ngày 2.4.1972, bà Chẩm cùng đồng đội đánh tan căn cứ Dốc Miếu, bà là một trong những người đầu tiên cắm cờ ở căn cứ này. Đến ngày

 Quảng Trị được giải phóng, bà Chẩm 9 lần được phong Dũng sĩ diệt địch, trong đó 7 lần Dũng sĩ bắn tỉa.

Sau khi quê hương được giải phóng, không như những người con gái bình thường khác về xây dựng hạnh phúc cho bản thân, “o du kích nhỏ” năm xưa vẫn miệt mài đem hết sức trẻ, tuổi xuân của mình cống hiến cho quê hương một cách thầm lặng đáng trân trọng. Năm 1973, bà được cử đi học lớp nữ hộ sinh đầu tiên tại huyện Vĩnh Linh, rồi trở về công tác tại trạm y tế xã Trung Hải cho đến khi nghỉ hưu. Là một Trạm trưởng, bà luôn cố gắng, nỗ lực hết sức để cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

“Họ đã hy sinh cho chúng tôi được sống”

Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, mùa Hè năm 1972 mãi đi vào lịch sử dân tộc như một trang sử chói lọi, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

 Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải rực rỡ cờ hoa trước ngày hội lớn

Vào những ngày tháng Tư, chúng tôi gặp cựu binh Lê Bá Dương, nguyên phóng viên Báo Văn Hóa, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Văn Hóa tại miền Trung, tác giả của bài thơ nổi tiếng Lời người bên sông được tạc trên bia đá ở hai bờ sông Thạch Hãn: “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm” đang thắp hương cho đồng đội tại các nghĩa trang ở Quảng Trị. Người chiến sĩ Trung đoàn 27 Triệu Hải, Sư đoàn 390, Quân đoàn 1 tham gia chiến dịch giải phóng và bảo vệ Thành cổ năm xưa, giờ đã ngoài 70, xúc động cho biết: “Tôi thắp hương cho các đồng đội ở tất cả các nghĩa trang tại Quảng Trị. Trong niềm lâng lâng tự hào về ngày giải phóng miền Nam, tôi vẫn chạnh lòng nhớ về những đồng đội xưa. Họ đã hy sinh để chúng tôi được sống. Chúng tôi giờ phải sống đẹp, sống có ích, sống thay cho những đồng đội đã hy sinh”.

Về thăm Thành cổ sau hàng chục năm, cựu binh Phạm Huy Hoạt (80 tuổi, quê Thanh Hóa), nguyên là bác sĩ quân y phụ trách đội phẫu thuật tiền phương của Sư đoàn 320 B, làm nhiệm vụ ở vùng cánh Đông Thành cổ nghẹn ngào: “Trong trận chiến Thành cổ Quảng Trị cách đây 50 năm, nhiều cán bộ, chiến sĩ, đồng đội đã anh dũng hy sinh, hiện chưa biết phần mộ, không biết hài cốt nằm ở bãi cát hay lòng sông Thạch Hãn. Hôm nay tôi mới có dịp trở lại thắp hương cho đồng đội. Nhiều gia đình đồng đội cũng gửi gắm đến chúng tôi nhờ thắp nén nhang tưởng nhớ”.

Đối với cựu binh Trần Khắc Khương (69 tuổi, quê ở Thái Bình), ký ức về những ngày tháng ác liệt của trận chiến 81 ngày đêm vẫn chưa phai mờ. Còn cựu binh Nguyễn Thanh Nhưỡng (72 tuổi ở Lạng Sơn) cho biết, sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, 50 năm giải phóng Quảng Trị là những dấu mốc lịch sử quan trọng, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. “Nhắc đến những sự kiện lịch sử nhằm tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được sự hy sinh dũng cảm của cha ông ta để hôm nay sống sao cho xứng đáng”, ông Nhưỡng nói. 

 

Tôi thắp hương cho các đồng đội ở tất cả các nghĩa trang tại Quảng Trị. Trong niềm lâng lâng tự hào về ngày giải phóng miền Nam, tôi vẫn chạnh lòng nhớ về những đồng đội xưa. Họ đã hy sinh để chúng tôi được sống. Chúng tôi giờ phải sống đẹp, sống có ích, sống thay cho những đồng đội đã hy sinh.

(Cựu chiến binh LÊ BÁ DƯƠNG, nguyên phóng viên Báo Văn Hóa)

NGỌC LINH – SÔNG THAI

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top