Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Muộn đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh có bị thiệt?

Thứ Hai 09/05/2022 | 11:02 GMT+7

VHO- Điểm mới trong xét tuyển đại học năm 2022 là thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển sau khi thi tốt nghiệp THPT. Quy định này áp dụng chung cả cho những thí sinh dự định đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng phương thức mới do các trường quy định.

 Công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2021-2022

 Theo cô Cao Tố Nga, Hiệu trưởng trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng), vào thời điểm này của năm ngoái đã có 70% số học sinh lớp 12 của trường chắc chắn đỗ vào một hoặc vài trường đại học. Do được tự chủ phương thức xét tuyển, nên rất nhiều trường đã tổ chức xét tuyển sớm bằng các phương thức như xét học bạ, xét chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế hoặc các phương thức kết hợp giữa xét chứng chỉ với xét điểm học tập THPT.

Thấp thỏm vì không cầm chắc “vé vào đại học”

“Học sinh yên tâm đỗ đại học nên ôn thi tốt nghiệp trong tâm thế thoải mái chứ không như năm nay, Bộ điều chỉnh quy định nên không có chuyện tuyển sinh sớm nữa. Thay đổi này khiến nhiều em lo lắng”, cô Nga cho biết.

Tương tự, theo một giáo viên của trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), thì năm 2021, vào tháng 6, nhiều học sinh lớp 12 đã chắc chắn đỗ đại học. “Trường tôi 80% học sinh đỗ đại học bằng phương thức xét chứng chỉ tiếng Anh kết hợp với điểm học tập THPT. Trường lại nằm trong top “thương hiệu” nên có lợi thế về xét điểm học tập. Trong tình huống các trường đại học chủ động xét tuyển nhiều phương thức và theo các đợt khác nhau, tôi thấy thuận lợi cho học sinh và cũng giảm áp lực cho trường. Nhưng năm nay, quy định của Bộ lại quay về như thời trước kia, xét tuyển tập trung trong một đợt. Tâm lý học sinh sẽ không yên tâm khi phải chờ đợi”, cô giáo cho biết.

Ông Nguyễn Đào Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Tài chính cho biết, nếu trường được chủ động cả về phương thức, thời gian tiếp nhận hồ sơ xét tuyển, công bố trúng tuyển theo các đợt khác nhau thì đỡ áp lực hơn. “Nếu năm trước, quy chế cho phép thí sinh cùng lúc đỗ nhiều trường khác nhau và các em có thêm một lần lựa chọn để xác định nhập học trường nào trong số các trường đã đỗ, thì năm nay các em chỉ được xác định đỗ một nguyện vọng duy nhất (trong trường hợp đủ điều kiện đỗ nhiều trường, nhiều ngành). Trong khi đó, nhiều em gặp sai lầm khi xếp thứ tự ưu tiên nguyện vọng nên rất có thể sẽ không có cơ hội sửa chữa”.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ GD Đại học (Bộ GD&ĐT), điều chỉnh của Bộ năm nay nhằm giảm tình trạng “thí sinh ảo” (đỗ nhưng không nhập học). Vì thế, thay vì để học sinh tự lựa chọn một nơi học trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển, Bộ GD&ĐT chỉ cho phép thí sinh đỗ 1 nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất. Vì thế, “khi đăng ký xét tuyển, thí sinh cần xếp thứ tự các nguyện vọng của mình theo cách: Nguyện vọng nào mong muốn nhất xếp trước”, bà Thủy cho biết, đồng thời thông tin với quy định năm nay, các trường sẽ giảm tình trạng yêu cầu thí sinh “nộp tiền, giữ chỗ học”. Năm trước cũng có trường hợp thí sinh vì lo lắng nên đã nộp hồ sơ vào một trường để “chắc chắn” nhưng vẫn mong chờ trúng tuyến vào một trường khác mình yêu thích. Đến khi trúng tuyển vào trường yêu thích, thí sinh không thể rút được hồ sơ, học bạ ở trường đã nộp nên đã mất cơ hội quý giá với mình.

