Đền Voi Phục, đền Quán Thánh đón Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt

VHO- Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ trấn đền Voi Phục, đền Quán Thánh sẽ được Quận Ba Đình (Hà Nội) trang trọng tổ chức ngày 29.5, với các nghi lễ truyền thống.

Đền Voi Phục, đền Quán Thánh đón Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt - Anh 1

Đền Voi Phục

Đây là sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng của Quận Ba Đình, nhằm thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với các thế hệ tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Đồng thời, giới thiệu và quảng bá những giá trị kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của di tích đền Quán Thánh, đền Voi Phục; khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử văn hoá.

Theo UBND Quận Ba Đình, thông qua việc tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ trấn đền Voi Phục, đền Quán Thánh nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp chính  quyền, tổ chức xã hội  và nhân dân về những giá trị di sản văn hoá, từ đó khơi  dậy lòng tự hào, ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Thông qua buổi lễ góp phần quảng bá du lịch, thu hút các nhà đầu đến với Quận Ba Đình.

Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Voi Phục, đền Quán Thánh sẽ diễn ra với nhiều nội dung: màn trống hội chào mừng; công bố Quyết định và trao bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn: Đền Voi Phục, đền Quán Thánh; phát biểu của lãnh đạo Trung ương, Thành phố, lãnh đạo Quận; màn biểu diễn “Hào khí Thăng Long”. Tại hai di tích Đền Voi Phục, Đền Quán Thánh các nghi lễ truyền thống sẽ được tổ chức trang trọng, gồm: Rước bằng xếp hạng vào Đền Voi Phục; Khởi trống khởi chiêng; Tuyên Chúc văn; Rước Bằng vào hậu Cung; Lễ Dâng hương; Lễ tế. Tại Đền Quán Thánh, sau các nghi lễ truyền thống sẽ diễn ra màn biểu diễn Hà Nội linh thiêng hào hoa. Chương trình nghệ thuật chào mừng diễn ra tối 29.5 tại Cổng Đền Quán Thánh.

Trong cụm di tích Thăng Long Tứ trấn, đền Quán Thánh (Trấn Bắc) và đền Voi Phục (Trấn Tây) là  những biểu tượng lịch sử, văn hóa của Thăng Long - Hà Nội.

Với ý nghĩa lịch sử và giá trị văn hóa quan trọng đối với sự phát triển của Kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay, ngày 18.1.2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 93/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đợt 12 cho 5 di tích trên cả nước, trong đó có di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Thăng Long Tứ Trấn gồm đền Bạch Mã (Quận Hoàn Kiếm), đền Voi Phục, đền Quán Thánh (Quận Ba Đình), đền Kim Liên (Quận Đống Đa).

Đền Voi Phục, đền Quán Thánh đón Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt - Anh 2

Đền Quán Thánh

Trong quá trình định đô, bên cạnh việc xây dựng trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, triều Lý còn đưa Thăng Long trở thành Thủ đô tôn giáo của quốc gia Đại Việt. Trong quy hoạch Thăng Long thời đó có Tứ trấn ở bốn phía của kinh thành. “Tứ trấn Thăng Long” hay “Thăng Long Tứ trấn” là cụm từ thường dùng để chỉ bốn di tích, bốn ngôi đền linh thiêng, tiêu biểu trấn giữ bốn phương của kinh thành Thăng Long xưa.

Tương truyền vào buổi đầu định đô ở miền đất này, với những đóng góp lớn lao của các vị thần cho vương triều Lý, bốn ngôi đền lần lượt được dựng lên: Phía Đông là đền Bạch Mã, thờ Thần Long Đỗ; phía Tây là đền Voi Phục, thờ thần Linh Lang; phía Nam là đền Kim Liên, thờ thần Cao Sơn; phía Bắc là đền Quán Thánh, thờ thần Huyền Thiên Thượng đế (còn gọi là Đức thần Trấn Võ - Vũ).

Đền Voi Phục hiện nay nằm tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Đền nằm trên gò Long Thủ (đầu rồng) quay hướng Nam, ngả chút ít sang Đông, đó là các hướng của nguồn sinh lực vũ trụ vô biên, của thánh thần, cũng là hướng của đế vương. Đền Voi Phục - Thủ Lệ được Vua Lý Thánh Tông cho xây dựng vào năm Chương thánh Gia Khánh 1065. Thờ Đức Thánh Linh Lang Đại Vương. Ngài là Hoàng tử, con của Vua Lý Thánh Tông và Vương Phi Hạo Nương.

Đền Quán Thánh là di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng gắn liền với sự hình thành của kinh thành Thăng Long. Theo sử liệu, ngôi Đền được xây dựng vào những năm đầu khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, trên gò Hồi Long phía đông bắc Hồ Tây. Năm 1823, Vua Minh Mạng đổi tên Đền là Trấn Vũ Quán. Đến đời vua Thiệu Trị năm 1842, đổi tên là Đền Quán Thánh như hiện nay. Vua Minh Mạng khi ra tuần thú Bắc Thành, cho đổi tên đền thành Chân Vũ quán, ba chữ Hán này được tạc trên nóc cổng tam quan. Tuy nhiên, trên bức hoành trong Bái đường vẫn ghi là Trấn Vũ quán. Năm 1842, vua Thiệu Trị cũng đến thăm đền và ban tiền đúc vòng vàng đeo cho tượng Trấn Vũ. Đền được công nhận di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia đợt đầu năm 1962.

Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt là sự ghi nhận, vinh danh những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của “Thăng Long Tứ Trấn” đã luôn vững bền, trường tồn cùng với thời gian, góp phần tạo dựng những nét độc đáo, đặc sắc riêng của mảnh đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến.

BẢO ANH

 

 

Ý kiến bạn đọc