Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Ngang nhiên sách nói không bản quyển

Thứ Sáu 01/07/2022 | 10:47 GMT+7

VHO- Là xu thế tất yếu của lĩnh vực xuất bản, sách nói ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là trên các nền tảng trực tuyến hiện đang tràn lan các sản phẩm sách nói không bản quyền được đăng tải, chia sẻ trái phép hoặc rao bán công khai…

 Sách nói lậu được rao bán, đăng tải công khai Ảnh: ITN

 Ngành sách thêm thách thức

Khi cuộc sống ngày càng bận rộn, xu hướng xem và nghe nhiều hơn đọc thì sách nói là một trong những giải pháp giúp cho độc giả tiếp cận tri thức một cách tiện lợi. Với tiềm năng rộng mở, thời gian qua, thị trường sách nói Việt Nam nở rộ trên nhiều kênh khác nhau. Tuy nhiên, theo đại diện nhiều nhà xuất bản, các sản phẩm này phần lớn do người dùng tự mua sách hay về đọc, ghi âm; hoặc lấy từ nguồn có bản quyền rồi đăng tải lên mạng.

Chỉ cần gõ từ khóa “USB sách nói”, ngay lập tức kết quả hiện ra nhan nhản, nào là Bộ sách nói hay nhất thay đổi cuộc đời nhiều người; Audio book tiện ích dành cho những người bận rộn; 85+ cuốn sách kinh doanh kinh điển đến từ các tác giả nổi tiếng số 1 thế giới; 100 sách nói thay đổi cuộc đời bạn; 160 sách nói kinh doanh làm giàu hay nhất mọi thời đại... được rao bán với nhiều mức giá khác nhau. Không chỉ vậy, nhiều website và kênh YouTube đầu tư chuyên nghiệp về thiết bị âm thanh, thu hút hàng nghìn đến hàng trăm nghìn lượt theo dõi và nghe đọc sách trực tuyến.

Kho tàng sách nói lậu này cũng có đủ đề tài từ văn học, kinh doanh, kỹ năng sống, sách thiếu nhi cho đến các tác phẩm “best seller” của nước ngoài… Trong đó có những cuốn nổi tiếng từng đoạt giải như: Thế giới phẳng (Thomas L. Friedman), Dám nghĩ lớn - The Magic of thinking BIG (David Schwartz), Làm chủ tư duy, thay đổi vận mệnh (Adam Khoo), Nhà giả kim (Paulo Coelho), Đắc nhân tâm (Dale Carnegie), Khám phá sức mạnh bản thân (Gillian Stokes), Quẳng gánh lo đi và vui sống (Dale Carnegie), Cách sống từ bình thường trở nên phi thường (Inamori Kazuo)... Không chỉ những tác phẩm nổi tiếng, nhiều cuốn sách nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau cũng được chuyển sang dạng audio book, thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của lớp độc giả thế hệ số, nhất là trong thời gian giãn cách do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tình trạng sách nói vi phạm bản quyền trên các nền tảng trực tuyến diễn ra đã lâu và ngày càng nghiêm trọng. Có nhiều khó khăn trong khâu phát hiện và rà soát bởi sách nói không ở dạng văn bản, bên cạnh đó, một số kênh cá nhân kinh doanh từ sách nói nhưng núp dưới hình thức chia sẻ phi lợi nhuận. Một số tài khoản có tên người cụ thể nhưng một số lại không rõ ràng gây trở ngại lớn trong việc tìm ra người vi phạm... Hiện trạng này đang là thách thức lớn, ảnh hưởng tiêu cực tới việc tiêu thụ sách của các đơn vị làm xuất bản, đơn vị làm công nghệ chân chính và quyền lợi của tác giả. Bên cạnh sách in lậu và ebook lậu, sách nói lậu tiếp tục trở thành bài toán khó đặt ra cho sự phát triển của ngành xuất bản nước nhà.

Tạo sản phẩm chất lượng, xây dựng hàng rào bản quyền

Nhằm đáp ứng nhu cầu nghe sách nói tăng nhanh của độc giả, những năm gần đây, một số kênh có bản quyền đã được phát triển tại Việt Nam, trong đó có thể kể đến ứng dụng điện thoại Voiz FM. Ông Lê Hoàng Thạch, CEO Voiz FM chia sẻ: “Để xây dựng văn hóa đọc, phải đi theo nhu cầu của người dùng và có các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu ấy. Nghiên cứu của những người xây dựng Voice FM cho thấy, lượng người dùng ở Việt Nam tìm kiếm audio book nhiều hơn ebook, do đó, ứng dụng này đã ra đời vào tháng 9.2019, đến nay đã có hơn 2.000 nội dung là những tác phẩm nổi tiếng, được độc giả yêu thích”.

Đại diện Voice FM cũng cho biết, việc gỡ bỏ nội dung vi phạm bản quyền đang được quyết liệt thực hiện. Thời gian vừa qua, Voice FM đã gỡ hơn 50.000 nội dung vi phạm, trong đó khoảng 20% là các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Vi phạm bản quyền sách nói xuất hiện chủ yếu trên các nền tảng YouTube, Spotify, ứng dụng Apple, Google và các website tự lập. Ba nền tảng đầu tiên đều có chế tài xử lý nếu có phản hồi báo cáo vi phạm. Nhưng với website tự lập, đối tượng hoàn toàn có thể mua tên miền ở nước ngoài để đăng tải hàng loạt ấn phẩm lậu nên khó xử lý triệt để. Đại diện Voice FM thông tin, sắp tới sẽ gửi công văn đề nghị Cục Xuất bản, In và Phát hành có hướng giải quyết vi phạm bản quyền trên website.

Bà Thái Minh Châu, Giám đốc Đối ngoại của ứng dụng sách nói có bản quyền Fonos cho biết, đơn vị này cũng liên tiếp phát hiện ra các trường hợp vi phạm, tự thu âm và đăng tải nội dung sách trái phép. Fonos đã thành lập một đội ngũ chuyên theo dõi những trang sách nói lậu và tính đến nay đã phát hiện ra hàng nghìn bản sách nói vi phạm, gửi thư phản hồi yêu cầu bên vi phạm gỡ bỏ nội dung.

Việc quét sạch sách lậu trên môi trường Internet là không dễ dàng, nên bên cạnh giải pháp mạnh tay xử lý nạn vi phạm bản quyền, các đơn vị làm sách nói uy tín cũng đang đẩy mạnh phát triển kho nội dung số để đáp ứng nhu cầu của độc giả. Với mức phí không quá cao, nhưng dễ dàng tiếp cận nhiều cuốn sách nói chất lượng sẽ thúc đẩy độc giả ủng hộ sách nói có bản quyền. 

THANH NGỌC

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top