Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nhà văn Lê Phương qua đời

Thứ Bảy 14/05/2022 | 23:16 GMT+7

VHO- Nhà văn, nhà điện ảnh Lê Phương đã rời cõi tạm vào 20h44' tối nay ( 14.5.2022}, hưởng thọ 89 tuổi.

.


Nhà văn, nhà điện ảnh Lê Phương sinh năm 1933 với tên gọi lúc khai sinh là Nguyễn Văn Tiến, tại làng Thiết Úng thôn Vân Hà huyện Đông Anh TP Hà nội. Tuy nhiên địa danh này vốn thuộc miền đất tối cổ là tỉnh Bắc Ninh xưa. Mồ côi cha từ khi mới 2 tháng tuổi trong bụng mẹ, 3 tuổi mẹ đi bước nữa… Nguyễn Văn Tiến lớn lên trong sự đùm bọc vừa ân cần vừa nghiêm khắc của đại gia đình, họ hàng… Nhưng có lẽ dù được chăm sóc ân cần yêu thương đến mấy, thì cái nỗi buồn bẩm sinh của sự cô đơn đã dường như thấm đẫm và lặn vào tiềm thức của ông, khiến cho ông dù có vẻ ngoài khá lãng tử và mạnh mẽ lại dễ dàng rơi nước mắt vì một tiếng ru hời. Cũng có lẽ vì thế, ông đã chọn con đường văn chương là sự nghiệp chính của đời mình dù trước đó từng nhập ngũ từ năm 16 tuổi, 20 tuổi tham gia đơn vị khảo sát chuẩn bị chiến trường cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, rồi 23 tuổi lại hoạt động trong vai trò một chiến sĩ đặc tình thuộc Cục Bảo vệ chính trị Bộ Quốc phòng… thực hiện nhiệm vụ thâm nhập sâu vào giới chủ Hoa kiều ở Hải Phòng trong giai đoạn 300 ngày chuyển giao chính quyền của người Pháp cho chính phủ VNDCCH. Ngay khi đã hoàn thành nhiệm vụ phát hiện, giải mã những hoạt động của tổ chức phản động dưới vỏ bọc của một số doanh nhân Hoa Kiều… Nguyễn Văn Tiến, lúc này đã lấy bí danh Lê Phương, lập tức rời quân ngũ để về với bút nghiên, từng manh nha từ khi ông mới 20 tuổi với truyện ký Thử Lửa viết về chính công việc mà ông đảm nhận: chỉhuy đội Thanh niên xung phong (tên gọi của lực lượng TNXP thời điểm 1953) làm nhiệm vụ mở đường lên Điện Biên, để rồi khi chiến dịch Điện Biên kết thúc, thì niềm yêu thích chữ nghĩa đã phải tạm dẹp sang một bên cho những nhiệm vụ cấp bách do tổ chức phân công.

Mặc dù phải đến năm 1963, tiểu thuyết Bất khuất – tiểu thuyết đầu tay của ông viết về phong trào công nhân đấu tranh chống Pháp từ năm 1930 – mới ra đời, nhưng trước đó ông đã viết rất nhiều truyện ký gây ấn tượng mạnh với bạn đọc đương thời, mà nổi bật là truyện ký Con chim đầu đàn viết về Tổ đá nhỏ ca A của nhà máy xi măng Hải Phòng, một truyện ký mà sau vài chục năm, vẫn có người còn nhớ khi nghe đến tên nhà văn Lê Phương. Với cương vị của một nhà văn làm việc tại nhà xuất bản Lao Động từ 1958 đến 1977, Lê Phương đã  thực sự là một nhà văn viết về công nhân với tất cả sự yêu mến, kính trọng mà ông dành cho giai cấp tiên phong cách mạng này. Khởi đầu với Bất khuất viết về công nhân mỏ than Quảng Ninh, rồi Bạch đàn viết về Lâm nghiệp, Ngã ba thời gian viết về ngành Thuỷ lợi, hay Bông mai mùa lạnh viết về những kỹ sư trẻ từ miền Bắc vào xử lý các sự cố của thuỷ điện Đa Nhim ngay khi công trình Thuỷ điện trọng điểm này bị các kỹ sư của chế độ cũ bỏ lại sau 1975... đã khiến ông hiện diện trong lòng bạn đọc như hình ảnh của một nhà văn của công nhân, của người lao động

