Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

“Nợ nước non”- Công trình nghệ thuật đặc biệt về Bác Hồ

Thứ Hai 16/05/2022 | 16:51 GMT+7

VHO- Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2022) và 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 – 5.6.2022), sáng nay (16.5), tại Hà Nội, Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp cùng Nhà xuất bản Văn học và Công ty Cổ phần Văn hóa & Truyền thông Liên Việt tổ chức họp báo công bố hai công trình đặc biệt ra mắt công chúng vào dịp này là vở sân khấu và cuốn tiểu thuyết có cùng một nguồn gốc văn học, cùng tên gọi là Nợ nước non. Đây là phần 1 trong bộ sử thi nghệ thuật gồm 3 phần mang tên Nước non vạn dặm có chủ đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh.  

Tác giả của bộ sử thi nghệ thuật  Nước non vạn dặm, PGS, TS, nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ tại buổi họp báo

Tác giả của cả hai công trình này là Nhà văn, Nhà biên kịch Nguyễn Thế Kỷ. Vở sân khấu Nợ nước non là sự kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu cải lương và một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác như dân ca ví, giặm xứ Nghệ; ca Huế; bài Chòi khu 5 và dân ca Nam bộ. Vở diễn do NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam đạo diễn cùng ê kíp nghệ sĩ nổi tiếng của nhà hát cải lương đầu ngành dàn dựng.

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ tâm sự, khi bắt tay vào viết tiểu thuyết và kịch bản sân khấu Nợ nước non, ông gặp rất nhiều thách thức. Trước hết, đó là từ xưa đến nay đã có rất nhiều tác phẩm viết về Bác Hồ và những tác phẩm đó đã nằm lòng trong ký ức của nhiều thế hệ. Vì vậy, phải viết như thế nào để tác phẩm có sự mới mẻ nhưng vẫn đủ sức để lay đọc trái tim người đọc.

Đạo diễn vở Nợ nước non, NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ tại buổi họp báo

Tiểu thuyết Nợ nước non dày hơn 220 trang, là tập 1 trong bộ tiểu thuyết 3 tập Nước non vạn dặm do Nhà xuất bản Văn học và Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt liên kết xuất bản, phát hành. Nội dung chính của tiểu thuyết có những phần gần với nội dung vở diễn sân khấu cùng tên, cũng có những nội dung khác và mới, thể hiện bằng thi pháp và lợi thế của tiểu thuyết.

Bằng sự nghiên cứu lịch sử, văn hóa công phu, nghiêm túc; bằng sự trải nghiệm, tích lũy vốn sống nhiều năm ở quê hương Nghệ An và nhiều vùng đất khác, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã xây dựng hình tượng nhân vật, bối cảnh xã hội chân thực, sống động, giản dị, lôi cuốn người đọc qua từng trang viết. Người đọc như được về thăm, tìm hiểu mảnh đất xứ Nghệ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; được sống cùng Nguyễn Sinh Cung và gia đình Cung hai lần lội bộ đi - về, sinh sống ở Nghệ An và Kinh thành Huế. Ngoài ra, trong tiểu thuyết viết về thời niên thiếu của Bác Hồ, phải làm sao làm rõ được vai trò của quê ngoại đối với sự hình thành nhân cách của cậu bé Nguyễn Tất Thành. Bởi trước đó, Bác Hồ được sinh ra và sống cùng cha mẹ ở làng Trù (Hoàng Trù) quê ngoại. Chỉ đến khi cha của Bác là cụ Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng thì mới về làng Sen (Kim Liên) quê nội vinh quy báo tổ. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cũng lý giải rằng: "Cái tên Nợ nước non xuất phát từ lời bài ca mà bà Hoàng Thị Loan – mẹ của Bác Hồ thường hát ru để dạy các con: "Con ơi nhớ lấy câu này/Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/Làm người đói sạch, rách thơm/Công danh là nợ nước non phải đền". Ngày xưa các cụ chỉ mong con cái mình "đói sạch, rách thơm" và coi chuyện công danh là "nợ nước non" mà ai cũng phải "đền". Trong tiểu thuyết và vở diễn này, tôi dành nhiều trang viết về ông bà ngoại của Bác Hồ - những người đã có công rất lớn trong dưỡng nuôi và chăm lo cho gia đình Bác. Người Nghệ có câu "cháu nội tội ngoại" thì áp vào trường hợp của gia đình Bác Hồ là rất chuẩn".

