Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Trăn trở với nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở An Giang

Thứ Tư 29/06/2022 | 09:21 GMT+7

VHO- Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu (An Giang) có truyền thống từ lâu đời. Trước đây, hầu như người Chăm nào trong vùng khi lớn lên cũng thành thạo nghề dệt thổ cẩm, coi đây là kế sinh nhai và tự hào với nghề truyền thống của vùng.

 Ông Mohamad chia sẻ về những thăng trầm của làng nghề thổ cẩm

Ông Mohamad, chủ cơ sở dệt thổ cẩm truyền thống làng Chăm Châu Phong, người gắn bó với nghề dệt thổ cẩm đã gần 50 năm, chia sẻ: “Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm Châu Phong cũng là nghề truyền thống của gia đình, đến nay truyền được 3 đời, từ đời ông bà, cha mẹ, rồi đến tôi. Tôi được ba mẹ truyền nghề từ năm 14-15 tuổi, bắt đầu từ những việc nhỏ như phơi chỉ, xả chỉ, rồi dần dần ba mẹ truyền các kỹ thuật khác. Trong khoảng 70-80 năm gia đình chúng tôi gắn bó, trải qua rất nhiều thăng trầm, đến nay cũng không còn thịnh vượng như xưa. Tuy vậy đây là nghề truyền thống, đặc trưng của đồng bào Chăm An Giang, bản thân tôi cũng như những người thợ dệt nơi đây luôn tự hào và bảo tồn làng nghề”.

Theo những người thợ dệt lâu năm ở Châu Phong, ban đầu làng dệt chỉ đơn thuần sản xuất sà rông, khăn đội và nón để phục vụ cộng đồng là chính. Thời gian sau, khi du lịch phát triển, nhiều khách tham quan đến đề nghị mở rộng thêm các mặt hàng phù hợp cho nhiều đối tượng. Thế nên các thợ dệt đã làm ra nhiều sản phẩm, trong đó, mặt hàng được du khách yêu thích nhất là khăn choàng, nón, túi xách, balo, móc khóa, ví,… với đa dạng kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc, hoa văn.

Trước đây nguyên liệu để dệt thổ cẩm là tơ sợi được nhuộm bằng màu tự nhiên từ mủ cây, vỏ cây và trái cây. Tuy nhiên những năm gần đây nguyên liệu tự nhiên rất hiếm nên chủ yếu sử dụng màu công nghiệp. Hoa văn được dệt lên các đồ vật đều có ý tưởng sáng tạo từ truyền thống đến hiện đại, làm tăng thêm giá trị nghề dệt nơi đây. Hiện có những hoa văn truyền thống như mặt võng (tương tự như mặt lưới) với nhiều màu như xanh, trắng và nền chủ đạo là đỏ; hoa văn con thoi; răng cưa; ca-rô nhiều màu… được thêu hoặc kết cườm. Theo đó, họa tiết ca-rô trên thổ cẩm Chăm cũng tương tự hình ca-rô của đồng bào Khmer, tuy nhiên để dệt thổ cẩm họa tiết ca-rô, người dệt phải đếm sợi cho bằng nhau thì hình ca-rô mới vuông đều. “Tôi có đi tham khảo nhiều vùng sản xuất mặt hàng thổ cẩm của người Chăm, thấy rằng nguyên lý chung khá giống nhau, chỉ có khung dệt và kỹ thuật là khác. Dệt thổ cẩm ở Châu Phong có điểm đặc biệt là cột rồi nhuộm, tháo rồi phơi. Có hai cách dệt là tạo hoa văn trên khung trong lúc dệt và tạo hoa văn trước rồi mới đưa vô khung”, ông Mohamad chia sẻ. Theo những người trong làng, việc dệt chủ yếu là thợ nữ đảm trách, vì công việc này nhẹ nhàng và đòi hỏi tính khéo léo, thẩm mỹ. Trong khi nam giới thường phụ trách việc nặng nhọc hơn như nhuộm màu và mang ra phơi nắng. Tuy vậy, để tấm thổ cẩm có màu sắc đẹp, đều, hoa văn như ý thì công đoạn này cũng phải hết sức kỳ công, kỹ lưỡng…

 Công đoạn dệt chủ yếu do thợ nữ đảm trách

Hiện nay những sản phẩm làm cho cộng đồng người Chăm chủ yếu có sà rông và nón đội cho nam; sà rông cho phụ nữ thì thay vì dùng tơ lụa như trước đây nhưng do nay giá thành đắt mà quá trình dệt cũng lâu, trong khi vùng An Giang vải công nghiệp rẻ nên họ thường mua về để mặc, tuy nhiên riêng phần nón thì phải được dệt và kết cườm. Theo truyền thống, phụ nữ Chăm rất kín đáo, lúc nào cũng mặc áo tay dài, đội mũ, khăn che mặt, nên chiếc khăn này có thể dùng vải trơn công nghiệp nhưng phải được thêu hoặc kết cườm thủ công.

Nói đến đây, ông Mohamad ưu tư: “Trước kia nơi đây là làng nghề, cả một xóm cùng tham gia dệt rất nhiều, đi trong làng lúc nào cũng nghe tiếng thoi đưa nhộn nhịp, nhưng giờ chỉ còn lại vài hộ dệt. Có nhiều nguyên nhân, như do thu nhập không ổn định, đa số đã bỏ nghề và đi làm việc khác. Những người còn gắn bó là các hộ gia đình truyền thống, rất yêu nghề, nhưng chủ yếu là những người trung niên, không có thợ trẻ”.

Ông Mohamad cũng cho biết, để duy trì làng nghề, trước đây nhà nước có triển khai dự án dạy nghề để bảo tồn, lúc đó ông cũng có mở lớp dạy và nhiều người đến học. Họ học rất nhanh, khoảng chừng 1 tháng là làm được… nhưng do thu nhập không ổn định nên cũng không trụ được lâu. Hiện nay ông vẫn mở lớp dạy miễn phí cho những người muốn học. Được biết, với những đóng góp và thành tích xuất sắc, ông Mohamad được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen năm 2017; Bộ trưởng Bộ VHTTDL tặng Kỷ niệm chương năm 2018…

Làng dệt thổ cẩm Châu Phong, An Giang mang nét văn hóa độc đáo, đặc trưng của đồng bào Chăm, hiện Sở VHTTDL tỉnh An Giang đang phối hợp xây dựng hồ sơ “Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm An Giang” đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, để đẩy mạnh các giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề trong thời gian tới. 

TÙNG THƯ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top