Đặc biệt tiểu thuyết Thung lũng Cô – tan viết về trí thức trẻ ngành địa chất đi vào Trường sơn mở tuyến vận tải cho chiến trường miền nam (viết năm 1973) đã gây một hiệu ứng rộng lớn cho thanh niên trí thức thời điểm ấy – đặc biệt thanh niên Hà nội – khao khát được dấn thân vào cuộc kháng chiến chống Mỹ lãng mạn và hào hùng. Với những người đã và đang ở chiến trường, hiệu ứng của cuốn tiểu thuyết càng mạnh mẽ hơn, điều đó được chứng minh bằng hiện thực gần 50 năm sau khi cuốn tiểu thuyết ra đời, một số bạn đọc từng là lính chiến thời ấy còn thuộc từng chương trong tiểu thuyết của ông, khi gặp lại họ đã cao hứng đọc cho ông nghe… Với một người sáng tác, có lẽ không còn hạnh phúc nào hơn. 

Nhà văn Lê Phương đã thâm nhập vào hầu hết những lĩnh vực chuyên ngành sâu của đời sống công nghiệp nước nhà với sự hiểu biết sâu sắc và đầy trách nhiệm với từng trang viết của mình. Những chuyến đi thực tế dài ngày mà ông vẫn tự gọi là “những cuộc đi tìm bạn” đã cho ông không chỉ những trang viết đầy xúc cảm, chính xác về tư liệu chuyên ngành ở cấp chuyên gia… mà còn cho ông những người bạn chân tình, thuỷ chung… Những người bạn giúp ông kiến thức ngoài sách vở, những người bạn chỉ biết ông qua từng trang sách họ đã đọc, những người bạn là lão nông tri điền, hay tiến sĩ khoa học… cả những người vốn là dân giang hồ hay tay buôn đồ cổ có hạng… Tất cả những người bạn ấy làm nên một phổ hiện thực đời sống vô cùng rộng lớn và hào sảng trong từng trang sách ông đã viết, làm nên những chân dung người vô cùng đặc sắc và chân thực, đặc biệt trong những truyện ký gây ấn tượng mạnh một thời, như: Vết xích đường mòn, Pháo đài 44, Bè xuôi sông Mã… Các tác phẩm văn học của nhà văn Lê Phương không chỉ để lại dấu ấn bởi kiến thức sâu sắc về chuyên ngành mà ông khai thác, mà còn bởi thứ văn chương nghiêm túc, cẩn trọng mà ông xử dụng. Ông từng nói với ông, cái “thú vày vò chữ nghĩa” là đam mê không bao giờ vơi cạn.

Nhưng ông cũng từng nói “cái khó nhất của nhà văn là biết dừng lại khi không còn cảm hứng nữa”. Với một ý nghĩa nào đó, với văn chương có lẽ ông đã “dừng lại” một cách quyết liệt và chủ động từ năm 1978. Nhưng sự nghiệp sáng tác thì không như ông tuyên ngôn.

Năm 1977, do một cơ duyên, nhà văn Lê Phương bước sang lĩnh vực điện ảnh. Cũng như với văn chương, các tác phẩm điện ảnh mà ông đã góp phần tạo nền móng đầu tiên đều để lại ấn tượng mạnh mẽ cho người xem. Những bộ phim do ông viết kịch bản như Nơi gặp của tình yêu (2 tập), Câu lạc bộ không tên, Cơn lốc biển hay  Biệt động Sài gòn 4 tập (cùng với Nguyễn Thanh)… sẽ còn được công chúng nhớ mãi như những bộ phim mẫu mực của điện ảnh cách mạng Việt nam. Nhưng ông đồng thời còn là người của những sự mở đầu đầy táo bạo trong lĩnh vực phim ảnh. Là một trong những người dám dùng tiền cá nhân để thử nghiệm việc làm phim thị trường với phim Gánh hàng hoa khiến cho trào lưu khai thác văn chương Tự lực Văn đoàn của điện ảnh trở nên rầm rộ một thời, rồi ông cũng là một trong số ít nhà biên kịch miền Bắc tiến vào thị trường phim Thành phố HCM, với những kịch bản hút khách không ngờ như Tình sử Cô ti lưa, “Địa ngục khoái lạc”… và cũng là người đầu tiên thử nghiệm tham vọng dung hoà được cả giá trị nghệ thuật lẫn khả năng thu hút thị trường với bộ phim Tráng sĩ Bồ đề… Tự trải nghiệm, và dẫn dắt những biên kịch đàn em trong vai trò người biên tập, nhà điện ảnh Lê Phương đã cống hiến cho điện ảnh Việt Nam những cây bút thế hệ sau đầy nội lực như  Hoàng Nhuận Cầm, Trịnh Thanh Nhã…