Trong tiểu thuyết Nợ nước non, cùng với tuyến nhân vật chính, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ còn đưa vào tác phẩm của mình các nhân vật như bà ngoại, những người thân trong gia đình của Nguyễn Sinh Cung, như Út Huệ, Phúc, Út Tâm..., như chí sỹ Phan Bội Châu, họa sỹ - thầy giáo Lê Văn Miến, cả những người được nói đến như Phan Đình Phùng, Vương Thúc Quý, Phan Chu Trinh, Đào Tấn, thậm chí cả những kẻ bán nước hại dân như Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân...

Nợ nước non, phần 1 của bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm

Nghệ sĩ Minh Hải thể hiện hình tượng Bác Hồ và nghệ sĩ Ngân Hà trong vai Huệ cùng thể hiện một bài ca cải lương trong vở Nợ nước non

Nói về tiểu thuyết Nợ nước non, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã vượt qua được chặng đường đầu tiên một cách xuất sắc. Đây là tập vô cùng quan trọng của bộ tiểu thuyết này, là chặng đường quan trọng nhất để hình thành một con người, đặc biệt là một vĩ nhân với những yếu tố vô cùng quan trọng: gia đình, hoàn cảnh lịch sử đất nước, thế giới, điều kiện sống, giáo dục, tư chất, những vẻ đẹp tâm hồn, sự quan sát đời sống, chặng dường nhận thức của nhân vật...
Theo Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã có sự nghiên cứu một cách kỹ lưỡng về cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh, với những hiểu biết sâu sắc về địa lý, lịch sử và văn hóa của vùng đất nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên. Điều đặc biệt là Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã không “kỳ bí hóa” hay “thần thánh hóa” một vĩ nhân lịch sử khi viết về thời niên thiếu của vĩ nhân đó, mà ông đã bình dị hóa tâm hồn cậu bé Cung, song vẫn đủ tinh tế để bạn đọc nhận ra sự trong sáng, khả năng tư duy, khí tiết, ý chí và một điều gì đó lớn lao ẩn chứa trong tâm hồn thơ trẻ ấy...

Trong vở diễn - tiểu thuyết có cùng tên gọi Nợ nước non, tác giả văn học, đạo diễn và ê kíp dàn dựng không chỉ khắc họa những  lịch sử, mà đi sâu luận giải những yếu tố văn hóa, tư tưởng, xã hội đã hun đúc, rèn dũa nên Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Văn Ba để Người có chuyến đi lịch sử vạn dặm từ quê nhà Nghệ An đến kinh đô Huế, qua Bình Định, Phan Thiết đến bến cảng Sài Gòn, cho chuyến vượt trùng khơi cứu nước ngày 5.6.1911. Theo NSND Triệu Trung Kiên, vở sân khấu Nợ nước non khắc họa một cách xúc động, sâu sắc hình tượng Nguyễn Sinh Cung (bé Anh Đức sắm vai), Nguyễn Tất Thành (nghệ sĩ Minh Hải), cùng với hình tượng mẹ Hoàng Thị Loan (nghệ sỹ Như Quỳnh), cha Nguyễn Sinh Sắc (NSƯT Mạnh Hùng)… trong không gian văn hóa các vùng miền từ Bắc chí Nam, đặc biệt là sự thay đổi, trưởng thành về nhận thức, lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược, nung nấu quyết tâm tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành...

Mặc dù tuổi đã cao nhưng GS, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức vẫn đến dự và phát biểu tại họp báo

GS, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức có mặt tại lễ ra mắt, ông chia sẻ những cảm xúc trước những tác phẩm của học trò của mình (PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ): "Tôi rất mừng vì anh Nguyễn Thế Kỷ ngày càng hoạt động sáng tác rất sung sức. Điều đáng trân quý đối với Nguyễn Thế Kỷ là anh đã rất say mê với mảng đề tài cách mạng, yêu nước và cho ra đời nhiều bộ tiểu thuyết, tác phẩm như: Hừng Đông, Mai Hắc Đế... và giờ là phần 1 Nợ nước non trong bộ sử thi nghệ thuật Nước non vạn dặm"

Theo Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, phần 2 và phần 3 của vở diễn sân khấu và bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm dự kiến sẽ ra mắt công chúng vào năm 2023, 2024 với tên gọi Lênh đênh bốn biểnNgười về.

THÚY HIỀN, ảnh : KIÊN TRUNG

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top