Một số trường vì muốn chắc chắn nguồn tuyển nên đã tranh thủ tuyển sinh sớm với các phương thức như xét học bạ, chứng chỉ tiếng Anh. Chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp còn rất ít, dẫn tới việc điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức này bị dâng quá cao. Cách tuyển sinh như thế thiếu công bằng với thí sinh. Từ những bất cập trên, bà Thủy cho rằng, Bộ GD&ĐT có thể sẽ phải điều chỉnh về kỹ thuật. “Nếu thí sinh có khả năng đỗ với nhiều phương thức khác nhau thì các cơ hội đó vẫn còn nguyên, không vì xét sớm hay muộn mà mất đi cơ hội”, bà Thủy khẳng định.

Các trường lo rắc rối vì “lọc ảo”

Theo ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội), thì vài năm nay thực hiện theo tinh thần tự chủ nên nhà trường đã xây dựng các phần mềm áp dụng xét tuyển với nhiều phương thức khác nhau và thực hiện rất thuận lợi, chủ động. Nhưng với cách điều chỉnh mới, các trường đều bị động vì phải chờ Bộ GD&ĐT chạy phần mềm lọc ảo. ĐH Kinh tế quốc dân là một trong những trường sử dụng khá nhiều phương thức xét tuyển kết hợp, trong đó chỉ có 10-15% chỉ tiêu dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Chính vì thế, trường này không muốn chờ sau kỳ thi tốt nghiệp THPT mà muốn chủ động xét tuyển sớm theo đề án đã công bố trước đó.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, phần mềm lọc ảo của Bộ sẽ chạy để sao cho mỗi thí sinh có nhiều nguyện vọng đủ điều kiện đỗ chỉ có 1 nguyện vọng được xác nhận trúng tuyển. Như vậy, Bộ sẽ không chỉ “lọc ảo” đối với các trường hợp xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT mà lọc với hơn 20 phương thức xét tuyển khác nhau. Trong đó có những phương thức xét tuyển chỉ áp dụng ở một hoặc một vài trường. Đây là việc khá phức tạp khiến nhiều trường lo ngại “nhỡ ra” phần mềm gặp trục trặc, sai số. Từ đó thời gian xét tuyển sẽ kéo dài. “Sẽ có những trường hợp thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học. Như vậy lọc ảo xong vẫn bị ảo. Trong trường hợp này, các trường không chủ động được nguồn tuyển mà phải chờ tuyển sinh xong đợt 1, còn thiếu chỉ tiêu mới có thể tuyển sinh đợt bổ sung”, đại diện một trường đại học lo lắng.

Ông Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa HN, người từng phụ trách phần mềm lọc ảo cho nhóm xét tuyển chung miền Bắc (thời gian còn chỉ xét tuyển dựa trên một phương thức là điểm thi tốt nghiệp THPT) cũng lo ngại: “Với trên 20 phương thức xét tuyển năm nay, việc chạy lọc ảo sẽ phức tạp hơn nhiều so với trước đây”.

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường sử dụng phương thức xét tuyển riêng (ngoài phương thức truyền thống là dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT), phải tổ chức xét tuyển sơ bộ và có danh sách trúng tuyển tạm thời với những thí sinh xét tuyển bằng phương thức do trường quy định. Trường nhập dữ liệu, danh sách trúng tuyển tạm thời lên hệ thống lọc ảo để Bộ lọc và cho ra kết quả trúng tuyển chính thức.

Nhưng như vậy, thí sinh đồng thời phải đăng ký xét tuyển, nộp hồ sơ xét tuyển theo yêu cầu riêng của trường, vừa phải đăng ký, nhập dữ liệu lên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Bộ cũng yêu cầu các Sở GD&ĐT phải nhập dữ liệu của học sinh lớp 12 lên hệ thống dữ liệu ngành để từ đó chuyển sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển (bao gồm thông tin cá nhân, mã định danh của thí sinh, điểm học tập THPT (học bạ), điểm thi tốt nghiệp THPT)… Với một loạt các quy định mới này, đây sẽ là năm cả học sinh và các nhà trường sẽ có nhiều lúng túng. 

KỲ THANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top