Năm 1996, nhà văn, nhà điện ảnh Lê Phương lại là tác giả của bộ kịch bản phim truyện truyền hình dài tập đầu tiên của Việt nam có tên Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ nói về cuộc vật mình của lực lượng kinh tế tư nhân trong quá trình tiếp cận với công nghệ trong sản xuất gốm sứ, mở đầu cho dòng phim sẽ phát triển như một sản phẩm không thể thiếu trên màn ảnh nhỏ. Để rồi sau này những bộ phim như Sống mãi với thủ đô, Ngã ba thời gian, Con nhện xanh… do ông viết kịch bản lần lượt ra đời để những dấu ấn mạnh mẽ trong công chúng yêu phim.

Nói về thành tựu của nhà văn – nhà điện ảnh Lê Phương thật không dễ dàng bởi vùng hoạt động của ông rất rộng lớn. Nhưng con người có sự nghiệp đồ sộ này lại vô cùng khiêm nhường và ẩn dật. Ông có bạn bè khắp các giới, các lĩnh vực khác nhau. Nhưng trong các cuộc tiếp xúc, trà dư tửu hậu… không bao giờ ông nói về tác phẩm của mình, bởi ông cho đó là những việc đã làm xong. Ngay cả khi có ai đó bộc lộ sự ganh ghét hay tranh giành ảnh hưởng nào đó với ông, thì ông cũng thường chỉ cười, và lặng lẽ rút lui để dành tâm sức cho một cuộc sáng tác mới, và còn hơn thế, cho những cuộc chơi không tiền khoáng hậu với những người bạn xứng đáng. Đó là lý do mỗi khi ông xuất hiện ở đâu thì đều trở thành tâm điểm và thu hút sự thích thú lắng nghe, sự khâm phục của bạn bè. Hảo sảng cả trong sáng tác và cách sống, với niềm đam mê cuộc sống hiếm thấy, với 90 năm cuộc đời, có lẽ nhà văn Lê Phương đã có một cuộc sống mà nhiều người mơ ước du không giàu có, không có những danh vị của thế giới quan phương. Khi còn rong chơi được, dù phải dùng đến xe lăn, ông vẫn sống sôi nổi như những ngày trai trẻ, không ngày nào không đọc sách để nạp thêm dù một chút kiến thức mới vào mình, không ngày nào không du ngoạn dù gần hay xa, không ngày nào không hướng đến bạn bè dù bạn cùng lứa mỗi ngày một vợi đi.  Với bản tính vui vẻ khoáng hoạt, thẳng thắn và độ lượng, nhà văn – nhà điện ảnh Lê Phương đã rất hài lòng vì những gì mình có. Với gia đình, họ hàng thân tộc và bạn bè, những người mà cơ duyên đã sắp đặt trên đường đời của ông, được ông che chở, bảo vệ, và chia sẻ từng giây phút sống của mình với trách nhiệm chân tình và sự mạnh mẽ hiếm thấy, tất cả chúng ta sẽ nhớ ông như nhớ một Con Người đặc biệt, mà cố nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm từng vẽ chân dung trong 4 câu thơ vui:

Đố ai định nghĩa được Lê Phương/ Tiếu ngạo giang hồ chẳng tính chương/ Mồm miệng chân tay đều xuất chưởng/ Phòng văn bỗng chốc hoá sa trường!

P.V

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top