Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Sách giáo khoa tham khảo: Bao giờ hết cảnh… "đính kèm"

Thứ Sáu 01/07/2022 | 10:29 GMT+7

VHO- Bộ GD&ĐT chưa bao giờ cho phép các nhà trường tổ chức bán, gợi ý hay ép buộc học sinh phải mua sách tham khảo. Thế nhưng, tình trạng này đã và vẫn diễn ra như một sự hiển nhiên suốt vài thập kỷ qua, gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Cần tổ chức, hướng dẫn cho học sinh sử dụng sách trong tủ sách chung để tránh lãng phí, khuyến khích các em tự học (ảnh minh họa)

Combo “bia kèm lạc”

Một trường tiểu học ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) vừa công bố “combo” sách lớp 1 có giá trên 500 ngàn đồng với 24 cuốn, gồm SGK, vở/sách bài tập, tài liệu học tập… trong khi theo quy định của Bộ, học sinh chỉ phải mua 8 đầu sách.

Vở bài tập của các môn học chính ở bậc tiểu học là các xuất bản phẩm bán kèm phổ biến, và nó phổ biến đến mức ai cũng nghĩ đây là sách bắt buộc phải có. Một lý do nữa khiến mọi người nhầm tưởng, là bởi giáo viên đã hướng dẫn, yêu cầu học sinh làm bài trong vở này cả ở giờ học trên lớp lẫn giao bài về nhà. Vở bài tập không thể dùng lại vì học sinh đã viết trực tiếp vào đó.

“Con tôi lớp 9 phải mua mấy chục cuốn sách, hồi lớp 8 số lượng sách cũng nhiều tương tự, trong đó có một số cuốn bài tập không dùng đến bao giờ”, chị Bích Ngọc, một phụ huynh ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết. Theo chị Ngọc, năm nay con ở lớp cuối cấp nên được phổ biến phải mua bộ sách ôn luyện thi vào 10. Nếu phụ huynh không mua theo bộ sách trường đóng gói sẵn thì có thể tự đi mua, nhưng giáo viên chủ nhiệm nhắc bắt buộc phải có sách ôn tập, vì giáo viên sẽ cho học sinh luyện tập theo nội dung in trong sách này.

Theo một phụ huynh khác có con học Trường THCS Đống Đa (Hà Nội), trường không ép phụ huynh mua SGK kiểu “đóng gói sẵn có kèm sách tham khảo” nhưng giáo viên lại gửi danh mục sách bài tập, sách nâng cao để phụ huynh tự mua. Để tiện lợi, đa số phụ huynh đồng ý mua luôn sách do trường phát hành.

Vì sao không cấm được?

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Lân Dũng đã có ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT cần quy định cấm bán sách tham khảo trong nhà trường dưới mọi hình thức. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trả lời: Bộ GD&ĐT không cho phép tổ chức bán hay ép buộc, gợi ý học sinh, phụ huynh phải mua sách tham khảo. Trong tháng 6.2022, Bộ đã có văn bản quy định việc nghiêm cấm việc bán sách tham khảo trong các nhà trường. Trước đó, từ năm 2014, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Trên thực tế, tình trạng lạm phát sách tham khảo, sách bổ trợ vẫn phổ biến hết năm này qua năm khác. Quy định cấm thì có nhưng không thực hiện được! Ở một số địa phương, danh mục sách tham khảo được “gợi ý” từ các phòng chuyên môn của Sở, Phòng GD&ĐT hoặc các đơn vị xuất bản làm việc thẳng với nhà trường với chế độ trích “hoa hồng” tuỳ theo số lượng sách “vận động” được. Việc đưa sách tham khảo đến học sinh được triển khai theo cách xếp kèm với SGK trong các “combo” đóng gói sẵn. Còn một cách khác cũng thường được áp dụng là giáo viên cung cấp list sách tham khảo được cho là hay, thiết thực; thậm chí để “kích cầu”, giáo viên dạy và ra bài tập cho học sinh theo nội dung sách tham khảo.

Dù cũng có những cuốn sách tốt, nhưng sách tham khảo đưa về nhà trường thường không mấy hấp dẫn và thiết thực. Nhiều người chia sẻ, họ vẫn phải đi tìm kiếm các sách phù hợp cho con học tập. “Sách tham khảo đưa vào nhà trường phần lớn không khuyến khích học sinh tự học mà ngược lại, làm trẻ bị lệ thuộc vào văn mẫu, đáp án. Có những cuốn còn sai kiến thức, thể hiện sự cẩu thả trong khâu biên soạn”, anh Việt, một phụ huynh có con học Trường tiểu học Láng Thượng (Hà Nội) bức xúc.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, thay vì các quy định cấm chung chung nhưng không hiệu quả, Bộ GD&ĐT cần có giải pháp mạnh tay hơn, quy định trách nhiệm rõ ràng khi để xảy ra tình trạng ép mua sách tham khảo (đối với hiệu trưởng, giáo viên). Bên cạnh đó, cần mở rộng hình thức xây dựng thư viện, tủ sách hay để học sinh mượn đọc, sử dụng miễn phí. “Các tổ bộ môn nhận nhiệm vụ sưu tầm, tuyển chọn các đầu sách tốt, đề xuất lên lãnh đạo trường để trích quỹ hoặc có thể sử dụng kinh phí của các đơn vị hỗ trợ để mua sách. Đồng thời tổ chức, hướng dẫn cho học sinh sử dụng sách trong tủ sách chung để tránh lãng phí, khuyến khích các em tự học”, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ GD Trung học (Bộ GD&ĐT) gợi ý.

Với những hướng đi trên, cùng với chế tài xử lý nghiêm khắc đơn vị, cá nhân để xảy ra sai phạm trong việc này, hy vọng tình trạng ép buộc mua sách tham khảo và sử dụng lãng phí sẽ được hạn chế dần và chấm dứt. 

 KỲ THANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top